(Baoquangngai.vn)- Sáng 11/7, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức tọa đàm với chủ đề: Nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí tham gia các giải báo chí, liên hoan phát thanh, truyền hình. Qua tọa đàm sẽ giúp các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, hội viên, nhà báo trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia các giải báo chí và phục vụ tốt công tác tuyên truyền.
Xem video:
Dự tọa đàm có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Văn Dũng; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Hòa; lãnh đạo các cơ quan báo chí của tỉnh; đại diện lãnh đạo một số Trung tâm Truyền thông - Văn hóa- Thể thao trên địa bàn tỉnh và đông đảo hội viên Hội Nhà báo tỉnh…
Hội Nhà báo tỉnh có 153 hội viên sinh hoạt trong 6 chi hội. Đội ngũ làm báo ở Quảng Ngãi có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước. Hầu hết các nhà báo, hội viên có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ làm báo, cũng như tinh thần trách nhiệm xã hội và ý thức công dân.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Các cơ quan báo chí ở Quảng Ngãi, đặc biệt là Báo Quảng Ngãi và Đài PT-TH tỉnh luôn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt thông tin của Đảng và Nhà nước đến với người dân và làm cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, các hội viên Hội Nhà báo tỉnh đã đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi báo chí và liên hoan phát thanh, truyền hình. Trong đó, đã tham gia Giải Báo chí Quốc gia 16 lần và có 15 lần đạt giải.
Tham gia và đạt giải báo chí do các bộ, ngành Trung ương và tỉnh tổ chức không chỉ đánh giá và công nhận sự xuất sắc, mà còn khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh và sáng tạo trong hoạt động báo chí. Nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao đạt giải hay không gửi dự thi đều có đóng góp rất lớn cho sự nghiệp báo chí của địa phương và đất nước, góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lan tỏa, nhân rộng những gương điển hình tiên tiến;...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) và Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Trần Cao Tánh chủ trì tọa đàm. |
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu, hội viên Hội Nhà báo tỉnh được nghe báo cáo đề dẫn do Hội Nhà báo tỉnh trình bày và 8 tham luận và nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi về những thách thức và cơ hội, tiêu chí, yêu cầu và giải pháp trong việc nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí; các tiêu chí, kinh nghiệm tổ chức, thực hiện, tuyển chọn tác phẩm chất lượng cao tham dự các giải báo chí và liên hoan phát thanh, truyền hình, cơ hội và thách thức với báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, các hội viên, nhà báo cần phải nắm vững tiêu chí tác phẩm báo chí chất lượng cao, sự khác biệt và tính đặc thù theo loại hình và thể loại. Từ đó, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tác phẩm báo chí chất lượng cao nói chung và tham dự từng giải nói riêng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam trình bày tham luận tại tọa đàm. |
Nhiều tham luận trình bày tại buổi tọa đàm đã đồng tình, làm sáng tỏ thêm những tiêu chí, yêu cầu của đề dẫn mà Ban Tổ chức tọa đàm đề ra. Nhà báo Nguyễn Phú Đức – Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi chia sẻ, yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc quyết định đến chất lượng tác phẩm là việc lựa chọn đề tài.
Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi Nguyễn Phú Đức trình bày tham luận tại tọa đàm. |
Cụ thể là, đề tài trong tác phẩm báo chí gửi dự thi giải báo chí do các bộ, ngành trung ương, tỉnh tổ chức phải là những đề tài mang tính thời sự cao, mới, lạ, hấp dẫn, những vụ việc tiêu cực được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, với những đề tài mang tính tổng kết thực tiễn, dự báo… cũng có thể triển khai để thực hiện.
“Nếu như việc lựa chọn đề tài là điều kiện cần, thì việc xử lý đề tài là điều kiện đủ để làm nên một tác phẩm báo chí chất lượng. Hai yếu tố này có tính liên kết với nhau, đề tài hay mà cách xử lý của phóng viên, bộ phận biên tập chưa tốt thì khó có được một tác phẩm báo chí chất lượng, và ngược lại, với đề tài không đảm bảo chất lượng thì không thể nào xử lý thành một tác phẩm hay được”, nhà báo Nguyễn Phú Đức nhấn mạnh.
Một tác phẩm báo chí là sản phẩm của tập thể, nhưng lại mang dấu ấn của cá nhân. Ở loại hình truyền hình, người tổ chức sản xuất và biên tập tham gia với nhóm tác giả ngay từ đầu. Từ tìm chọn đề tài, lựa chọn thể loại để thể hiện cho phù hợp với đề tài, đến lựa chọn phong cách thể hiện và cuối cùng là biên tập.
Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Nguyễn Anh Tuấn trình bày tham luận tại tọa đàm. |
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh cho rằng, nội dung của một thông điệp từ tác phẩm truyền hình tạo ra phải được kết hợp bởi cả hai yếu tố: Thông tin từ ngữ cảnh mà ở đây là chính là hình ảnh tham gia vào câu chuyện. Ngữ nghĩa do hệ thống ngôn ngữ tạo ra. Trong nghệ thuật làm truyền hình, yếu tố hình ảnh rất được coi trọng. Những hình ảnh chứa nội dung là hồn vía của tác phẩm. Ở thời buổi hiện đại, thời của công nghệ số, tâm lý người xem đã dịch chuyển. Người ta muốn nghe, xem thẳng vấn đề, kiểu: Hãy cho tôi biết và cho tôi biết ngay từ đầu, câu chuyện anh muốn kể là về cái gì…
Ngoài ra, tọa đàm cũng thảo luận về một số giải pháp để báo chí làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền. Các cơ quan báo chí cần có chiến lược và giải pháp cụ thể, sự đầu tự tốt hơn, thực hiện chuyển đổi số hiệu quả hơn. Từ đó, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đồng thời tham gia hiệu quả hơn các giải báo chí quốc gia và liên hoan phát thanh, truyền hình toàn quốc…
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Văn Dũng đề xuất, cần đổi mới nội dung lãnh đạo về công tác báo chí; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí; không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và cơ quan chủ quản báo chí.
Cần kiên quyết đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch thông qua một đội ngũ nhà báo và chuyên gia giàu tâm huyết, có kiến thức và kinh nghiệm, sử dụng các hình thức và phương tiện phù hợp. Ngăn chặn có hiệu quả hoạt động xâm nhập vào báo chí nước ta của các thế lực thù địch, phản động từ bên ngoài. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, điều kiện hoạt động cho các cơ quan báo chí.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng- Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao chất lượng nội dung các báo cáo tham luận trình bày tại buổi tọa đàm; biểu dương những kết quả mà Hội Nhà báo tỉnh và phóng viên các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã đạt được trong các giải báo chí quốc gia, giải báo chí do các bộ, ngành trung ương tổ chức. Đồng thời, mong muốn Hội nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí của tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các nhà báo trẻ được tham gia các giải báo chí do tỉnh, trung ương tổ chức. Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam sẽ đồng hành, hỗ trợ Hội Nhà báo tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, nhà báo của tỉnh, nhất là công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí.