(Báo Quảng Ngãi)- UBND tỉnh vừa ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (gọi chung là cán bộ, công chức cấp xã). Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/3/2024, là văn bản cụ thể hóa Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ cấp xã, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Đồng thời, đây cũng là việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 1/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo quy định mới này, từng chức vụ cán bộ, chức danh công chức cấp xã (kể cả khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) được quy định rất cụ thể các tiêu chuẩn về độ tuổi; trình độ giáo dục phổ thông; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; trình độ lý luận chính trị và các tiêu chuẩn khác theo quy định của Đảng, pháp luật có liên quan.
Đối với cán bộ, công chức cấp xã được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, tiếp nhận trước khi Quyết định này có hiệu lực thi hành mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn, thì trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 1/8/2023 (ngày Nghị định số 33/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định. Hết thời hạn này, những cán bộ, công chức chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn, thì thực hiện chế độ nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định.
Cán bộ, công chức cấp xã là lực lượng giữ vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở cơ sở; là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn về bằng cấp, hoặc chuyên môn đào tạo chưa phù hợp với vị trí chức danh công tác đảm nhiệm. Nhiều người chưa được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, cập nhật kiến thức chuyên ngành thường xuyên theo chức danh, năng lực thực tiễn chưa tương xứng với văn bằng, chứng chỉ được đào tạo, bồi dưỡng.
Một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã chưa có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc theo yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở cơ sở.
Chính vì thế, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cần được chuẩn hóa thông qua việc quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ và từng chức danh công chức cấp xã trong giai đoạn phát triển mới. Hơn nữa, hiện nay Chính phủ đang thực hiện lộ trình cải cách tiền lương (dự kiến thực hiện từ 1/7/2024), với mức lương được cải thiện rất đáng kể, được chi trả theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh công tác thống nhất từ trung ương đến cơ sở, là một trong những giải pháp quan trọng để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, hướng đến vì sự phát triển của mỗi địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
LINH GIANG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: