Khai thác lợi thế cảng biển để phát triển logistics

17:41, 03/08/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sở hữu hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất và khoảng cách di chuyển từ KKT Dung Quất đến Cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam) cũng khá gần, Quảng Ngãi có lợi thế rất lớn để thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, trong những năm qua, dịch vụ logistics ở KKT Dung Quất, cũng như của tỉnh chưa phát triển xứng tầm.

Trong bối cảnh nền kinh tế hàng hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, logistics ra đời như một giải pháp cho nhu cầu sản xuất, phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận tiện và nhanh chóng nhất. Công việc của các công ty logistics là lên kế hoạch cụ thể, kiểm soát sự di chuyển của hàng hóa hay thông tin về nguyên liệu từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ, theo yêu cầu khách hàng đặt ra.

Thấy rõ vị trí, vai trò quan trọng của logistics đối với phát triển kinh tế, trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng năm 2021 có đưa ra mục tiêu: “Phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Tập trung phát triển mạnh một số ngành dịch vụ như: Du lịch, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, logistics...”. 

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của nước ta cũng nêu rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục - đào tạo, viễn thông và công nghệ thông tin, logistics và vận tải phân phối”.

Đặc biệt, tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đề ra nhiệm vụ: "Phát triển các trung tâm logistics gắn với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu".

Các chủ trương, đường lối, định hướng nêu trên của Đảng trong phát triển logistics đã được cụ thể hóa thông qua các chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động logistics. Trong những năm qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm trong việc hoàn thiện môi trường chính sách, thể chế pháp luật về logistics. Việc ký và thực hiện các cam kết của Việt Nam về logistics trong các Hiệp định FTA thế hệ mới hiện nay cũng sẽ thúc đẩy sản xuất, thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ, qua đó tạo tiền đề cho hoạt động logistics phát triển trong thời gian tới.

Từ thực tiễn nêu trên, theo một số chuyên gia kinh tế, vấn đề đặt ra để thúc đẩy phát triển logistics đối với Quảng Ngãi, cũng như một số tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hiện nay là: Cần có sự đột phá trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin... Đồng thời, ban hành chính sách thu hút, xây dựng các trung tâm logistics, kết nối hiệu quả với hệ thống cảng biển (như cảng nước sâu Dung Quất), đường giao thông và cảng hàng không. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến logistics; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc quan điểm, định hướng chỉ đạo mang tính nhất quán đối với các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân là ngành logistics trong thời gian tới sẽ trở thành một ngành "dịch vụ cơ sở hạ tầng", đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.

PHẠM DANH

TIN. BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 17:41, 03/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.