(Baoquangngai.vn)- Sáng 27/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan để cho ý kiến liên quan đến Đề án phát triển chuỗi cung ứng gỗ nguyên liệu cho Nhà máy Bột - Giấy VNT 19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2023 - 2028.
Đến thời điểm này, Đề án phát triển chuỗi cung ứng gỗ nguyên liệu cho Nhà máy Bột - Giấy VNT 19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2023 - 2028, được chủ đầu tư là Công ty CP Bột - Giấy VNT 19 xây dựng hoàn thiện. Quy mô hơn 20,5 nghìn héc ta, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng; triển khai từ năm 2023 - 2028 ở tất cả các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, trừ TP.Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn.
Đại diện Sở NN&PTNT báo cáo tại cuộc họp. |
Đề án nhằm liên kết, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao, kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng, lập các loại chứng chỉ rừng bền vững, vận hành chuỗi cung ứng đặt mục tiêu đáp ứng khoảng 30% nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy. Từng bước tích hợp, mở rộng diện tích rừng liên kết, phục vụ đủ nhu cầu cho nhà máy ở giai đoạn tiếp theo. Dự kiến, khi nhà máy vận hành, tạo ra khoảng 800 việc làm, với sự tham gia khoảng 600 - 700 lao động các địa phương.
Đại diện chủ đầu tư là Công ty CP Bột - Giấy VNT 19 nêu ý kiến tại cuộc họp. |
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đánh giá cao việc triển khai Đề án phát triển chuỗi cung ứng gỗ nguyên liệu cho Nhà máy Bột - Giấy VNT 19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2023 - 2028. Đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương cần phát huy vai trò quản lý của Nhà nước để triển khai đề án đúng định hướng; đảm bảo được nguồn nguyên liệu khi dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT 19 đi vào hoạt động; đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho các địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu kết luận tại cuộc họp. |
Trong đó, lưu ý nguồn nguyên liệu phải được trồng và phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn FSC, một tiêu chuẩn tự nguyện nhằm hỗ trợ quản lý rừng có trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu. Trong quá trình trồng, có thể lồng ghép nhiều cây trồng ngắn hạn, đem lại hiệu quả kép cho người dân. Các địa phương cần sớm thành lập các tổ hợp tác sản xuất, từng bước hình thành chuỗi liên kết từ trồng, chế biến và tiêu thụ lâm sản, hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo ở địa phương.
Công ty CP Bột - Giấy VNT 19 cần làm việc cụ thể lại với từng địa phương để có định hướng đầu tư phù hợp; trong quá trình triển khai đề án, phải đặt lợi ích người dân và vấn đề môi trường lên hàng đầu; có thể cho triển khai thí điểm đề án trong giai đoạn đầu. Sở NN&PTNT đồng hành cùng các địa phương, nhà đầu tư và kịp thời tham mưu để UBND tỉnh ban hành những định hướng chung trong quá trình triển khai, thực hiện các nội dung của đề án.
Tin, ảnh: THIÊN HẬU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: