KỶ NIỆM 69 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27/2/1955 - 27/2/2024)

Trách nhiệm và tình thương của thầy thuốc (Kỳ 1)

16:03, 26/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại Hội nghị cán bộ y tế ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư dặn dò các cán bộ y tế phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y như từ mẫu”. Lời căn dặn của Bác Hồ mang giá trị nhân văn sâu sắc, là ngọn đuốc soi sáng trái tim và hành động của các thế hệ y, bác sĩ, để từ đó làm tròn trách nhiệm, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Kỳ 1: NÊU CAO Y ĐỨC

Trạm y tế (TYT) là tuyến y tế cơ sở gần dân nhất, là tuyến đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song bác sĩ ở các TYT đã nêu cao y đức, thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

                

Bác sĩ của lòng dân

Tháng 1/2024, vợ chồng anh Phạm Văn Răng và chị Phạm Thị Día (người Hrê, quê ở huyện Ba Tơ), đi hái cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên trên đường trở về quê, vừa qua đèo Viôlắc thì bị tai nạn. Khi nghe tin, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Ngọc (53 tuổi) - Trưởng TYT xã Ba Tiêu (Ba Tơ) ngay lập tức mang theo dụng cụ lên đường cấp cứu nạn nhân. Bất cứ lúc nào, chỉ cần biết tin có người bệnh cần giúp đỡ, bác sĩ Ngọc không nề hà khó khăn, vượt đường xa để kịp thời sơ cứu cho nạn nhân. Tuyến đường qua đèo Viôlắc thường xảy ra tai nạn, bởi vậy, bên cạnh đảm nhận công việc tại trạm, bác sĩ Ngọc luôn sẵn sàng lên đường cấp cứu ngoại trạm trong mọi tình huống.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Trưởng Trạm Y tế xã Ba Tiêu (Ba Tơ) thăm khám cho mẹ và bé sinh tại trạm y tế.                                                        ẢNH: BẢO HÒA
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Trưởng Trạm Y tế xã Ba Tiêu (Ba Tơ) thăm khám cho mẹ và bé sinh tại trạm y tế. Ảnh: BẢO HÒA

Xã Ba Tiêu cách xa trung tâm huyện Ba Tơ hơn 25km, giáp ranh tỉnh Kon Tum. Người dân địa phương chủ yếu là đồng bào Hrê, đời sống kinh tế khó khăn, sống rải rác trên sườn núi. Trên địa bàn xã chưa có quầy thuốc tây, mỗi khi đau ốm, người dân đều trông chờ vào TYT xã. Khi người dân cần, bác sĩ Ngọc lặn lội đến từng thôn, xóm để thăm khám. Hơn 30 năm gắn bó với TYT xã Ba Tiêu, bác sĩ Ngọc miệt mài với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chị vượt đèo, lội suối đến với người dân với tất cả tình thương và trách nhiệm của người thầy thuốc, xem người bệnh như chính người thân của mình và chăm sóc tận tình, chu đáo. Chị đã nỗ lực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, để chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn.

“Khi người dân gọi là chúng tôi đến ngay. Đặt mình ở vị trí của người bệnh, không cho phép mình chần chừ, lơ là vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Trạm y tế nhận được niềm tin yêu của người dân là vậy. Những lúc đau ốm, người dân đều đến TYT, thay vì tìm đến thầy cúng như trước đây”, bác sĩ Ngọc chia sẻ.

 

Bác sĩ Ngọc cho biết, niềm vui lớn đối với các y, bác sĩ ở TYT xã Ba Tiêu là ngày 8/4/2022, Hội Siêu âm Việt Nam đã tặng cho TYT máy siêu âm xách tay. Từ ngày có máy siêu âm, chúng tôi tự tin hơn trong chẩn đoán và điều trị bệnh cho người dân. Đối với bệnh nhân lớn tuổi và người bệnh nặng không thể tới TYT, chúng tôi mang máy siêu âm đến tận nhà khám cho bệnh nhân. Người dân rất vui và thêm tin tưởng vào chuyên môn của y, bác sĩ ở TYT xã.

Trước tình trạng TYT xã khan hiếm thuốc men và thiếu thiết bị y tế, ngay cả bình ô xy cũng bị hỏng, bác sĩ Ngọc đã kêu gọi hỗ trợ kinh phí mua thuốc, trang thiết bị y tế cho TYT, với tổng số tiền gần 60 triệu đồng. “Chúng tôi chủ động áp dụng công nghệ mới, chuyển đổi số để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo việc khám và điều trị bệnh cho nhân dân được thuận tiện, hiệu quả. Chúng tôi mong được đầu tư nhiều hơn về chuyên môn, cơ sở vật chất, hỗ trợ thuốc thiết yếu, để khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại trạm được tốt hơn”, bác sĩ Ngọc bày tỏ.

Khó khăn không sờn lòng

Gắn bó với TYT phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) suốt 27 năm qua, bác sĩ Nguyễn Thành Được (51 tuổi) - Trưởng TYT phường Phổ Văn, luôn tâm niệm rằng, niềm vui và hạnh phúc của người thầy thuốc chính là giúp người dân có kiến thức để phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm và chăm sóc tốt sức khỏe. Nhân dân quý mến bác sĩ Được cũng bởi sự gần gũi, tận tụy trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Anh luôn niềm nở, chuẩn mực mỗi khi tiếp xúc với người bệnh, lắng nghe và tận tình giải thích, tư vấn để người bệnh biết cách điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe.

“Trạm y tế phường chỉ có trưởng trạm đủ điều kiện phụ trách công tác khám, chữa bệnh, nên khối lượng công việc của trưởng trạm rất nhiều. Trung bình mỗi ngày, trạm tiếp nhận từ 15 - 20 lượt bệnh nhân. Tôi luôn cố gắng, bởi chăm sóc sức khỏe nhân dân là trách nhiệm của người thầy thuốc. Yêu nghề nên vất vả đến mấy cũng phải nỗ lực để làm tròn trách nhiệm”, bác sĩ Được cho hay.

Bác sĩ Nguyễn Thành Được, Trưởng trạm Y tế phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) khám, siêu âm cho bệnh nhân. ẢNH: BẢO HÒA
Bác sĩ Nguyễn Thành Được, Trưởng trạm Y tế phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) khám, siêu âm cho bệnh nhân. Ảnh: BẢO HÒA

Bác sĩ Được kể, trong tháng Hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023, TYT phường tổ chức khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn phường. Sau khi được khám và tư vấn sức khỏe, các cụ già đến bắt tay trưởng trạm và nói lời cảm ơn. Tôi rất xúc động. Hạnh phúc của người thầy thuốc đơn giản là vậy. Người dân hài lòng là động lực để tôi và đồng nghiệp tiếp tục phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn, cập nhật các kiến thức mới để tư vấn, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn.

Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) là xã ven biển với mật độ dân cư đông đúc, trong khi đó TYT xã thiếu biên chế. Mỗi cán bộ y tế xã phụ trách nhiều chương trình y tế quốc gia, công việc rất vất vả. Dù vậy, với nỗ lực và quyết tâm của đội ngũ cán bộ y tế, TYT xã luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Văn Nhu (54 tuổi) - Trưởng TYT xã Nghĩa An cho hay, số lượt người dân đến khám, điều trị tại TYT xã ngày càng đông. Người dân ngày càng tin tưởng vào TYT bởi chất lượng khám, điều trị bệnh ngày một nâng cao, đặc biệt là thái độ, phong cách phục vụ của y, bác sĩ tạo sự hài lòng cho người bệnh. 

Bác sĩ Phạm Văn Nhu - Trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) khám sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn xã.
 ẢNH: BẢO HÒA
Bác sĩ Phạm Văn Nhu - Trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) khám sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn xã. Ảnh: BẢO HÒA

Bác sĩ Nhu công tác tại TYT xã Nghĩa An từ năm 1999 đến nay. Ngày trước, khi xã Nghĩa An chưa có cầu bắc qua sông Phú Thọ, vào mùa mưa bão, việc cấp cứu bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ Nhu và đồng nghiệp nỗ lực sơ cứu ban đầu, rồi đưa bệnh nhân vượt sông bằng ghe để chuyển lên tuyến trên. Tuy vất vả nhưng bác sĩ Nhu vẫn gắn bó với miền quê ven biển này.

Còn nhớ, vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Nghĩa An bị phong tỏa toàn xã. Bác sĩ Nhu đã tham gia cấp cứu, điều trị tất cả các trường hợp người dân trong xã bị bệnh. Làm việc cả ngày lẫn đêm, ngay cả thời gian ăn, ngủ cũng trở nên hiếm hoi, nhưng bác sĩ Nhu không hề than vãn. Đó là bởi lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm của người thầy thuốc đã thôi thúc và tiếp sức để ông ngày qua ngày khám, điều trị bệnh cho nhân dân.

“Tôi luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”, và thường xuyên nhắc nhở đồng nghiệp phải ân cần, niềm nở, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân khi đến khám, điều trị tại TYT. Khi cán bộ y tế lắng nghe người bệnh, cử chỉ và lời nói ân cần, chăm sóc người bệnh như người nhà của mình, có vậy mới được nhân dân tin tưởng. Điều tâm huyết nhất của tôi là góp sức xây dựng tập thể đoàn kết, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân”, bác sĩ Nhu chia sẻ.

 PHƯƠNG LÝ - BẢO HÒA

------------------

Kỳ cuối: Tạo niềm tin cho người bệnh

     

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:03, 26/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.