Tấm lòng của người thầy giáo vùng cao

19:57, 27/05/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Tham gia hiến máu tình nguyện cách đây 5 năm, đến nay, thầy giáo Đào Nhật Khoa (SN1990), giáo viên Trường THPT Ba Tơ đã có gần 40 lần hiến máu để cứu người vượt qua nguy kịch.

Chúng tôi gặp thầy giáo Đào Nhật Khoa vào một ngày đầu tháng 5 - Tháng nhân đạo. Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với thầy giáo có tinh thần hiến máu tình nguyện là có đôi mắt hiền, giọng nói trầm ấm, thân tình và nụ cười luôn ở trên môi.

Âm thầm trao sự sống

Thầy Khoa có tinh thần tham gia hiến máu từ những ngày còn là sinh viên. Tuy nhiên, do điều kiện sức khỏe, cân nặng không đủ nên anh Khoa bị từ chối. Mãi đến năm 2018, khi đã là thầy giáo, anh Khoa vô tình biết đến Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống Facebook Quảng Ngãi qua lời giới thiệu thì mong muốn được hiến máu cứu người luôn thường trực trong anh lại trỗi dậy. Anh tìm đến câu lạc bộ trong tâm thế lo sợ bị từ chối hiến máu vì sức khỏe không đảm bảo. Nhưng thật may mắn, thầy giáo Nhật Khoa được tạo điều kiện để tham gia và đã có lần hiến máu đầu tiên thành công. Cũng từ đây, việc hiến máu tình nguyện cứu người đã trở thành lẽ sống của người thầy giáo 9x.

Thầy giáo Đào Nhật Khoa trong một lần tham gia hiến tiểu cầu.
Thầy giáo Đào Nhật Khoa trong một lần tham gia hiến tiểu cầu.

Nhớ về lần hiến máu đầu tiên, thầy giáo Nhật Khoa hào hứng chia sẻ, suốt bao nhiêu năm trăn trở, mong muốn được hiến máu giúp đỡ người bệnh của tôi cuối cùng cũng được thực hiện. Tôi rất vui. Vì tôi biết rằng, mỗi giọt máu được cho đi là có thêm một cuộc đời, một sinh mạng được giữ lại.

Đến nay, thầy giáo Đào Nhật Khoa đã có 38 lần cho đi những giọt máu nóng để kịp thời cứu người. Trong đó, hiến tiểu cầu chiếm đa số, với 36 lần và 2 lần hiến máu toàn phần.

Gần 40 tờ giấy chứng nhận mà thầy giáo trẻ Đào Nhật Khoa nhận được sau những lần hiến máu.
Gần 40 giấy chứng nhận mà thầy giáo trẻ Đào Nhật Khoa nhận được sau những lần hiến máu.

Khác với hiến máu toàn phần chỉ mất từ 5 – 10 phút, mỗi lần hiến tiểu cầu thường kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, trải qua quá trình chiết tách tiểu cầu rồi trả các tế bào máu còn lại như huyết tương, bạch cầu, hồng cầu về cơ thể người hiến. Để có thể hiến tiểu cầu thuận lợi, tĩnh mạch của người hiến phải có kích thước phù hợp.

"Đối với hiến máu toàn phần, số người đủ điều kiện hiến rất nhiều và máu có thể dự trữ được lâu nên các bệnh viện có thể chủ động. Tuy nhiên, với tiểu cầu chỉ có thể hiến khi có ca cấp cứu, tình trạng bệnh nhân đang nguy kịch. Đó cũng chính là lý do phần lớn số lần hiến máu, tôi chọn hiến tiểu cầu”, thầy Khoa chia sẻ.

 

Bất kể khi nào, chỉ cần nghe tiếng chuông điện thoại nhắn tin cần nguồn máu gấp, thầy Khoa lại vượt quãng đường dài 60km từ thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) xuống TP.Quảng Ngãi để hiến máu cứu người. Có những hôm vừa đi làm về chưa kịp ăn cơm, đang dạy học, hay thậm chí giữa đêm khuya, thầy Khoa vẫn gác lại tất cả để kịp thời có mặt tại bệnh viện hiến tiểu cầu cứu người, dù đó là những người xa lạ.

Thầy giáo Nhật Khoa tâm sự, trong một lần đến bệnh viện chăm sóc người thân, tôi đã chứng kiến trường hợp bệnh nhân bị tụt tiểu cầu dẫn đến nguy hiểm tính mạng, rồi cũng biết được nhiều em nhỏ bị bệnh về máu, mỗi tháng phải đi truyền một lần chỉ để kéo dài thời gian sống. Những hình ảnh đó đã khắc sâu trong tâm trí và thôi thúc tôi phải làm điều gì đó để giúp đỡ những trường hợp này.

 

Chính vì lẽ đó, không chỉ trực tiếp tham gia hiến máu tình nguyện, thầy Khoa còn tích cực vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp cùng tham gia.

Người thầy của những giấc mơ

Đối với một ngôi trường tại miền núi có hơn 70% học sinh là người đồng bào Hrê, đa số gia đình đều sống bằng nghề nông, lâm nghiệp, hoàn cảnh còn rất nhiều khó khăn, nên việc giúp học sinh nắm bắt hết được những kiến thức trong chương trình phổ thông là không dễ dàng. Thế nhưng, em Trần Thục Uyên, học sinh lớp 12A1, học sinh lớp thầy Khoa chủ nhiệm đã đạt được danh hiệu "Học sinh 3 tốt" cấp trung ương. Một trong những điều kiện cần giúp Thục Uyên đạt được danh hiệu đáng tự hào này là giải Ba cấp tỉnh môn Hóa học mà Uyên vừa giành được trong năm học 2021 - 2022. Và người bồi dưỡng, chuẩn bị hành trang, kiến thức bộ môn này để Uyên tham gia kỳ thi không ai khác, chính là thầy Khoa.

Em Trần Thục Uyên chia sẻ, em đạt được thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh phần lớn là nhờ vào sự nhiệt huyết, hướng dẫn tận tình của thầy Nhật Khoa. Không chỉ là một người thầy hết lòng truyền dạy kiến thức, thầy Khoa còn như một người thân luôn đồng hành và động viên em trên hành trình nỗ lực khẳng định bản thân, hoàn thành giấc mơ của mình.

Nhờ sự tận tâm với nghề, thầy giáo Nhật Khoa đã từ miền xuôi lên miền ngược viết nên giấc mơ cho nhiều học sinh miền núi (em Thục Uyên ngồi giữa được thầy Khoa hướng dẫn bài vở tận tình).
Từ miền xuôi lên miền ngược dạy học, thầy Khoa đã viết nên giấc mơ cho nhiều học sinh miền núi (Trong ảnh: Em Thục Uyên ngồi giữa luôn được thầy Khoa hướng dẫn bài vở tận tình).

“Khoa là một giáo viên trẻ không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn luôn xông xáo, nhiệt huyết trong công tác Đoàn thanh niên, Công đoàn, Chữ thập đỏ của trường và đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Đối với những việc làm thiện nguyện của thầy giáo Khoa, nhà trường cũng rất hoan nghênh và luôn tạo mọi điều kiện để Khoa có thể hết mình với đam mê ấy”, đó là những chia sẻ của Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Ba Tơ Đinh Thị Ái Ly. Một người thầy không chỉ tận tâm, tận tụy trong hành trình mang con chữ đến với học sinh vùng cao, mà còn là một người luôn biết sống vì cộng đồng, vì xã hội.

Trong vai trò Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của Trường Trung học Phổ thông Ba Tơ, thầy giáo Khoa là người đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức các phong trào hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ các học sinh nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ sự nhiệt huyết của thầy, rất nhiều phần quà hỗ trợ, những bộ quần áo, sách vở, giày dép đã được trao cho học sinh khó khăn, động viên các em đến trường.

Với những sự cố gắng, lòng nhiệt thành, thầy giáo Khoa nhiều lần được nhận Bằng khen của các cấp Hội Chữ thập đỏ về thành tích trong phong trào Chữ thập đỏ, đạt các Danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, giáo viên trẻ tiêu biểu cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Giấy khen của Công đoàn ngành... Đặc biệt, thầy giáo Đào Nhật Khoa 2 lần nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua dạy học và hiến máu tình nguyện.

Trách nhiệm, không ngại khó khăn, vất vả trong Công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ, tận tụy với công việc chuyên môn, thầy giáo Đào Nhật Khoa là tấm gương tiêu biểu truyền cảm hứng cho xã hội.

Bằng sự nhiệt huyết của mình, thầy giáo Đào Nhật Sơn nhiều lần nhận được bằng khen của các cấp Hội Chữ thập đỏ về thành tích trong phong trào Chữ thập đỏ và nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích trong phong trào hiến máu năm 2021.
Thầy giáo Đào Nhật Khoa (thứ 2 từ phải sang) nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích trong phong trào hiến máu năm 2021.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phạm Ngọc Thành bày tỏ, với tinh thần tình nguyện và cái tâm vì cộng đồng, những người như anh Khoa đã lan tỏa mạnh mẽ giá trị nhân đạo thông qua nghĩa cử cao đẹp hiến máu cứu người. Mỗi giọt máu cho đi không chỉ đơn thuần là liều thuốc cứu người. Mà đó còn là tấm lòng yêu thương, sự sẻ chia trước những bất hạnh và là động lực tiếp thêm hy vọng sự sống cho những người bệnh.

Hiến máu nhân đạo rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Đó là hành trình mang theo tình yêu thương của con người, góp phần làm cho cuộc sống ý nghĩa hơn.

Bài, ảnh: THANH NHÀN - THY PHƯỚC

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.