Đôi bờ sông Trà

12:35, 07/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những cây cầu nối đôi bờ sông Trà Khúc có sứ mệnh của riêng mình, mở ra cơ hội để TP.Quảng Ngãi phát triển và nâng tầm kiến trúc đô thị cho thành phố ven sông.  

Tháng Tư đầy nắng và gió. Tôi làm một vòng xe bắt đầu từ đường Trường Sa xuôi về phía đông, băng qua cầu Cổ Lũy rồi theo đường Hoàng Sa, lên đường Tế Hanh. Cầu Trà Khúc 2, cầu Trà Khúc 1, rồi cầu Thạch Bích, cầu Trường Xuân cứ thế hiện ra.

Cây cầu cũ và thành phố ven sông

Ông Phạm Ba (84 tuổi), ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) cười bảo, năm 1965, khi cầu Trà Khúc cũ (tức cầu Trà Khúc 1) xây dựng xong, người dân thị xã trầm trồ công trình “hoành tráng" quá, bởi trước đó qua lại sông Trà là cây cầu phao, hoặc là thuyền chèo. Có năm nước lũ dâng cao, sợ nước cuốn trôi cầu phao ra biển nên phải tháo cầu ra kéo từng đoạn neo trong bờ, chờ nước rút xuống thì chuyển ra lắp trở lại.

Cầu Trà Khúc 1 xưa nằm trên tuyến Quốc lộ 1A. Ảnh: Cẩm Thư
Cầu Trà Khúc 1 xưa nằm trên tuyến Quốc lộ 1A. Ảnh: Cẩm Thư

Hồi đó, chưa có đập dâng Thạch Nham nên nước sông Trà mùa xuân trong xanh nhẹ nhàng trôi về hạ lưu. Các loài cá gáy, cá đối, cá bống sinh sôi khá nhiều. Khu vực gần cầu, người dân đặt bờ xe nước quay đều. Đó là biểu tượng “dẫn thủy nhập điền” độc đáo của người xứ Quảng, nên khách phương xa qua cầu cứ ngẩn ngơ nhìn. Và cũng từ khung cảnh đôi bờ, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Trinh có được tác phẩm Bờ xe nước sông Trà nổi tiếng.

Điều thú vị là cây cầu Trà Khúc cũ nối với đường Quang Trung nằm giữa lòng thị xã, nên cánh săn ảnh về thị xã thường lên khu vực mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên núi Thiên Ấn. Từ nơi này hướng máy chếch về phía tây là có ngay một bức ảnh toàn cảnh về thị xã với cây cầu, dòng sông và phố xá. Điều này đã in sâu đối với thế hệ cầm bút, cầm máy thời hậu chiến mà đến giờ chẳng mấy ai quên!  

Cũng trong những năm 1960 của thế kỷ trước, TX.Quảng Ngãi nhỏ và con đường cũng nhỏ. Quanh quẩn cũng chỉ đường Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Phan Châu Trinh, Lê Trung Đình, Hùng Vương với hai làn đường. Một số con đường trong thị xã nằm trong tuyến xe ngựa từ dưới Phú Thọ, xã Nghĩa Phú lên, nên sáng sớm đã nghe tiếng vó ngựa phi, tiếng rao của những cô hàng quảy gánh bán don trên phố. Còn nhà cửa thì đa phần tường xây bằng vôi Long Thọ, trộn cát và mật mía.

Những đêm hè oi bức, người thị xã ra cầu hóng mát rồi mua bắp nướng, trứng vịt lộn ngồi ăn. Trái bắp trồng nơi đồng bãi phù sa sông Trà  nướng trên lửa than hồng vừa chín tới được xối với nước muối ớt, ăn vừa thơm, vừa mềm. Ở thị xã hồi đó bờ kè sông Trà chưa xây dựng, nên mùa mưa, nước lũ tràn vào thị xã, gây ngập nặng, nhất là khu vực ngã tư chính. Chuyện “Phố bỗng là dòng sông uốn quanh...” là cái sự hết sức bình thường. 

Dấu ấn từ những cây cầu

Để mở rộng thành phố, tránh những chuyến xe trên hành trình ra Bắc vào Nam băng qua con đường Quang Trung chật hẹp, Nhà nước đầu tư xây dựng đường tránh Đông, xây dựng cầu Trà Khúc 2.

Cầu Trà Khúc 2 nối đường tránh Đông qua TP.Quảng Ngãi.
Cầu Trà Khúc 2 nối đường tránh Đông qua TP.Quảng Ngãi.

Cầu Trà Khúc 2 dài 1.200m với 17 nhịp, có 4 làn xe, gấp đôi cây cầu cũ, không chỉ đáp ứng giao thông đường bộ tuyến Bắc- Nam mà còn tạo điều kiện để mở rộng thành phố, để thành phố xuôi về phía biển. Sống lâu thành quen, khi những chuyến xe đường dài không còn băng qua cầu Trà Khúc 1, nhiều người dân nhà ở bên cầu lại nhớ tiếng xe chạy ồn ào trong đêm khuya. Tuy vậy, cây cầu cũ vẫn tiếp tục sứ mệnh của nó với sáng, trưa, chiều tấp nập người và phương tiện qua lại. 

Để khắc phục tình trạng mùa mưa thành phố chìm trong nước lũ, Quảng Ngãi đầu tư kinh phí xây dựng đê bao sông Trà. Rồi TP.Quảng Ngãi được mở rộng, không chỉ 10 xã, phường mà sáp nhập một số xã của huyện Sơn Tịnh và huyện Tư Nghĩa. Dòng sông Trà Khúc giờ nằm giữa lòng thành phố như dòng Hương Giang lững lờ trôi giữa thành phố Huế mộng mơ. Thành phố Quảng Ngãi được mở rộng, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng hai con đường nghìn tỷ là Hoàng Sa và Trường Sa xuôi về phía biển. Đường đã xây, nên cần có  thêm những  cây cầu mới bắc qua sông.

Cầu Cổ Lũy - cầu treo dây văng dài nhất Quảng Ngãi. Ảnh: Cẩm Thư
Cầu Cổ Lũy - cầu treo dây văng dài nhất Quảng Ngãi. Ảnh: Cẩm Thư

Cầu Thạch Bích được đầu tư xây dựng với chiều dài 875m, chia lưu lượng người vào, ra từ nội thành, giảm thiểu lượng người xe cho cầu Trà Khúc cũ, cầu Trà Khúc mới. Đặc biệt, cầu Cổ Lũy đưa vào sử dụng trong tháng 10/2020, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, mà còn làm đẹp cho cảnh quan đôi bờ sông Trà, tạo điều kiện cho du lịch vùng hạ lưu phát triển. Cầu Cổ Lũy hiện là cây cầu dài nhất Quảng Ngãi với chiều dài 1.876m, sử dụng công nghệ dây văng và trên cầu có những khu vực dành cho khách dừng chân ngắm cảnh. Đứng ở trên cầu nhìn về phía đông thấy cửa Cổ Lũy, nơi nước sông Trà hòa vào biển cả. Thường ngày có những con tàu cưỡi sóng ra khơi. Còn nhìn về phía tây, sông Trà thoáng rộng. Nhưng đẹp nhất là đứng trên núi Thiên Mã nhìn về cầu Cổ Lũy. Mùa xuân sông Trà Khúc nước trong xanh, những chiếc dây văng màu cam trên cầu Cổ Lũy nổi bật trên nền trời. Phía dưới chân cầu có những con thuyền của người dân làm nghề cào don, nhũi hến. Xa hơn là những xóm nhà mờ hơi sương...

Lâu rồi, người dân lấy núi Ấn- sông Trà làm biểu tượng cho vùng đất Quảng Ngãi. Bây giờ giữa lòng thành phố lại có những cây cầu tô điểm cho thành phố bên sông, để thành phố xinh đẹp hơn, duyên dáng hơn chẳng khác nào cầu Tràng Tiền, Phú Xuân, Bạch Hổ nối đôi bờ sông Hương giữa lòng TP.Huế.

Nối nhịp bờ vui

Cứ mỗi lần đi về phía biển, tôi thường ghé quán don Gáo Dừa, ở xã Nghĩa Phú để thưởng thức đặc sản của dòng sông Trà. Bà Phạm Thị Kim Liên - chủ quán don Gáo Dừa bảo, từ ngày đường Trường Sa, rồi cầu Cổ Lũy được xây dựng, khách từ các nơi về tham quan vùng phía đông thành phố  ghé quán cũng nhiều. Rồi cũng nhờ có cây cầu nên người ở các xã Tịnh Long, Tịnh Kỳ cũng ghé vào quán, chứ xưa kia đò giang cách trở mấy ai qua. 

Cầu Thạch Bích.             Ảnh: Cẩm Thư
Cầu Thạch Bích.             Ảnh: Cẩm Thư

 Đâu chỉ có quán bà Liên mà ở khu vực phía nam cầu Cổ Lũy, giờ cũng đã hình thành nhiều hàng quán. Ông Phạm Ngoan, nhà ở bên đường Hoàng Sa, dưới chân núi Thiên Mã, xã Tịnh Long cười nói, có con đường và cây cầu Cổ Lũy nên người dân ở đôi bờ sông có điều kiện để giao lưu và phát triển kinh tế.

Bạn bè tôi thi thoảng vẫn hẹn nhau ghé những hàng quán phía dưới khách sạn Mỹ Trà để thưởng thức món gà nấu ớt xiêm cay xè, để hưởng những làn gió mát thổi lên từ dòng sông. Nơi đây là xóm Ghe chuyên nghề đãi sạn, xúc cát sông để bán, đáp ứng xây dựng những ngôi nhà, những công trình trong thị xã. Bây giờ là thành phố nên nhiều người chuyển sang làm dịch vụ, cuộc sống khá hơn nhiều.

Thành phố mở rộng và xuôi về biển cũng tạo nên một quỹ đất khá lớn để thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ và hình thành những khu dân cư mới. Cũng từ nhu cầu thực tế, tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng cầu Trà Khúc 3  nối  huyện Sơn Tịnh và huyện Tư Nghĩa. Đồng thời tổ chức thi phương án thiết kế để xây mới cầu Trà Khúc 1 vừa đáp ứng giao thông, vừa đảm bảo tính mỹ quan, hiện đại. Nếu tính cả cây cầu trên đường cao tốc thì trong tương lai Quảng Ngãi có đến 7 cây cầu bắc qua sông Trà. 

Nhẩm tính mới đó mà đã 48 năm sau ngày đất nước thống nhất, TP.Quảng Ngãi đã đổi thay quá nhiều. Những cây cầu giữa lòng thành phố đang thực hiện sứ mệnh của mình, góp phần cho sự phát triển của quê hương.

CẨM THƯ


 


Ý kiến bạn đọc


.