[Emagazine].Làng lõm sóng

08:07, 14/04/2023
.
 
 
 
 
 
Không có sóng điện thoại di động để gọi điện xe cứu thương, nên nhiều năm qua, người dân ở thôn Làng Mâm, xã Ba Bích (Ba Tơ) phải khiêng người bệnh đi cấp cứu bằng võng. Lần gần đây nhất là vào cuối năm 2022, khi ông Phạm Văn Ca Ron không may bị tai nạn lao động khi đang thu hoạch keo trên núi. Không gọi được xe cứu thương, cũng không chở được bằng xe máy vì tình trạng vết thương của ông Ron quá nặng, cả làng đành khiêng ông bằng võng, vượt chặng đường hơn 6km, từ làng xuống cầu Nước Na - cửa ngõ vào làng. “Hơn một tiếng đồng hồ khiêng võng, chúng tôi mới đưa được ông Ron đến cầu Nước Na - nơi có sóng điện thoại để gọi xe cấp cứu. Đường gập ghềnh, bệnh nhân phải nằm trên võng rất là đau đớn. Nhưng vì không gọi được xe cấp cứu, nên chúng tôi không còn cách nào khác”, Trưởng thôn Làng Mâm Phạm Văn Đền kể lại.
Ở nơi không sóng điện thoại, chuyện sinh đẻ của nhiều thai phụ cũng trở nên nhọc nhằn. Vừa ôm đứa con 4 tuổi vào lòng, chị Phạm Thị Thạch (22 tuổi), ở thôn Làng Mâm vừa bồi hồi kể: “Ở thôn chúng tôi, chị em phụ nữ gần đến ngày sinh phải lo khăn gói ra bệnh viện ở chờ cho tới lúc sinh, chứ ít khi dám để đến lúc chuyển dạ mới đi. Bởi đường sá đi lại khó khăn, điện thoại thì không bắt được sóng, lỡ có chuyện gì thì biết làm sao. Hồi tôi mang thai, còn cách ngày dự sinh cả tháng thì chuyển dạ. Cả làng phải khiêng tôi trên võng, đưa ra tới cầu Nước Na rồi điện thoại gọi xe cấp cứu. May mà hai mẹ con tôi không bị làm sao, mẹ tròn con vuông tại bệnh viện”.
 
Nằm cách trung tâm xã Ba Bích chừng 6km, thôn Làng Mâm nằm lọt thỏm giữa núi rừng trùng điệp. Cách đây chừng 10 năm, sau nhiều năm chờ đợi, điện lưới quốc gia mới được kéo về nơi này. Còn sóng điện thoại di động phục vụ thông tin liên lạc vẫn luôn là niềm ao ước của người dân nơi đây.
 
 
Cách trung tâm xã Trà Hiệp (Trà Bồng) chừng 7km và có đường bê tông dẫn về tận ngõ, nhưng những năm qua, hơn 140 hộ dân ở thôn Cả phải sống trong cảnh không có sóng di động. Thực trạng đó không chỉ ảnh hưởng đến việc thông tin liên lạc của người dân, mà việc học của con em nơi đây cũng thiệt thòi hơn so với những nơi khác.
Có điện, đường bê tông về tận thôn, nhưng người dân thôn Cả, xã Trà Hiệp (Trà Bồng) vẫn chưa có sóng di động. Ảnh: Ý THU
Có điện, đường bê tông về tận thôn, nhưng người dân thôn Cả, xã Trà Hiệp (Trà Bồng) vẫn chưa có sóng di động. Ảnh: Ý THU

 

Tại điểm trường mẫu giáo thôn Cả, xã Trà Hiệp, cô giáo Hồ Thị Cam vừa cho học trò xem tranh ảnh về thế giới động vật, vừa phân trần, nếu có sóng di động, tôi có thể đăng ký mạng và kết nối các video về thế giới động vật lên tivi để các con xem cho sinh động, hấp dẫn như các bạn ở điểm trường khác. Đằng này, các con chỉ có thể hình dung qua tranh, ảnh...
Dạy học ở vùng lõm sóng, mỗi khi chuẩn bị bước vào đầu năm học mới, cô giáo Hồ Thị Cam phải nhờ trưởng thôn dẫn đến nhà từng phụ huynh. Lớp có 38 học sinh, thì cô Cam thuộc làu cả 38 địa chỉ nhà, từ những ngôi nhà gần đường giao thông, đến những ngôi nhà nằm ở lưng chừng núi. “Chúng tôi không thể liên lạc được bằng điện thoại với phụ huynh, nên bắt buộc phải biết địa chỉ nhà. Bởi, khi các con ốm đau bất ngờ, giáo viên chúng tôi sẽ là người đưa các con đến trạm y tế xã trước. Rồi sau đó, mới đến tận nhà phụ huynh để thông báo sau”, cô Cam chia sẻ.
 
Ở những ngôi làng lõm sóng, vào nhiều thời điểm của năm 2020, 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, học sinh phải ở nhà và học trực tuyến, hầu hết con em nơi đây đều phải lặn lội sang thôn khác để học. “Bữa nào không đi rẫy thì tôi chở con sang thôn Băng, cạnh thôn Cả để học trực tuyến. Còn lúc tôi đi rẫy, thì để cho con tự đi học. Nhưng lúc thì con tự giác, lúc lại không. Thành ra, việc học trực tuyến rất khó khăn và ít hiệu quả. Đó là chưa kể nhiều bữa cháu đi học, bị đau ốm, té ngã bất ngờ dưới trường, tôi cũng biết thông tin muộn lắm, do thầy cô không thể liên lạc được với gia đình”, chị Hồ Thị Nhi (31 tuổi), ở thôn Cả cho hay.
 
Thôn Làng Mâm, xã Ba Bích (Ba Tơ) có 111 hộ dân, trong đó khoảng 80 hộ dân có người thường xuyên đi làm ăn xa ở các tỉnh như Bình Định, Lâm Đồng, Gia Lai... Quanh năm tha phương, nhiều người gặp nhiều khó khăn khi muốn liên lạc với gia đình, vì người nhà đang sống ở vùng lõm sóng.
“Từ tháng 10 đến tháng 12, tôi lên Tây Nguyên hái cà phê, còn những tháng còn lại, tôi đi khắp các huyện trong tỉnh, hoặc sang Bình Định để làm thuê ở những rẫy keo. Trước mỗi chuyến đi, tôi và người nhà phải hẹn nhau rằng, sẽ điện thoại cho nhau vào ngày nào, giờ nào, để người nhà biết chừng chạy tới vùng có sóng điện thoại. Nhiều lúc đi làm ăn xa, nhớ vợ, nhớ con, rồi có lúc ốm đau đột xuất phải nằm viện nhưng tôi không thể thông báo cho người nhà. Có lúc muốn gửi đồ về cho vợ con cũng không gửi được, vì nhân viên chuyển phát không liên lạc được với người nhà. Sống giữa thời đại công nghệ thông tin phát triển, mọi người dùng điện thoại di động kết nối Internet để xem tin tức, mua được đủ thứ qua mạng, mà chúng tôi vẫn còn phải sống trong cảnh lạc hậu, khi điện thoại luôn không liên lạc được như thế này”, anh Phạm Văn Mau, ở thôn Làng Mâm, xã Ba Bích ngao ngán nói.
 
Xóa các vùng lõm sóng thông tin di động là chủ trương lớn của ngành TT&TT. Hoạt động này được khởi xướng từ tháng 9/2021 nhằm mục tiêu hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số. Ngành TT&TT và ngành công thương, cùng các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ phủ sóng viễn thông đến tất cả các vùng lõm sóng để ở đâu cũng có điện, ở đâu cũng có viễn thông, không để ai bị bỏ lại phía sau.
 
Ông Phạm Văn Hoạt, ở thôn Làng Mâm, xã Ba Bích (Ba Tơ) đưa cháu gái đến nơi có sóng điện thoại để cháu liên lạc với cha mẹ đang đi làm ở xa.            Ảnh: Ý THU
Ông Phạm Văn Hoạt, ở thôn Làng Mâm, xã Ba Bích (Ba Tơ) đưa cháu gái đến nơi có sóng điện thoại để cháu liên lạc với cha mẹ đang đi làm ở xa.            Ảnh: Ý THU
Tại Quảng Ngãi, theo thống kê của Sở TT&TT, trước đây, toàn tỉnh có 11 thôn lõm sóng, gồm: Đăk Pao, xã Sơn Màu (Sơn Tây); Cà Xen, xã Long Môn; Long Thượng, xã Long Mai; Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long); thôn Cả, xã Trà Hiệp; thôn Sơn, xã Sơn Trà (Trà Bồng); Giá Gối, xã Sơn Thủy (Sơn Hà); Làng Mâm, xã Ba Bích; Nước Giáp, xã Ba Khâm; Cây Muối, Kon Dóc, xã Ba Trang (Ba Tơ). Đến nay, tỉnh mới xóa được 2 vùng lõm sóng là thôn Kon Dóc, xã Ba Trang và thôn Sơn, xã Sơn Trà.
Các thôn còn lại như thôn Cả, xã Trà Hiệp; Long Thượng, xã Long Mai... dù địa hình khá thuận tiện, đường giao thông đã được bê tông đến từng xóm, nhưng các nhà mạng vẫn chưa   phủ sóng di động được.
Nội dung: Ý THU
Trình bày: L.H
 
Xuất bản lúc: 08:07, 14/04/2023