Cải tạo môi trường ao nuôi tôm

09:35, 04/04/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn (Trung tâm) vừa hỗ trợ người dân cải tạo môi trường nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học kết hợp với cám gạo, mật đường và muối. Đây là cách để tăng cường ứng dụng vi sinh có lợi vào nuôi tôm thâm canh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tôm.

Nghiệm thu mô hình nuôi tôm theo hướng bổ sung vi sinh có lợi cho ao nuôi tại xã Bình Chánh (Bình Sơn). 
Ảnh: TÌNH NGUYỄN
Nghiệm thu mô hình nuôi tôm theo hướng bổ sung vi sinh có lợi cho ao nuôi tại xã Bình Chánh (Bình Sơn). Ảnh: TÌNH NGUYỄN

Từ tháng 12/2023 - 2/2024, anh Trần Văn Tuân, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) được Trung tâm hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hạn chế dịch bệnh trên cơ sở quản lý chặt nguồn thức ăn, môi trường nuôi và ứng dụng vi sinh có lợi. Trong đó, yếu tố then chốt là ứng dụng vi sinh có lợi cho ao nuôi.

Theo Trung tâm, các vi sinh vật có lợi được đưa vào ao nuôi có chức năng cạnh tranh môi trường sống với vi khuẩn gây bệnh, giúp phân hủy chất thải hữu cơ, thức ăn dư thừa, khí độc trong ao nuôi... Từ đó làm cho các chỉ tiêu môi trường ao nuôi ổn định hơn, đặc biệt là điều tiết màu nước theo hướng có lợi, tạo thuận lợi cho sự phát triển của tôm. 

Để tạo ra vi sinh có lợi cho ao nuôi, trung tâm hướng dẫn anh Tuân trộn cám gạo, mật đường, muối, nước với chế phẩm sinh học EM. Các nguyên liệu này được cho vào thùng khuấy đều, đậy nắp ủ yếm khí từ 5 - 7 ngày là có thể mang ra sử dụng.

“Cứ 1lít chế phẩm sinh học EM, chúng tôi trộn với 1kg mật đường, 2kg cám gạo, 10g muối và 46 lít nước ngọt sạch khuẩn. Lượng vi sinh này, đủ cho diện tích ao nuôi khoảng 300m2. Nếu diện tích ao nuôi lớn, thì mình tự điều chỉnh liều lượng. Nhằm quản lý tốt môi trường ao nuôi, trung tâm hướng dẫn, hỗ trợ tôi bổ sung vi sinh trong suốt quá trình nuôi. Ở tháng đầu tiên, tôi bổ sung vi sinh theo chu kỳ 5 ngày/lần. Ở tháng thứ 2, tần suất bổ sung vi sinh tăng lên, cứ 3 ngày, bổ sung 1 lần. Riêng tháng cuối, giai đoạn tôm đã lớn và chuẩn bị thu hoạch, tôi bổ sung vi sinh 2 ngày/lần. Cách bổ sung vi sinh này dễ áp dụng và đạt hiệu quả cao khi môi trường ao nuôi được cải tạo theo hướng có lợi nên tôm ít dịch bệnh”, anh Tuân chia sẻ.

Anh Tuân là một trong 10 hộ nuôi tôm ở vùng nuôi tôm xã Bình Chánh được Trung tâm hỗ trợ mô hình. Đây là vùng nuôi với chất lượng nguồn nước có nhiều chỉ tiêu môi trường không nằm trong ngưỡng thích hợp, như: Độ mặn, độ kiềm, mật độ vi khuẩn gây hại vibrio... Cùng với đó, thời gian qua, người nuôi tôm tại đây còn gặp nhiều khó khăn khi tôm bị "lờn thuốc" trong điều trị các bệnh thông thường.

Trước thực tế trên, trung tâm đã hướng dẫn, hỗ trợ hộ nuôi tôm bằng cách bổ sung vi sinh có lợi nhằm quản lý ao nuôi theo hướng an toàn sinh học. Việc làm này được các hộ nuôi tôm đồng tình hưởng ứng và tuân thủ chặt chẽ các giải pháp kỹ thuật. Nhờ đó, với chu kỳ nuôi gần 3 tháng, con tôm phát triển tốt, không phát sinh dịch bệnh, thu hoạch đạt sản lượng cao, giúp hầu hết các hộ nuôi tôm tham gia mô hình có thu nhập ổn định.

Thấy được hiệu quả của mô hình, nhiều hộ nuôi tôm ở xã Bình Chánh đang tiếp tục áp dụng phương pháp bổ sung vi sinh có lợi cho ao nuôi trong vụ tôm mới. Về lâu dài, cách làm này nếu được người dân duy trì ổn định sẽ giúp cải thiện môi trường vùng nuôi theo hướng tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất, kháng sinh quá mức như trước đây. Mô hình này cần được nhân rộng ra các vùng nuôi tôm khác trong tỉnh.

Ý THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:35, 04/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.