Phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

09:16, 06/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, ngành chức năng đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa cho đàn gia súc, gia cầm (GS, GC).  

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, các loại bệnh cúm gia cầm (A/H5N1), viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả heo Châu Phi và bệnh lở mồm long móng làm cho 3.200 con GC và 624 con GS mắc bệnh, bị chết và tiêu hủy. Đến thời điểm này, các ổ dịch bệnh GS, GC đã qua 21 ngày, nhưng nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn GS, GC rất cao.

Để phòng, chống dịch bệnh GS, GC, cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân chủ động triển khai thực hiện các biện pháp, trong đó chú trọng tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Ông Võ Văn Sửu, ở xã Long Sơn (Minh Long) chủ động dự trữ thức ăn cho đàn bò trong mùa mưa. 
Ông Võ Văn Sửu, ở xã Long Sơn (Minh Long) chủ động dự trữ thức ăn cho đàn bò trong mùa mưa. 

Trang trại của ông Đỗ Quý Nam, ở xã Đức Tân (Mộ Đức) hiện có gần 3.000 con gà, trong đó gà đẻ trứng hơn 1.000 con. Để đàn gà phát triển tốt, đảm bảo an toàn với dịch bệnh, ông Nam chủ động tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh. Đối với vắc xin phòng bệnh cúm A/H5N1,  ông đăng ký và được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mộ Đức cấp để tiêm định kỳ cho gà. "Mùa mưa, dịch bệnh diễn biến khó lường nên tôi chú trọng gìn giữ vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn xung quanh khu vực nuôi và hạn chế người ra vào chuồng trại...", ông Nam cho  biết thêm. 

Còn ông Võ Văn Sửu, ở xã Long Sơn (Minh Long) chia sẻ, vào mùa mưa, trâu bò thường mắc bệnh tụ huyết trùng và lở mồm long móng, vậy nên ngoài việc tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn trâu, tôi luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Đồng thời, hạn chế thả rông trâu, bò; chủ động dự trữ rơm rạ, sửa chữa chuồng trại để tránh mưa tạt, gió lùa.

Chính quyền một số địa phương đã thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh GS, GC tại các điểm có nguy cơ cao. Tổ chức rà soát số đàn mới phát sinh để hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin đầy đủ liều theo quy định. Kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộ Đức Nguyễn Ngọc Tưởng cho biết, phòng đã yêu cầu Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn phổ biến thông tin, tổng hợp số lượng vật nuôi trong diện tiêm phòng; xây dựng phương án trình UBND huyện phê duyệt kế hoạch mua vắc xin, hóa chất để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh GS, GC trên địa bàn huyện. Tổ chức rà soát, kiểm tra giấy chứng nhận tiêm vắc xin phòng bệnh cúm GC đối với các hộ chăn nuôi vịt chạy đồng; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp hộ chăn nuôi vịt chạy đồng không tiêm vắc xin phòng bệnh cúm GC.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT), cùng với tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh GS, GC, chi cục tập trung giám sát một số dịch bệnh nguy hiểm tại các chợ, điểm giết mổ, khu vực có nguy cơ cao và thường xuyên xuất hiện dịch bệnh. Qua đó, kịp thời cảnh báo, phát hiện sớm dịch bệnh, triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn GS, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiêm vắc xin cho đàn GC, nâng tỷ lệ tiêm phòng đàn GS, GC đạt trên 80% tổng đàn, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ đàn GS, GC trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: MỸ HOA


TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 09:16, 06/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.