(Báo Quảng Ngãi)- Hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết của TP.Quảng Ngãi là nhằm giúp người dân thoát nghèo bền vững. Bởi khi nông dân cùng hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thì giá trị sản phẩm sẽ được nâng cao, đảm bảo đầu ra ổn định.
Ông Đặng Văn Minh, thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) đầu tư nhà lưới trồng rau sạch. |
Liên kết tạo nên thương hiệu rau sạch
Trên vườn rau sạch trồng đủ các loại rau như bí đao, dưa leo, mồng tơi, cải... rộng hơn 1.000m2, ông Đặng Văn Minh, ở thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) phấn khởi nói, từ khi nông dân chúng tôi liên kết với nhau để trồng rau sạch và xây dựng được thương hiệu rau sạch Nghĩa Hà, rau của chúng tôi vào được siêu thị, bếp ăn của các trường mầm non. Sản xuất rau sạch, rau của chúng tôi không còn bị ép giá mà có giá rất cao so với rau ngoài thị trường. Có thời điểm, rau cải trồng đại trà cung ứng trên thị trường được thương lái thu mua với giá 1.000 đồng/kg, thì rau cải sạch của chúng tôi cung ứng cho siêu thị với giá 8 - 12 nghìn đồng/kg.
Nhận thấy sản xuất rau an toàn là xu hướng tất yếu, giúp tạo ra sinh kế bền vững cho người dân, năm 2018, UBND xã Nghĩa Hà đã đứng ra kết nối, vận động người dân thành lập và tham gia vào Tổ hợp tác rau an toàn.
Song, do e ngại tiếp cận kỹ thuật canh tác mới và chưa thấy được hiệu quả kinh tế mang lại từ sản xuất rau an toàn, tổ hợp tác chỉ có 3 hộ dân tham gia. Đến năm 2019, chỉ 1 năm kể từ ngày tổ hợp tác đi vào hoạt động, thấy các hộ tiên phong trồng rau an toàn có đầu ra và thu nhập ổn định, số thành viên gia nhập tổ hợp tác nâng lên 10 người. Cũng trong khoảng thời gian này, địa phương đã định hướng các thành viên của tổ hợp tác tiến tới thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Nghĩa Hà để thuận lợi hơn trong phát triển, tiêu thụ nông sản.
"Sau khi thành lập HTX, thị trường của chúng tôi rộng mở hơn. Rau của HTX chúng tôi vào được siêu thị, các cửa hàng rau sạch và bếp ăn của các trường học. Bình quân mỗi tháng, chúng tôi bán ra thị trường 2 - 3 tấn rau các loại. Rau an toàn giúp các nhà vườn có nguồn thu nhập ổn định, nên mọi người cũng ngày càng mạnh dạn hơn trong đầu tư kinh phí để hiện đại hóa kỹ thuật trồng rau. Đến nay, các nhà vườn đã đầu tư, xây dựng 14 nhà lưới trồng rau an toàn. Cách làm này giúp nhà vườn hạn chế đến mức thấp nhất các loại sâu, côn trùng hại rau và bảo vệ cây trồng trước những điều kiện bất lợi của thời tiết. Rau an toàn của Nghĩa Hà nhờ đó có bán quanh năm, với đa dạng các loại rau như dưa leo, khổ qua rừng, bầu, bí đao, mướp, cải, mồng tơi, hoa thiên lý, diếp cá...", Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nghĩa Hà Lê Văn Nghĩa cho biết.
Nhân rộng các chuỗi liên kết
Nhận thấy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết mang lại hiệu quả cao, triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, xã Nghĩa Hà tiếp tục xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản theo hướng liên kết. Theo đó, 19 hộ nghèo, cận nghèo tham gia mô hình được đơn vị chủ trì chuỗi liên kết là Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín cung ứng bò giống, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm theo đúng hợp đồng đã ký kết. Trong quá trình chăm sóc, nếu con giống không sinh sản thì người dân được đơn vị chủ trì chuỗi liên kết đổi con giống khác để ổn định sản xuất.
Rau muống của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nghĩa Hà bán tại siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi. |
“Hỗ trợ người dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp là cách để địa phương thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao ý thức trách nhiệm của các hộ dân đối với mô hình được hỗ trợ. Địa phương cũng ràng buộc trách nhiệm đối với doanh nghiệp, nhất là đồng hành cùng người dân trong chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi để mang lại hiệu quả, vừa giúp người dân có thêm nhiều kinh nghiệm trong sản xuất”, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà Nguyễn Thị Loan cho biết.
Theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Quảng Ngãi Phạm Phới, trong thực hiện Tiểu dự án 1 của dự án 3, về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, từ năm 2022 đến nay, thành phố đã bố trí khoảng 1,5 tỷ đồng cho xã vùng ven. Qua đó, hầu hết các địa phương đều thực hiện hỗ trợ theo hướng liên kết giữa các hộ dân với nhau và liên kết với doanh nghiệp (chủ yếu hỗ trợ liên kết chăn nuôi bò sinh sản - PV). Đây là hướng đi hiệu quả, vừa giúp người dân thoát nghèo bền vững, vừa xóa bỏ tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tiến tới sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Bài, ảnh: Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: