(Báo Quảng Ngãi)- Kết quả rà soát theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2022-2025, nhiều xã NTM trên địa bàn tỉnh có nguy cơ rớt chuẩn.
Sau 4 năm về đích NTM, xã Bình Khương (Bình Sơn) gặp khó khăn trong việc giữ chuẩn các tiêu chí, nhất là nhóm tiêu chí hạ tầng. Hiện nay, một số tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã bị hư hỏng, xuống cấp; phần lớn đường nội đồng chưa được bê tông và nhiều tuyến kênh mương thủy lợi chưa được kiên cố hóa. Chủ tịch UBND xã Bình Khương Võ Hồng Thắng cho biết, để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, xã huy động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí để mở rộng đường giao thông thôn xóm, đường nội đồng và xây dựng hệ thống tiêu thoát nước trong khu dân cư. Tuy nhiên, nguồn ngân sách eo hẹp, hoạt động đấu giá đất của địa phương bị "đóng băng" nên hầu hết nhóm tiêu chí hạ tầng chưa được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện. Theo Bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao và quy định xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, xã Bình Khương có nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa đảm bảo, đối diện nguy cơ rớt chuẩn.
Nhiều tuyến kênh mương hư hỏng, chưa được đầu tư kiên cố là một trong những thách thức đối với xã Bình Khương (Bình Sơn) trong quá trình giữ chuẩn nông thôn mới. |
Xã Đức Hiệp (Mộ Đức) cũng chật vật trong việc huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là về đầu tư cơ sở hạ tầng, cấp nước sạch. Lãnh đạo UBND xã Đức Hiệp cho biết, ngân sách cấp trên hỗ trợ giảm, đấu giá quyền sử dụng đất "nhỏ giọt", việc huy động nguồn lực từ nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, đến thời điểm này, rất nhiều công trình xây dựng cơ bản từ nguồn vốn NTM, giai đoạn 2016 - 2020 vẫn chưa được quyết toán, nên chính quyền địa phương chưa triển khai các chương trình hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội.
Các xã NTM ở khu vực miền núi cũng lo lắng rớt chuẩn. Theo quy định của trung ương, việc rà soát, đánh giá chất lượng NTM hiện nay thực hiện theo Bộ tiêu chí mới ở khu vực II (khu vực duyên hải Nam Trung Bộ), thay vì khu vực I (như khu vực miền núi phía bắc). Trong khi nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần giữa 2 khu vực có sự chênh lệch cao, từ 5 - 30%, nên nhiều xã NTM miền núi của tỉnh đối diện nguy cơ rớt chuẩn. Chẳng hạn như tiêu chí thu nhập, khu vực I chỉ cần đạt 39 triệu đồng, trong khi đó khu vực II là 44 triệu đồng. Đối với tiêu chí hộ nghèo đa chiều, khu vực I là 13%, trong khi khu vực II là 5%.
Ngoài ra, Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 yêu cầu khá cao, như: Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi là 24% (giai đoạn 2016 - 2020 là dưới 31,4%); tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử từ 50% trở lên; tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa từ 40% trở lên... Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương cho rằng, các tiêu chí nói trên mới bắt đầu triển khai, việc thực hiện và hoàn thành cần thời gian, nguồn lực chứ không thể đạt ngay. Riêng tiêu chí trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi cần cả lộ trình và chiến lược cải thiện tầm vóc, chứ không phải 1 - 2 năm là có thể hoàn thành.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh nhận định, yêu cầu tiêu chí NTM của giai đoạn mới cao hơn, chuẩn tiêu chí của giai đoạn trước không còn phù hợp với sự phát triển, do đó nhiều xã NTM đối diện nguy cơ rớt chuẩn. Thời gian tới, Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh sẽ đồng hành cùng các địa phương tìm giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Về phía chính quyền các địa phương cần tranh thủ các nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả những nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, đa dạng các loại hình dịch vụ thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Khi thu nhập tăng, người dân sẽ có điều kiện đóng góp, ủng hộ xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương, góp phần giúp chương trình NTM phát triển bền vững và hiệu quả hơn.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: