Còn nhiều khó khăn trong phòng, chống thiên tai

15:39, 29/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn cần khắc phục.

Người dân còn chủ quan

Thực tế cho thấy trong công tác PCTT vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, trong đó vẫn còn sự chủ quan của người dân. Đơn cử trong quá trình ứng phó với bão và mưa lụt, một số người dân băng qua các cầu, ngầm tràn thủy lợi, bất chấp cảnh báo của lực lượng chức năng. Như bờ tràn đập thủy lợi Thạch Nham, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) có chiều dài gần 1.000m, lại không có thành hai bên nên khi có mưa lớn, nước chảy qua rất mạnh. Khi khu vực này bị ngập, lực lượng chức năng dựng ba-ri-e cảnh báo người dân và các phương tiện giao thông không được qua lại. Tuy nhiên, có một số trường hợp bất chấp nguy hiểm băng qua bờ tràn dẫn đến tử vong, mất tích do bị nước cuốn trôi. 

Cơ sở hạ tầng khu vực miền núi chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng, chống thiên tai, nhất là tình trạng giao thông bị chia cắt do sạt lở. 
Trong ảnh: Sạt lở đường tại trung tâm xã Trà Phong (Trà Bồng).    
Cơ sở hạ tầng khu vực miền núi chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng, chống thiên tai, nhất là tình trạng giao thông bị chia cắt do sạt lở.  Trong ảnh: Sạt lở đường tại trung tâm xã Trà Phong (Trà Bồng).    

Còn đối với ngư dân, mùa mưa năm nào cũng xảy ra tình trạng tàu thuyền bị hư hỏng, cuốn trôi ra biển hoặc bị chìm do va đập, đứt dây neo ngay trong khu vực neo đậu. Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn cho biết, nguyên nhân là do các cảng neo đậu tàu thuyền quá tải và do ngư dân chủ quan, không neo tàu đúng vị trí hoặc buộc dây neo không cẩn thận. Có tình trạng ngư dân neo tàu ở bến tự phát, hoặc phía ngoài khu vực bến, cầu cảng ở cảng Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa. Điều này vừa khiến ngư dân dễ bị thiệt hại do tàu va đập vào nhau gây hư hỏng, hoặc đứt dây neo trôi ra biển; vừa gây mất an toàn cho các phương tiện khác.

Cùng với đó, nhiều người dân vùng lũ, các hộ nuôi trồng thủy sản chưa thực hiện tốt khuyến cáo của ngành chức năng, dẫn đến chần chừ, thậm chí không sơ tán, di dời, thu dọn lồng bè trước khi xảy ra mưa to bão lớn. Thậm chí có nhiều trường hợp người dân vội vã trở về nhà khi nhận thấy nước lụt rút, dù chưa được phép của lực lượng chức năng; hay ngư dân lén lút chèo thuyền thúng khai thác hải sản khi có bão. Điều này không chỉ nguy hiểm đến tính mạng của bản thân, mà còn làm khó các lực lượng ứng phó và tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ. 

Nhiều bất cập

Chính quyền một số địa phương chưa chú trọng đến việc xây dựng kế hoạch PCTT, dẫn đến phương án và kịch bản ứng phó không sát với thực tế cũng như từng tình huống thiên tai. Bên cạnh đó, có tình trạng chính quyền cơ sở chưa nắm chắc tình trạng hồ chứa, hay nguy cơ nứt núi, sạt lở ven sông, suối, dẫn đến bị động và lúng túng, nhất là trong việc lựa chọn địa điểm và số lượng hộ dân cần di dời khi xảy ra sự cố rủi ro thiên tai. Ngoài ra, nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ PCTT và khắc phục hậu quả chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30% nhu cầu thực tế của các địa phương. Trang thiết bị phục vụ PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) còn hạn chế…

Chủ tịch UBND xã Long Môn (Minh Long) Đinh Trung Hiếu cho biết, nhà cửa, cơ sở hạ tầng khu vực miền núi chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác PCTT. Người dân ít có kinh nghiệm ứng phó với mưa bão. Thông tin liên lạc gián đoạn, lực lượng ứng phó tại chỗ vừa mỏng vừa thiếu trang thiết bị hỗ trợ; trong khi giao thông ở khu vực miền núi thường xuyên bị chia cắt. Các lực lượng tuyến trên vì thế khó tiếp cận hiện trường, dẫn đến công tác cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh nhấn mạnh, công tác PCTT, TKCN là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT, chính quyền và ngành chuyên môn cần chủ động đánh giá trước rủi ro thiên tai để lồng ghép nội dung PCTT vào kế hoạch, quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng của vùng, địa phương. Tăng cường dự báo, cảnh báo cũng như chuyển tải thông tin đến cộng đồng và người dân đảm bảo chính xác, kịp thời. Qua đó, giúp người dân nắm bắt đầy đủ diễn biến bão lũ để chủ động ứng phó, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác neo đậu tàu thuyền, giao thông qua lại tại các cầu tràn, cây xanh đổ ngã nhiều... nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.