Phương án phòng, chống thiên tai: Cần vận hành nhuần nhuyễn

08:37, 23/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chủ đề của Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai năm 2023 (từ ngày 15 - 22/5) là “Từ ứng phó đến hành động sớm”. Qua các hoạt động được triển khai sẽ góp phần  tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) gắn với chủ động triển khai các phương án ứng phó với thiên tai năm 2023.

Năm 2022, trên địa bàn tỉnh, thiên tai đã làm 1 người chết; 26 nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 1.205 nhà, 38 điểm trường, 4 cơ sở y tế bị tốc mái, hư hỏng; gần 8.700ha lúa, gần 3.200ha hoa màu, 158ha hành, 47ha cây trồng lâu năm, gần 1.100ha cây trồng hằng năm và gần 1.200ha rừng (keo)... bị ngã đổ; nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi bị hư hỏng; gia tăng mức độ sạt lở bờ biển, bờ sông, bờ suối, ảnh hưởng đến an toàn các khu dân cư và công trình cơ sở hạ tầng trong khu vực. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra là hơn 491 tỷ đồng.

Chủ động ứng phó...

Trước những thách thức của thiên tai, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Trong đó có việc thể chế hóa công tác PCTT dựa vào cộng đồng thông qua Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030, theo Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Việc xây dựng kế hoạch PCTT, phương án, kịch bản ứng phó của các địa phương ngày càng đầy đủ, toàn diện tương ứng với các tình huống thiên tai. Qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực và toàn diện về nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ thiên tai của người dân và cộng đồng, doanh nghiệp.

Kè bờ biển thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn).                   Ảnh: T.L
Kè bờ biển thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn).                   Ảnh: T.L
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Trần Phước Hiền nhấn mạnh, cùng với việc đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng các công trình PCTT, chính quyền các địa phương và đơn vị tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý, ngăn chặn triệt để các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, tạo thuận lợi cho việc triển khai các phương án ứng phó với những sự cố rủi ro thiên tai. Tập trung rà soát và theo dõi chặt chẽ diễn biến tại các vị trí xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao, để có phương án xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, công trình của Nhà nước… Chú trọng tuyên truyền, tổ chức thực hành diễn tập các phương án PCTT đến cộng đồng và người dân, công tác phối hợp hiệp đồng của các lực lượng nhằm nâng cao năng lực, cũng như hiệu quả PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tại thủy điện Sông Riềng, xã Trà Phong (Trà Bồng), hiện giờ, đơn vị quản lý và vận hành là Công ty CP HP đã hoàn thiện kế hoạch, phương án PCTT cụ thể, chi tiết đảm bảo phù hợp với quy mô, điều kiện vận hành. Các kịch bản ứng phó tương ứng với từng cấp độ và loại hình thiên tai, nhất là tình huống mưa đặc biệt lớn trong thời gian ngắn, để trình cấp thẩm quyền phê duyệt đúng thời gian quy định. Đồng thời, tổ chức thực hành diễn tập phương án bảo vệ đập, biện pháp xử lý và ứng cứu khẩn cấp cụm công trình đầu mối, đập, hồ chứa cũng như công tác sơ tán dân vùng hạ du công trình  -  những hộ dân ở cạnh cầu Hà Riềng.

Giám đốc Công ty CP HP Nguyễn Minh Thùy cho biết, công ty phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức phổ biến các thông tin, kịch bản của phương án PCTT gắn với tuyên truyền người dân tuyệt đối không bắt cá vùng hạ lưu hồ chứa khi có mưa lớn. Cùng với đó là, chủ động bố trí vật tư, phương tiện và trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn, đảm bảo duy trì nguồn điện trong các tình huống rủi ro thiên tai. Sự chủ động và trách nhiệm này góp phần đảm bảo công trình vận hành an toàn và hiệu quả, bảo vệ tính mạng  và tài sản của nhân dân vùng hạ du.

Một điểm nổi bật nữa trong công tác PCTT trong thời gian qua là công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng cũng như chính quyền địa phương theo hướng quyết liệt, bám sát, chỉ huy trực tiếp tại địa bàn, các khu vực trọng điểm, xung yếu...

Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hồ Trọng Phương cho biết, các lực lượng và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở phối hợp nhịp nhàng, hiệp đồng chặt chẽ theo phương châm “4 tại chỗ”. Lực lượng xung kích PCTT cơ sở phát huy vai trò và hiệu quả trong công tác ứng phó ban đầu. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng triển khai xây dựng phương án PCTT cụ thể cho từng vùng, địa phương và cung cấp thông tin, diễn biến tình hình thiên tai kịp thời đến cộng đồng người dân. Nhất là việc thông tin, hướng dẫn cho toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên biển về diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới để chủ động tránh trú an toàn.

...và hành động sớm

Điểm nhấn công tác PCTT của tỉnh trong thời gian qua là “hành động sớm” với việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình chống sạt lở núi, bờ sông, bờ biển. Qua đó góp phần nâng cao năng lực PCTT, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, đất sản xuất cũng như các công trình công cộng của Nhà nước.

Thi công kè chống sạt lở bờ bắc sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh).
Thi công kè chống sạt lở bờ bắc sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh).

Thời điểm này, công trường dự án Kè chống sạt lở bờ biển xã Bình Hải (Bình Sơn), giai đoạn 2 đang thi công khẩn trương, nhộn nhịp. Hàng trăm phương tiện, máy móc và hàng chục đội nhân công của các nhà thầu tập trung vận chuyển nguyên vật liệu, cấu kiện và tổ chức thi công liên tục cả ngày lẫn đêm. Chỉ huy công trường Đỗ Thái Vũ cho biết, thời tiết thuận lợi nhưng việc thi công dự án phụ thuộc hoàn toàn vào thủy triều. Vì vậy, chủ đầu tư và các nhà thầu bố trí nhân lực, phương tiện tổ chức thi công dự án theo hình thức “3 ca, 4 kíp”, các đội nhân công làm việc xuyên đêm, từ 16 giờ hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau. Đến thời điểm này, các hạng mục trọng yếu và dưới nước đã cơ bản hoàn thành. Thời gian đến, chúng tôi tốc lực thi công, quyết tâm hoàn thành công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Qua đó phát huy mục tiêu và hiệu quả của công trình trong việc chống sạt lở bờ biển, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân thôn Phước Thiện trong mùa mưa bão năm 2023. 

Không chỉ kè chống sạt lở bờ biển xã Bình Hải, các dự án: Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá kết hợp cảng cá Cổ Lũy, thuộc xã Tịnh Khê và Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi); kè chống sạt lở bờ sông Vệ, đoạn qua xã Đức Lợi (Mộ Đức) và kè chống sạt lở bờ bắc sông Trà Khúc, đoạn qua 2 xã Tịnh Hà và Tịnh Sơn (Sơn Tịnh)... cũng đang được các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung nhân lực, vật tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhằm phát huy hiệu quả PCTT trong mùa mưa bão năm nay.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực PCTT chính là mục tiêu mà Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ) hướng đến. Theo đó, năm 2023 sẽ cơ bản hoàn thành bản đồ về hiện trạng sạt lở, công trình phòng chống sạt lở. Đến năm 2025 hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm, xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển. Đến năm 2030, hoàn thành việc chỉnh trị ổn định dòng chảy tại một số phân lưu, hợp lưu, trên các đoạn sông chính, khu vực cửa sông, ven biển có diễn biến xói, bồi phức tạp. Hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. 

Song song với cơ sở hạ tầng, công trình PCTT được hoàn thiện, thì phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN cũng được đầu tư trang bị. Từ năm 2015 đến nay, từ nguồn ngân sách tỉnh và hỗ trợ từ các tổ chức, Chi cục Thủy lợi tỉnh (Sở NN&PTNT) đã đầu tư, lắp đặt và phối hợp với các nhà tài trợ lắp đặt 79 trạm đo mưa tự động và 10 trạm đo mực nước tự động. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo và ứng phó, cũng như thực hiện các nhiệm vụ PCTT, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.  

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.