Phát triển chăn nuôi bền vững

09:03, 11/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN), Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) đã xây dựng các mô hình chăn nuôi bò, heo và gà theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp nâng cao thu nhập cho người dân ở xã Trà Phú (Trà Bồng).

Nhu cầu cấp thiết 

Chăn nuôi đã mang lại thu nhập cho các hộ dân ở xã Trà Phú. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi chưa quan tâm đến an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và đầu ra của sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, người dân chưa tận dụng tốt nguồn thức ăn tại chỗ để phát triển chăn nuôi; chưa có tổ hợp tác để tổ chức sản xuất và chưa có dịch vụ chăn nuôi ở địa phương, chưa có sản phẩm hàng hóa, nên sản phẩm tiếp cận thị trường gặp khó khăn. Trước thực tế đó, Trường Đại học Nông Lâm đã đăng ký thực hiện dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi bền vững cho đoàn viên thanh niên và nông dân xã Trà Phú, huyện Trà Bồng”. Dự án được triển khai từ năm 2019 đến nay.

Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân tham gia dự án.                                            Ảnh: Phương Dung
Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân tham gia dự án.                                            Ảnh: Phương Dung

Để xây dựng các mô hình chăn nuôi bền vững, dự án đã khảo sát hiện trạng chăn nuôi bò, heo, gà ở xã Trà Phú. Qua quá trình khảo sát, dự án đã lựa chọn 5 hộ tham gia mô hình chăn nuôi heo, 5 hộ tham gia mô hình chăn nuôi gà, 10 hộ tham gia mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Trước khi xây dựng mô hình, dự án đã tổ chức đào tạo 10 cán bộ kỹ thuật cơ sở; tập huấn cho 300 lượt đoàn viên, thanh niên và nông dân chăn nuôi bò, heo, gà về kỹ thuật chăn nuôi.  

Phát huy hiệu quả trong nuôi heo, gà 

Nhãn hiệu tập thể HTX Chăn nuôi Trà Phú vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ. Đây là bước đi cần thiết, kịp thời đáp ứng yêu cầu sản xuất trong chăn nuôi, giúp sản phẩm địa phương có thể tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Dũng - Trưởng Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm cho biết, điểm mới của mô hình là heo, gà được nuôi “khép kín” từ sản xuất con giống đến tiêu thụ sản phẩm. Sử dụng nguồn thức ăn tại địa phương và nuôi theo quy trình an toàn sinh học, tạo sản phẩm sạch, an toàn, có chất lượng cao.

Các hộ tham gia mô hình chăn nuôi heo “khép kín” được dự án cung cấp 2 heo nái giống Landrace lai với Móng cái, có khối lượng trung bình 80kg/con; thức ăn cho heo và một số vật tư, thiết bị. Kết quả thực hiện mô hình trong 3 năm, đã có 25 con heo nái đẻ 85 lứa, số heo con sơ sinh còn sống là 960 con, số heo con cai sữa 867 con, số heo thịt đã nuôi và bán 653 con. Dự án đã giúp người dân tham gia mô hình nắm vững và làm chủ các kỹ thuật cơ bản trong chăn nuôi heo. 

Bà Hồ Thị Hận, ở thôn Phú Hòa, xã Trà Phú chia sẻ, tham gia mô hình này tôi được tham gia tập huấn và biết nhiều kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi heo, nhờ đó trong 2 năm qua đàn heo của gia đình tôi không bị bệnh. Mỗi năm tôi xuất bán khoảng 200 con heo, giúp gia đình có thu nhập khá, cải thiện cuộc sống.

Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học được triển khai với tổng số lượng gà sinh sản 800 con, tổng số gà thịt trên 23 nghìn con, số lượng gà bán ra trên 22 nghìn con. Tỷ lệ nuôi sống trung bình 96%, khối lượng xuất bán trung bình 1,75kg/con. Mặc dù trong quá trình triển khai, mô hình gặp khó khăn về giá cả, dịch bệnh, tuy nhiên sản lượng gà thịt sản xuất so với mục tiêu của dự án đạt 52%. Ông Nguyễn Ngọc Anh, ở thôn Phú Long, xã Trà Phú cho biết, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tôi biết cách chăm sóc đàn gà, nhất là phối trộn thức ăn, tiêm phòng đầy đủ. Nhờ vậy, đàn gà ít xảy ra dịch bệnh, phát triển tốt, tăng trọng nhanh. Hiện tại, gia đình tôi bán ra thị trường gà thịt, trứng và gà giống. 

Thành công với mô hình chăn nuôi bò thâm canh

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản theo hướng thâm canh được thực hiện tại 10 hộ. Dự án tiến hành phối tinh giống bò chuyên thịt với bò cái lai Zebu. Có 242 con bò cái mang thai, tổng số bê sinh ra là 232 con; số bê đến cai sữa (sau 4 tháng) 232 con. Khối lượng sơ sinh của bê trung bình đạt 27,9kg. So sánh với trước khi triển khai dự án, người dân chủ yếu sử dụng tinh bò giống Brahman (tỷ lệ trên 80%) thì hiện nay tỷ lệ sử dụng tinh bò Brahman chỉ có khoảng 20%. Giống bò đực được người dân lựa chọn nhiều là bò BBB, vì bò BBB cho con lai có năng suất cao, dễ bán, khối lượng sơ sinh 28 - 29 kg/con. Bò đực lai BBB lúc 6 tháng nếu nuôi tốt có thể bán từ 25 - 27 triệu đồng/con, cao hơn 35 - 50% so với các tổ hợp lai Sind hoặc lai Brahman, đây là nguồn thu nhập không nhỏ đối với người dân miền núi.

Gà nuôi theo hướng an toàn sinh học tăng trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.  
Ảnh: Phương Dung
Gà nuôi theo hướng an toàn sinh học tăng trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.   Ảnh: Phương Dung

Ông Phan Văn Đời, ở thôn Phú An, xã Trà Phú cho biết, thực hiện dự án nuôi bò sinh sản phối giống với bò đực BBB giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập đáng kể. Gia đình tôi bán 1 con bê 6 tháng tuổi được 25 triệu đồng. Nhờ triển khai dự án, tôi học được kỹ thuật bổ sung thức ăn tinh sớm cho bê bú sữa, bổ sung thức ăn tinh chất lượng cao cho bò mẹ trước và sau khi đẻ, kỹ thuật nuôi bò mẹ theo từng giai đoạn...

Dự án còn xây dựng mô hình bổ sung thức ăn tinh cho bò sinh sản trước và sau khi đẻ, nuôi bê bán thâm canh từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi. Chỉ tiêu sinh sản của bò ở các hộ tham gia mô hình khá tốt, đảm bảo mục tiêu của dự án đề ra. Người chăn nuôi bò làm chủ các kỹ thuật chăn nuôi như nuôi bò mẹ theo giai đoạn trong thời kỳ mang thai, cho bê ăn sớm, vệ sinh chuồng trại, chế biến và bảo quản thức ăn thô xơ, thô xanh trong chăn nuôi bò...

Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Phú Nguyễn Thị Mỹ cho biết, việc triển khai các mô hình chăn nuôi mới cho nông dân xã Trà Phú đã làm thay đổi phương thức chăn nuôi trước đây. Người dân biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gà, heo, bò theo hướng hiệu quả, bền vững hơn, tăng thu nhập đáng kể cho hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

PHƯƠNG DUNG



TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.