Tàu cá… “ly hương”

16:00, 31/05/2024
.

(Baoquangngai.vn)- Luồng lạch ra, vào cửa biển Mỹ Á, Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ), Cổ Lũy (TP.Quảng Ngãi),… thường xuyên bị bồi lấp khiến những tàu cá có công suất lớn ở địa phương không thể ra, vào cảng neo đậu được, đành phải “ly hương” neo đậu và bán hải sản ở nơi khác.  

CỬA BIỂN BỒI LẤP, NGƯ DÂN GẶP KHÓ

Cảng cá Mỹ Á là nơi neo đậu và buôn bán của hàng trăm tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, do từ năm 2012 đến nay chưa được nạo vét, nên trong thời gian gần đây luồng lạch cửa biển ra, vào cảng bị bồi lấp nghiêm trọng, khiến cho tàu cá có công suất lớn không thể vào cảng để neo đậu. Những tàu cá muốn ra, vào cảng phải chờ thủy triều lên. 

Ngư dân Võ Xuân Cẩm, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) cho biết, luồng lạch cửa biển ra, vào cảng Mỹ Á bị bồi lấp nặng nên mỗi lần tàu, thuyền vào cảng rất khó khăn, vì nước quá cạn. Phải chờ khi thủy triều lên tàu mới đi vào, đi ra cảng được, mất rất nhiều thời gian.

Cửa biển Mỹ Á bị bồi lấp làm cho tàu thuyền ra, vào gặp khó.
Cửa biển Mỹ Á bị bồi lấp làm cho tàu thuyền ra, vào gặp khó.

Theo bà con ngư dân địa phương, trong thời gian qua, nhiều tàu cá của ngư dân ra, vào cửa bị mắc cạn. Trong đó, có không ít tàu cá bị sóng đánh chìm làm thiệt hại rất lớn đến tài sản của ngư dân địa phương. "Việc ra, vào cửa biển rất khó khăn, ngư dân cần có kinh nghiệm và phải nắm rõ lịch thủy triều để điều khiển phương tiện di chuyển an toàn. Nếu điều khiển tàu thuyền lệch một chút là nguy cơ bị mắc cạn ngay", ngư dân Nguyễn Lợi ở phường Phổ Quang nói. 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trước đây luồng lạch ra, vào cảng Mỹ Á có độ sâu 4m, nhưng hiện nay độ sâu chỉ còn dưới 1,8 m. Tàu cá có công suất lớn hơn 200CV không thể ra vào cảng để neo đậu, thu mua, trao đổi sản phẩm mà phải di chuyển đến các tỉnh Đà Nẵng, Bình Định,… 

Khu neo trú tàu thuyền Mỹ Á khá vắng vẻ vì các tàu công suất lớn trong thời gian qua không về bến.
Khu neo trú tàu thuyền Mỹ Á khá vắng vẻ vì các tàu công suất lớn trong thời gian qua không về bến.

Theo Ban Quản lý cảng cá Mỹ Á, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của việc bồi lấp luồng ra, vào cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á nên số lượng phương tiện vào cảng có chiều hướng giảm dần. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2024 các phương tiện khai thác xa bờ hầu như không vào cảng.

Tàu thuyền “ly hương” nên các dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng trăm lao động tại cảng không có việc làm, phải tìm kiếm việc làm mới để ổn định đời sống. Các nhà máy sản xuất đá lạnh hiện nay hoạt động cầm chừng và có xu hướng ngừng hoạt động. Nhiều đơn vị chế biến thủy hải sản phải đóng cửa do đói nguyên liệu. Một số đơn vị linh động mua nguyên liệu ở nơi khác về sản xuất nhằm ổn định việc làm cho công nhân nhưng phải mất nhiều chi phí vì phí vận chuyển cao.

Tàu không về cảng, nên cảng cá Mỹ Á rơi vào cảnh đìu hiu.
Tàu không về cảng nên cảng cá Mỹ Á rơi vào cảnh đìu hiu.

Bà Huỳnh Thị Hồng, chủ một cơ sở thu mua hải sản ở cảng cá Mỹ Á cho biết, trước đây, một ngày cơ sở thu mua khoảng 40 - 50 tấn hải sản, nhưng hiện nay mỗi ngày bà chỉ thu mua được khoảng 5 tấn hải sản. "Luồng lạch ra, vào cảng cá Mỹ Á bị bồi lấp ảnh hưởng rất nhiều đến ngư dân và thương lái. Nếu không khắc phục được thì chúng tôi phải kiếm nơi khác để hoạt động. Mong các cấp, các ngành quan tâm, khắc phục tình trạng bồi lấp này", bà Hồng nói.

>> Xem Video: Phó Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Trần Ngọc Sang trao đổi về tình trạng bồi lấp cửa biển Mỹ Á.

Phó Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Trần Ngọc Sang cho rằng, việc luồng lạch ra, vào cửa biển cảng cá Mỹ Á bị bồi lấp đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngư dân địa phương, nhất là ngư dân ở phường Phổ Quang.

"Để đảm bảo cho tàu cá của ngư dân ra, vào hoạt động và neo đậu, tránh trú bão an toàn, góp phần phát triển thủy sản và kinh tế biển của địa phương, nhất là dịch vụ hậu cần nghề cá, UBND TX.Đức Phổ đã kiến nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT nghiên cứu, xem xét bố trí kinh phí nạo vét, khắc phục bồi lấp luồng ra, vào Khu neo trú tàu thuyền Mỹ Á và cửa biển Mỹ Á”, Phó Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Trần Ngọc Sang cho biết. 

ĐỂ TÀU CÁ KHÔNG PHẢI “LY HƯƠNG”

Quảng Ngãi hiện có hơn 4.200 tàu cá, trong đó có gần 3.100 tàu có chiều dài trên 15m, với khoảng 37 nghìn lao động trực tiếp sản xuất trên biển. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai đầu tư xây dựng 2 cảng cá (Sa Huỳnh, Tịnh Kỳ) và 3 cảng neo trú tàu thuyền (Tịnh Hòa, Lý Sơn, Mỹ Á). 

Các công trình này đã đem lại những lợi ích thiết thực cho chủ tàu, bà con ngư dân, tạo nơi neo đậu tránh trú bão an toàn cho tàu cá, cung cấp các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, tiêu thụ sản phẩm đánh bắt của bà con ngư dân trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế của các địa phương ven biển.

Tuy nhiên, theo ngư dân, hiện nay, các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá đã đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ra, vào và neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền trên địa bàn tỉnh.

Khu vực cảng cá Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) thường xuyên bị bồi lấp nên việc neo đậu tàu thuyền của ngư dân gặp khó.
Khu vực cảng cá Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) thường xuyên bị bồi lấp nên việc neo đậu tàu thuyền của ngư dân gặp khó.

Mới đây, tại buổi tiếp xúc chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi với ngư dân trên địa bàn tỉnh, nhiều ngư dân đã phản ánh tình trạng bồi lấp tại cửa biển Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), cửa Lở, xã Đức Lợi (Mộ Đức), cửa Cổ Lũy, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi),… Đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành quan tâm bố trí kinh phí nạo vét.

Ngư dân Trương Hoài Phong, xã Nghĩa An (TX.Đức Phổ) cho biết, lâu nay cửa biển Cổ Lũy bị bồi lấp nghiêm trọng nên tàu thuyền ra, vào khai thác hải sản rất khó khăn, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của bà con ngư dân và ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương.

“Xã Nghĩa An hiện có khoảng 300 tàu cá công suất lớn phải “ly lương” làm ăn xa và neo đậu tại cảng cá ở các tỉnh bạn. Để phát triển ngành thủy sản bền vững của địa phương, chúng tôi mong muốn tỉnh sớm bố trí kinh phí nạo vét thông luồng cửa biển Cổ Lũy và sớm triển khai giai đoạn 2 dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Cổ Lũy tạo điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền ra, vào cửa biển khai thác thủy sản”, ông Phong kiến nghị. 

Nhiều tàu thuyền công suất lớn sau khi vươn khơi không về cảng trong tỉnh để xuống cá mà tập trung ở cảng cá các tỉnh lân cận.
Nhiều tàu thuyền công suất lớn sau khi vươn khơi không về cảng trong tỉnh để bán hải sản mà vào cảng cá các tỉnh lân cận.
Ngưu dâ mong muốn nhà nước quan đầu tư, nâng cấp các cảng cá, 3 khu neo đậu tàu cá trong tỉnh để thuận lợi cho việc neo đậu và bán hải sản.
Ngư dân mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư, nâng cấp các cảng cá và khu neo đậu tàu cá trong tỉnh để thuận lợi cho việc neo đậu và bán hải sản.

Theo thống kê, 3 khu neo đậu tàu cá trong tỉnh chỉ đáp ứng được hơn 30% lượng tàu cá toàn tỉnh neo đậu. Vì vậy, nhiều tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phải neo đậu tại các bến cá tư nhân hoặc neo đậu dọc theo các dòng sông. 

Đồng thời, hạ tầng các cảng cá còn hạn chế nên rất nhiều tàu thuyền công suất lớn của tỉnh Quảng Ngãi sau khi vươn khơi không về cảng trong tỉnh để bán hải sản mà tập trung ở cảng cá các tỉnh lân cận. Từ đó, dịch vụ hậu cần cảng cá trong tỉnh không phát triển. 

Tàu thuyền neo đậu tại cảng neo trú Lý Sơn.
Tàu thuyền neo đậu tại cảng neo trú Lý Sơn.

Để phát huy hiệu quả hoạt động các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão, Sở NN&PTNT đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ, ngành trung ương quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hoàn thiện các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo quy hoạch. Từ đó, thu hút ngư dân đưa tàu về tỉnh bán hải sản, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến, đem lại nguồn thu, tạo việc làm cho người dân trong tỉnh.

Bài, ảnh: LINH ĐAN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Xuất bản lúc: 16:00, 31/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.