(Báo Quảng Ngãi)- Khi nắng chiều nhạt dần cũng là lúc hàng trăm thúng máy xuất phát từ cửa biển Sa Cần ra vịnh Dung Quất để câu mực. Câu mực đêm bằng thúng đã trở thành nghề truyền thống của ngư dân các xã Bình Thạnh, Bình Đông (Bình Sơn) từ bao đời nay.
Thông thường cứ vào khoảng 15 - 16 giờ, ngư dân ở các xã Bình Thạnh, Bình Đông lại mang theo đồ ăn, nước uống và một số vật dụng cần thiết lên chiếc thúng máy của gia đình ra vùng biển cách bờ khoảng 5 - 7 hải lý để câu mực. Cuộc mưu sinh của những ngư dân làng chài bắt đầu từ chiều hôm trước đến 4 - 5 giờ sáng hôm sau. Chi phí cho một chuyến câu mực đêm bằng thúng của ngư dân khoảng 100 nghìn đồng/đêm.
Ông Phan Hồng Khanh, thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông (Bình Sơn) chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho một chuyến câu mực đêm. |
Nghề câu mực xuyên đêm bằng thúng ở vịnh Dung Quất đã gắn bó với nhiều thế hệ ngư dân ở vùng cửa biển Sa Cần. Trước đây, ngư dân hành nghề chủ yếu bằng thúng chèo tay nên thời gian di chuyển chậm, lại tốn sức. Những năm gần đây, ngư dân đã đầu tư, nâng cấp lên thúng máy, giúp việc hành nghề câu mực thuận lợi, hiệu quả hơn.
Dụng cụ hành nghề câu mực rất đơn giản, chỉ cần cuộn dây cước hơn 10m với đoạn chì 6cm (xung quanh buộc dây cao su màu), gắn với 8 - 10 móc sắt được mài nhọn dùng làm lưỡi câu. Ông Phan Hồng Khanh, ở thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông, người có thâm niên hơn chục năm câu mực đêm cho biết, đặc thù của nghề câu mực bằng thúng là mỗi người một thúng và khoảng cách câu của từng ngư dân cách xa nhau hơn 1km. Mọi người giữ liên lạc với nhau bằng điện thoại. Nếu có người may mắn trúng luồng mực sẽ gọi điện thông báo cho nhau. “Nếu trúng mực thì nhiều người cùng trúng nên ai nấy cũng vui vì có thu nhập khá. Còn nếu chẳng may một chiếc thúng gặp sự cố thì anh em cũng ứng cứu kịp thời”, ông Khanh chia sẻ.
Nghề câu mực vất vả vì phải thức thâu đêm suốt sáng, nhưng bù lại khi về đến bến là các tư thương mua mực với giá cao. Mực loại 1 được bán với giá 300 nghìn đồng/kg, loại 2 có giá 250 nghìn đồng/kg. Những hôm câu được nhiều mực, ngư dân thu về 2 - 3 triệu đồng.
Năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng ông Nguyễn Thế Sơn, ở thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông vẫn ngày ngày “cưỡi" thúng ra vịnh Dung Quất để câu mực. “Trước đây tôi đầu tư ghe lớn để hành nghề mành đèn, nhưng gần chục năm nay tôi chuyển sang câu mực bằng thúng. Nghề này phù hợp với người lớn tuổi như tôi. Nhờ nghề câu mực, tôi có thu nhập để trang trải chi tiêu hằng ngày, không phải phụ thuộc vào con cái”, ông Sơn bày tỏ.
Hiện nay, những người gắn bó với nghề câu mực bằng thúng gần bờ hầu hết là ngư dân lớn tuổi. "Hôm nào khỏe, có mực thì mình câu đến sáng mới vô bờ, còn hôm nào thấy mệt, hoặc mực ít cắn câu thì vô sớm hơn. Năm nay, nghề câu mực gần bờ mất mùa, do nguồn nước gần bờ bị ô nhiễm, nên mực không vào trú ngụ", ông Sơn nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông Nguyễn Văn Cảm cho biết, toàn xã hiện có trên 100 chiếc thúng máy chuyên hành nghề câu mực đêm gần bờ. Những năm qua, nghề câu mực bằng thúng máy đã giải quyết việc làm cho rất nhiều ngư dân lớn tuổi ở địa phương, giúp người dân có nguồn thu nhập, nâng cao đời sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: