(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, từ nguồn vốn ngân sách địa phương, huyện Sơn Hà đã ưu tiên ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện để cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động (XKLĐ). Đồng thời, lồng ghép nhiều chương trình khác nhằm tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội tìm kiếm việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp gia đình chị Nguyễn Thị Kim Huệ, ở thôn Xà Nay, xã Sơn Nham (Sơn Hà) mua máy đào để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình. |
Trao cần câu thoát nghèo
Chị Nguyễn Thị Kim Huệ, ở thôn Xà Nay, xã Sơn Nham (Sơn Hà) từng đi làm công nhân ở KCN VSIP Quảng Ngãi, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thu nhập giảm sút, cuộc sống khó khăn. Năm 2021, chị Huệ quyết định nghỉ làm công nhân và vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của ngân hàng CSXH để đầu tư làm ăn. Từ số tiền tích góp được, cộng với vốn vay của ngân hàng, vợ chồng chị Huệ đã mua một chiếc máy đào đất về phục vụ cho các công trình trên địa bàn huyện.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho biết, thời gian qua, huyện đã phối hợp với các cơ sở, trung tâm đào tạo nghề, giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh tổ chức các hội nghị bàn giải pháp để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Huyện giao chính quyền các xã phối hợp với các trường nắm số liệu các em đã tốt nghiệp THPT nhưng không đi học đại học, đang còn ở địa phương, hoặc đang làm các công việc tự do để tuyên truyền, vận động đi xuất khẩu lao động. Phấn đấu đến cuối năm 2023 cùng với các nguồn lực từ chương trình mục tiêu hỗ trợ cho đào tạo XKLĐ, huyện Sơn Hà sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đưa ra. |
Chị Huệ chia sẻ, chồng tôi thường xuyên làm việc cho các công trình xây dựng nên nhận thấy mua máy đào sẽ có cơ hội để làm ăn. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên chưa biết xoay xở thế nào. Nhờ có sự hướng dẫn của Hội Liên hiệp phụ nữ xã, vợ chồng tôi đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng CSXH để sắm phương tiện mưu sinh. Công việc làm ăn thuận lợi, vợ chồng tôi mới mua thêm được chiếc xe tải trị giá 120 triệu đồng để vận tải keo, mì cho người dân trong xã.
Tương tự, anh Đinh Văn Thê, ở thôn Gò Chu, xã Sơn Thành (Sơn Hà) cũng từng đi làm thuê ở nhiều nơi nhưng do công việc có tính thời vụ, thu nhập không ổn định nên đầu năm 2020, anh Thê đã nghỉ việc và vay 35 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Với số tiền này, anh Thê đã đầu tư trồng hơn 7.500 cây keo trên diện tích 1,5ha. Đến nay, vườn keo đã trồng hơn 3 năm, ước tính doanh thu khi thu hoạch hơn 100 triệu đồng. Ngoài trồng keo, gia đình anh Thê còn nuôi thêm 2 con bò sinh sản và 25 con gà mái đẻ lấy trứng để tạo thêm thu nhập.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Hà Lê Thanh Tùng cho biết, năm 2023, UBND huyện đã ưu tiên dành nguồn vốn 1 tỷ đồng ủy thác sang phòng giao dịch để cho vay giải quyết việc làm đối với hộ nghèo, cận nghèo. Tính đến ngày 31/8/2023, nguồn vốn ủy thác của huyện đã tăng lên hơn 7 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 203 lượt lao động được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Qua đó, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu hằng năm của huyện về giảm nghèo nhanh và bền vững.
Đổi đời nhờ xuất khẩu lao động
Thôn Nước Bao, xã Sơn Bao (Sơn Hà) có hơn 130 hộ dân, với hơn 400 nhân khẩu. Hiện có 10 người trong thôn đang làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Một số thanh niên đang làm các thủ tục để được đi XKLĐ. Anh Đinh Văn Hiệp, ở thôn Nước Bao đang chờ ngày trở lại Hàn Quốc để tiếp tục làm việc, đây cũng là lần đi XKLĐ thứ 2 tại Hàn Quốc của anh Hiệp. Trước đó, năm 2014, với quyết tâm đi XKLĐ để phát triển kinh tế gia đình, anh Hiệp đã sang Hàn Quốc làm việc theo hợp đồng. Sau gần 5 năm, anh Hiệp đã tích lũy được gần 2 tỷ đồng. Nhờ đó, anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, mua sắm vật dụng cho gia đình và đầu tư sản xuất nông nghiệp. Nhận thấy hiệu quả từ việc đi XKLĐ, năm 2023 anh tiếp tục đăng ký đi lao động ở Hàn Quốc.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hà tuyên truyền, hướng dẫn người dân về chính sách cho vay xuất khẩu lao động. |
Anh Hiệp chia sẻ, qua bên Hàn Quốc lao động, tôi thấy công việc cũng khá nhẹ nhàng, tiền lương lại cao hơn nhiều so với làm việc ở quê nhà. Mặc dù đi làm việc ở nước ngoài phải xa gia đình trong nhiều năm, nhưng bù lại sẽ tích góp được số tiền lớn để làm nhà, cho con ăn học. Theo tôi tìm hiểu thì nếu đợt này đi, tiền lương cơ bản đã tăng lên 40 - 50 triệu đồng/tháng (trước đây chưa tới 30 triệu đồng/tháng). Bây giờ mình còn trẻ, phải cố gắng làm việc kiếm ít vốn để sau này về quê có thể đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Cùng thôn với anh Hiệp, anh Đinh Văn Đêm, hiện đang làm nghề mộc ở Hàn Quốc gần 9 năm theo hợp đồng lao động. Trước đây, chi tiêu của 2 vợ chồng anh Đêm luôn thiếu trước hụt sau, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2014, anh Đêm được hỗ trợ học tập và đi làm việc có thời hạn ở Hàn Quốc. Với mức lương 30 triệu đồng mỗi tháng, gia đình anh ở quê đã có cuộc sống khấm khá, tiện nghi hơn.
Chị Đinh Thị Gái (vợ anh Đêm) bày tỏ, vì 2 vợ chồng đến với nhau khi tuổi còn trẻ nên khi sinh đứa con đầu lòng cuộc sống càng vất vả hơn. Vì vậy, vợ chồng tôi đã bàn bạc và thống nhất để chồng đi XKLĐ, vợ ở nhà nuôi con, chăm mẹ. Từ khi chồng đi XKLĐ, cuộc sống gia đình ngày càng được cải thiện. Hiện gia đình đã trả hết 100 triệu đồng vay của ngân hàng CSXH để đi XKLĐ. Ngoài ra, vợ chồng tôi cũng đã mua được mảnh đất ở trung tâm xã Sơn Bao để xây dựng nhà ở.
Không riêng gì 2 trường hợp trên, mà từ năm 2013 - 2014, nhiều thanh niên ở xã Sơn Bao đã mạnh dạn đi làm việc ở nước ngoài và đã thành công. Nhiều thanh niên đã gửi tiền về mua nhà, mua đất, mua sắm tiện nghi phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Thành công này đã tạo động lực để những người trong độ tuổi lao động của xã tiếp tục mạnh dạn đăng ký tham gia đi XKLĐ. Người có kinh nghiệm đi trước tiếp bước hỗ trợ cho người đi sau. Chính quyền xã Sơn Bao cũng đã lập riêng một trang Facebook đưa người đi làm việc ở nước ngoài để tuyên truyền với thông điệp “Thanh niên Sơn Bao hướng đến đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để xóa đói, giảm nghèo bền vững”. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bao Đinh Văn Sen thông tin, tính đến nay, toàn xã Sơn Bao đã có trên 30 thanh niên đi làm việc ở nước ngoài. Hiện có trên 30 thanh niên đang theo học ở các trung tâm đào tạo để đi XKLĐ.
Những năm qua, huyện Sơn Hà đã trở thành điểm sáng trong việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Huyện Sơn Hà đang tập trung hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ cho lao động thuộc diện hộ nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhiều chính sách được ưu tiên giúp lao động vùng dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, công tác cho vay vốn XKLĐ với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng CSXH đang được đẩy mạnh để người lao động trang trải chi phí ban đầu khi xuất cảnh.
Tính đến nay, toàn huyện Sơn Hà có 123 lao động đang làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia. Riêng trong 2 năm 2021 - 2022, Sơn Hà có 17 lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc, Nhật Bản làm việc. Có được thành công này là nhờ sự nỗ lực, sáng tạo trong công tác vận động của huyện Sơn Hà. Hiện nhu cầu lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản đang lớn, yêu cầu đòi hỏi không quá khắt khe. Vì vậy, huyện Sơn Hà xác định đây là cơ hội để thanh niên trong huyện nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: