Xây dựng nông thôn mới: Cần tháo gỡ vướng mắc

16:04, 18/08/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các địa phương gặp khó khăn do thiếu nguồn vốn.  

Chậm về đích nông thôn mới

Không chỉ giảm số tiêu chí bình quân từ 16,5 tiêu chí/xã (năm 2021) xuống còn 16,05%, mà năm 2022, có 3 xã là Long Hiệp (Minh Long), Sơn Linh (Sơn Hà) và Bình Châu (Bình Sơn) không về đích NTM, do vướng các tiêu chí “mềm”. Xã Long Hiệp không đạt tiêu chí về an ninh trật tự, xã Sơn Linh có số hộ nghèo đa chiều chiếm tỷ lệ cao (gần 26,6%). Riêng xã Bình Châu, mặc dù đã được huyện bố trí kinh phí đầu tư, sửa chữa các trường học, nhưng công trình chưa hoàn thiện nên địa phương chưa đạt chuẩn NTM.

Hệ thống nước sinh hoạt tập trung tại xã Trà Tân (Trà Bồng) hư hỏng, gây khó khăn trong việc hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới về nước sạch.
Hệ thống nước sinh hoạt tập trung tại xã Trà Tân (Trà Bồng) hư hỏng, gây khó khăn trong việc hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới về nước sạch.

Đối với xã NTM nâng cao, năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 9 xã đăng ký, nhưng đến nay, chỉ có 5 xã được Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tổ chức thẩm định. Đó là các xã Phổ An (TX.Đức Phổ); Bình Trị, Bình Dương (Bình Sơn); Đức Tân, Đức Lợi (Mộ Đức). Tuy nhiên, đến nay, một số sở, ngành vẫn chưa xác nhận kết quả thực hiện tiêu chí của 5 xã nói trên. Đối với 4 xã còn lại, gồm: Tịnh Kỳ, Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi) và Tịnh Bắc, Tịnh Giang (Sơn Tịnh) hiện vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ. Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã yêu cầu các xã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định, làm cơ sở để Sở NN&PTNT hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét công nhận các xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, nguồn lực hạn chế là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả thực hiện chương trình NTM, NTM nâng cao năm 2022 không đạt kế hoạch. Tổng kế hoạch vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2023 (bố trí trực tiếp cho xã, huyện thực hiện xây dựng NTM) trên 533 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương trên 282 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 251 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 30/6/2023 mới giải ngân trên 44 tỷ đồng, đạt gần 21% kế hoạch vốn. Trong đó, ngân sách trung ương gần 38 tỷ đồng; ngân sách tỉnh gần 6,2 tỷ đồng.

Cần bố trí nguồn vốn 

Theo kế hoạch, Mộ Đức sẽ về đích huyện NTM năm 2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, huyện còn 6/9 tiêu chí NTM chưa đạt (tương ứng với 12/36 tiêu chí thành phần). Khó khăn hiện nay là, đối với 10 xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện, nhưng hiện có 2 - 3 tiêu chí chưa đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025. Hơn nữa, xã Đức Tân có nguy cơ không đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2023 do vướng tiêu chí an ninh trật tự. Do vậy, huyện Mộ Đức khó hoàn thành tiêu chí thành phần là có ít nhất 10% xã NTM nâng cao (2 xã).

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn thực hiện chương trình NTM trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương trên 429,5 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 587,7 tỷ đồng. Đến thời điểm này, kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 chưa phân bổ (các xã, huyện) trên 633,8 tỷ đồng (59,2%), trong đó ngân sách trung ương trên 200,8 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 433 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết, ngân sách huyện eo hẹp do nguồn thu từ khai thác quỹ đất rất thấp, trong khi UBND tỉnh chưa bố trí vốn (gần 12,7 tỷ đồng), nên huyện gặp khó khăn trong tiến trình về đích NTM. Huyện chỉ nỗ lực thực hiện các tiêu chí “mềm” như môi trường, giảm nghèo, hệ thống chính trị... Còn đối với nhóm tiêu chí cơ sở hạ tầng, rất cần sự hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và trung ương.

Đối với 8 xã trên địa bàn tỉnh đăng ký về đích NTM năm 2023, có 7 xã thuộc các huyện miền núi, gồm: Ba Liên, Ba Điền, Ba Vì (Ba Tơ); Trà Tân, Trà Giang (Trà Bồng); Sơn Kỳ, Sơn Trung (Sơn Hà). Trong khi đó, hầu hết các tiêu chí bình quân của các huyện rất thấp, cụ thể: Sơn Tây gần 7,8 tiêu chí/xã, Ba Tơ hơn 12,2 tiêu chí/xã, Trà Bồng khoảng 12,6 tiêu chí/xã, Sơn Hà hơn 13,6 tiêu chí. Để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi... đáp ứng tiêu chí NTM, từ năm 2023- 2025, 5 huyện miền núi cần bổ sung nguồn lực đầu tư trên 417 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn lực phân bổ vốn bình quân mỗi xã đăng ký đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021 - 2025 chỉ hơn 3,34 tỷ đồng/xã.

Đối với các huyện xây dựng NTM mới, NTM nâng cao, kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 255 tỷ đồng, nhưng đến nay UBND tỉnh chỉ bố trí trên 65,5 tỷ đồng, còn lại gần 189,5 tỷ đồng chưa bố trí. Chính vì vậy, kết quả thực hiện chương trình NTM, NTM nâng cao tại các huyện Mộ Đức, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, TX.Đức Phổ, TP.Quảng Ngãi chưa đạt như mong muốn.

Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho biết, thời gian qua, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện đã nỗ lực thực hiện các tiêu chí xã NTM nâng cao, huyện NTM nâng cao. Tuy nhiên, nguồn lực của địa phương có hạn, chưa đủ để đạt các chỉ tiêu, kế hoạch theo lộ trình đề ra, nên cần sự tiếp sức từ ngân sách tỉnh và trung ương. Kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 giao cho huyện hơn 73,7 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã được UBND tỉnh bố trí trên 17,9 tỷ đồng, còn gần 55,8 tỷ đồng chưa được bố trí.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 16:04, 18/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.