[Emagazine] - Mở hướng chuyển đổi nghề cho ngư dân

08:39, 17/08/2023
.

 

 

(Báo Quảng Ngãi)- Xã Đức Lợi (Mộ Đức) đang tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch cộng đồng, từng bước tạo sinh kế cho người dân, đặc biệt là ngư dân. Đây là cách làm mới, sáng tạo, mở ra hướng chuyển đổi nghề cho ngư dân khi nguồn lợi thủy sản ven bờ đang dần cạn kiệt...

 

Du khách tham quan đình làng An Chuẩn, xã Đức Lợi (Mộ Đức) với sự hướng dẫn của Tổ du lịch cộng đồng.  			                          Ảnh: MAI TÂN
Du khách tham quan đình làng An Chuẩn, xã Đức Lợi (Mộ Đức) với sự hướng dẫn của Tổ du lịch cộng đồng. Ảnh: MAI TÂN
 

 

Đức Lợi là địa phương ven biển có nhiều làng nghề truyền thống như làng nghề làm nước mắm, làm bóng lồng bắt mực... Cùng với đó, xã có nhiều di tích văn hóa, lễ hội truyền thống gắn với nghề biển như lăng Ông, miếu Bà, lễ hội Kỳ Yên, lễ hội mùa hè, lễ hội ra quân đánh bắt hải sản đầu năm... Từ những lợi thế trên, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Đức Lợi lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển du lịch nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

 

Để cụ thể hóa nội dung nghị quyết, UBND xã Đức Lợi đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn Đức Lợi, giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Định hướng phát triển mới này, vừa là thời cơ và cũng là thách thức, mở ra sinh kế mới cho người dân tại vùng đất ven biển này.

 

 

 

Theo Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Minh Việt, toàn xã có khoảng 75 tàu cá đánh bắt ven bờ, với hơn 100 ngư dân. Trong định hướng phát triển du lịch của xã, đây sẽ là lực lượng chính để phát triển du lịch trải nghiệm sông nước.

 

Cùng với đó, các làng nghề liên quan đến nghề biển như nghề làm nước mắm truyền thống, nghề làm bóng lồng đánh bắt mực được xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, để du khách trải nghiệm du lịch làng nghề. Định hướng phát triển này sẽ góp phần giúp địa phương thực hiện được lộ trình chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt hải sản ven bờ, tạo thu nhập ổn định cho người dân.


Hiện xã Đức Lợi đã thành lập tổ du lịch cộng đồng, tập hợp những người có niềm đam mê, mong muốn tham gia làm du lịch. Địa phương cũng phối hợp với Viện Phát triển công nghệ xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.Đà Nẵng) đồng hành, hỗ trợ người dân địa phương cách làm du lịch cộng đồng, xác định các sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng.

 

Ngoài ra, UBND xã Đức Lợi bố trí kinh phí để người dân địa phương tham quan, học hỏi các mô hình du lịch cộng đồng tại làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) và xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), để người dân có cái nhìn toàn diện hơn về du lịch nông thôn.

 

 
 

 

Sau khi chính quyền địa phương có chủ trương và thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn, người dân xã Đức Lợi, mà nòng cốt là ngư dân và những người dân ở các làng nghề truyền thống như làng nước mắm, làng làm bóng lồng Vinh Phú, đã nhanh chóng “xắn tay” vào việc.

 

“Hiện nay, chúng tôi đã và đang gắn kết các thành viên tại làng nghề làm nước mắm, các nhà làm bóng lồng, các chủ ghe đánh bắt hải sản ven bờ cùng các ông từ và chủ bái tại lăng Ông, miếu Bà... để phát triển các sản phẩm du lịch, gắn với các di tích văn hóa như đình làng, miếu mạo và phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Chúng tôi tận dụng sức mạnh của tập thể, của cộng đồng vào làm du lịch, để du khách được tham quan, trải nghiệm về cảnh quan, về văn hóa của quê hương”, Tổ trưởng Tổ du lịch cộng đồng xã Đức Lợi Mai Tân chia sẻ.


Tham gia cùng tổ trong chở du khách tham quan, thưởng ngoạn cảnh sắc tại khu vực cửa Lở, ngư dân Nguyễn Líp, ở thôn An Chuẩn, xã Đức Lợi chia sẻ, tôi có 2 tàu cá chuyên đánh bắt ven bờ. Những năm gần đây, tình hình đánh bắt hải sản ngày càng khó khăn, nên khi liên kết cùng tổ để nhận chở khách tham quan, khám phá sông nước, tôi rất vui vì có thêm thu nhập.

 

 

 

Ngư dân Dương Biển, ở thôn Vinh Phú, xã Đức Lợi bày tỏ, những năm gần đây, nghề đánh bắt mực ven bờ ngày một khó khăn. Năm ngoái, bình quân mỗi đêm, tôi thả khoảng 50 bóng lồng, thu về được 2 - 3kg mực, thì từ đầu năm đến nay, tôi chỉ thu về chưa đến 1kg mực. Thu nhập từ nghề biển ngày càng bấp bênh, nên khi được tiếp đón các đoàn du khách, dùng chính sở trường của mình là nghề đan bóng lồng để làm cho du khách xem, hướng dẫn du khách cách thả bóng lồng dưới biển, tôi rất vui, vì có thêm thu nhập.

 

Dù chỉ đang bước vào giai đoạn khởi động, nhưng tin rằng, với sự hỗ trợ, sâu sát của chính quyền địa phương cùng sự đồng lòng của người dân sẽ mở ra hướng phát triển mới cho vùng đất ven biển còn nhiều gian khó này.

 

Nội dung: ĐÔNG YÊN

Thiết kế, trình bày: P.D

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:39, 17/08/2023