(Báo Quảng Ngãi)- Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 26) đề ra là, xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất. Hiện nay, trên địa bàn KKT Dung Quất đang triển khai nhiều dự án năng lượng quy mô lớn, là tiền đề quan trọng để hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia.
Tàu chở dầu thô cung cấp cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. |
Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW đề ra một trong những nhiệm vụ chủ yếu là "chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển", trong đó có nội dung: "Mở rộng và xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu Quốc gia tại KKT Dung Quất". Để thực hiện nhiệm vụ trên, nền tảng quan trọng nhất hiện nay là triển khai thực hiện dự án Nâng cấp, mở rộng (NCMR) Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, do Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) quản lý, vận hành.
Một góc Khu Kinh tế Dung Quất. Ảnh: HP |
Dự án NCMR NMLD Dung Quất đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, với công suất 171 nghìn thùng/ngày; tổng vốn đầu tư khoảng 1,25 tỷ USD; thời gian hoàn thành và đưa vào vận hành quý I/2028. Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho biết, do một số khó khăn, vướng mắc nên dự án NCMR NMLD Dung Quất đã bị chậm tiến độ khoảng 48 tháng. Nguyên nhân là do dự án có sự khác nhau giữa thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam. Các gói thầu của dự án yêu cầu kỹ thuật cao, kéo dài thời gian xem xét đề xuất kỹ thuật của các nhà thầu. Công suất dự án được điều chỉnh từ 192 nghìn thùng xuống còn 171 nghìn thùng/ngày nên diện tích giảm từ 108ha xuống còn 40ha... Hơn nữa, khi chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty cổ phần, dự án này đã không còn được vay vốn theo diện bảo lãnh của Chính phủ, mà phải tiếp cận vốn lại từ đầu theo phương thức mới.
Hiện BSR đang tiếp tục triển khai dự án NCMR NMLD Dung Quất theo chủ trương được điều chỉnh, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ là quý I/2028 đưa vào vận hành. Riêng việc thu xếp vốn hiện đã có 22 ngân hàng gửi thư chào sơ bộ, với số vốn khoảng 2,146 tỷ USD.
Tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tại KKT Dung Quất, góp phần đưa Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị vào cuộc sống. Đối với các dự án điện khí, trung ương cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án cung cấp khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh và các dự án thượng nguồn để đủ điều kiện triển khai dự án phụ thuộc; xem xét điều chỉnh tiến độ các dự án điện khí cho phù hợp. Đối với dự án NCMR NMLD Dung Quất, trung ương cần tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, hỗ trợ BSR để hoàn thành đưa dự án vào vận hành đúng tiến độ. |
Tại KKT Dung Quất hiện có 3 dự án điện khí được triển khai gồm dự án Điện khí Dung Quất I, II, III và dự án cơ sở hạ tầng dùng chung cho các nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp. Trong đó, dự án Điện khí Dung Quất I, III và dự án cơ sở hạ tầng dùng chung do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư; còn dự án Điện khí Dung Quất II do Tập đoàn Sembcorp (Singapore) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Mỗi dự án có công suất 750MW; tổng mức đầu tư của 3 dự án là 2,5 tỷ USD.
Kỹ sư Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong ca vận hành sản xuất. |
Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh, dự án Điện khí Dung Quất I và Điện khí Dung Quất III được Thủ tướng Chính phủ cấp quyết định chủ trương đầu tư năm 2019. Tiến độ thực hiện các dự án này đồng bộ với tiến độ cấp khí của dự án thượng nguồn thuộc chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh. Kế hoạch đề ra, dự án Điện khí Dung Quất I khởi công tháng 1/2021, vận hành thương mại tháng 12/2023; dự án Điện khí Dung Quất III khởi công tháng 1/2022, vận hành thương mại tháng 12/2024. Mục tiêu là góp phần đáp ứng tốc độ phát triển nhu cầu điện tại Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung. Đến nay, 2 dự án này đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, do chưa xác định được thời điểm cấp khí từ mỏ Cá Voi Xanh và từ các dự án thượng nguồn, nên EVN chưa thể trình các hồ sơ bước tiếp theo.
Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh khẳng định, 2 dự án Điện khí Dung Quất I, III bị chậm tiến độ là do tiến độ cấp khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh bị chậm. Riêng đối với dự án Cơ sở hạ tầng dùng chung, đến nay đã bồi thường, giải phóng mặt bằng được 69/81ha. Hiện đã cho thuê đất và chủ đầu tư đã san nền, xây dựng đê bao, cổng, hàng rào, nhà bảo vệ.
Đối với dự án Điện khí Dung Quất II, do Sembcorp làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, có tổng vốn gần 800 triệu USD, nhà đầu tư đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi và được Bộ Công thương phê duyệt vào năm 2018. Hiện nay, chủ đầu tư đang phối hợp với Bộ Công thương triển khai các bước tiếp theo, trong đó có việc ký kết hợp đồng BOT theo quy định.
Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Xuân Huyên kiến nghị Quốc hội cần ban hành nghị quyết riêng về cơ chế chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng và công nghiệp phụ trợ cho KKT Dung Quất.
Phối cảnh cụm các dự án điện khí tại khu kinh tế Dung Quất. |
Bộ Công thương tăng cường phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành Đề án quy hoạch Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, để làm cơ sở triển khai thực hiện. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi một số luật còn chồng chéo, nhằm tạo điều kiện rút ngắn các thủ tục phê duyệt đầu tư, tạo cơ chế chủ động trong hoạt động đầu tư dự án đặc thù của ngành dầu khí, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đối với 2 dự án Điện khí Dung Quất I và III, Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, hiện EVN đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để khởi công dự án trong thời gian tới. Tuy nhiên, do các dự án này phụ thuộc vào tiến độ cấp khí của dự án thượng nguồn (thuộc chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh) nên EVN không thể xác định cụ thể thời gian nào sẽ khởi công. Được biết, các dự án điện khí này đã được đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo tính toán, khi các dự án này đi vào vận hành sẽ cung cấp 13 tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Trung và truyền tải cấp cho miền Nam thông qua hệ thống đường dây truyền tải 500kV.
Bài, ảnh: THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: