(Báo Quảng Ngãi)- Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất là một trong những công trình kinh tế lớn, trọng điểm quốc gia. Sự ra đời của NMLD Dung Quất có ý nghĩa hết sức to lớn đối với hành trình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chính là cơ sở để xây dựng, hình thành Trung tâm Năng lượng và Lọc hóa dầu Quốc gia và phát triển hệ sinh thái hóa dầu, sau hóa dầu tại Quảng Ngãi.
Từ năm 2009 trở về trước, Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo, thuần nông, ngân sách phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của trung ương và là địa phương có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong 5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đến năm 2009, NMLD Dung Quất được đưa vào vận hành, trực tiếp tạo ra giá trị sản xuất cho nền kinh tế. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Ngãi tăng đột biến, đạt mức 22,39% (năm 2009) và 39,35% (năm 2010), cao nhất so với các tỉnh khác trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đến nay, Quảng Ngãi trở thành tỉnh có nguồn thu lớn của cả nước, với quy mô nền kinh tế đạt hơn 121 nghìn tỷ đồng (đứng thứ 2/5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đứng thứ 4/14 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố cả nước).
Kỹ sư vận hành sản xuất tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: P.D |
Không chỉ đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh, NMLD Dung Quất còn là nhân tố, động lực quan trọng để thu hút nhiều dự án đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN tỉnh. Đến thời điểm này, có 347 dự án đầu tư vào KKT Dung Quất, với tổng vốn đăng ký hơn 395 nghìn tỷ đồng (khoảng 18,5 tỷ USD); trong đó, có 58 dự án đầu tư nước ngoài và 289 dự án đầu tư trong nước. Hiện tại, có 249 dự án đi vào hoạt động, trong đó nhiều dự án đầu tư hoạt động các lĩnh vực công nghiệp sau hóa dầu, dịch vụ phục vụ cho NMLD và tạo tiền đề cho sự phát triển cả KKT Dung Quất.
Theo TS Hoàng Hồng Hiệp-Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, cơ sở sẵn có của NMLD Dung Quất chính là nền tảng để Nhà nước đầu tư các dịch vụ logistics phục vụ kinh tế như cảng nước sâu, cảng hàng không. “Tương lai không xa, đây sẽ trở thành cảng hàng hóa vận tải than, thép, xăng dầu lớn nhất cả nước. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Thủ tướng phê duyệt cảng Dung Quất là khu bến cảng tổng hợp, container, với các bến cho tàu trọng tải từ 50 -200 nghìn tấn”, TS Hoàng Hồng Hiệp nói.
“Định hướng của KKT Dung Quất trong thời gian đến là phát triển công nghiệp, đô thị và du lịch theo hướng bền vững. Từ quy hoạch của Chính phủ và Nghị quyết của Bộ Chính trị, tỉnh sẽ kích hoạt 2 nội dung quan trọng là: Phát triển kinh tế dựa trên trụ cột công nghiệp là Trung tâm Năng lượng và Lọc hóa dầu Quốc gia và hình thành trung tâm du lịch biển đảo của vùng, trong đó điểm nhấn là đảo Lý Sơn".
Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh HÀ HOÀNG VIỆT PHƯƠNG |
Để tiếp tục phát huy và khai thác hết các tiềm năng và lợi thế sẵn có, TS Hoàng Hồng Hiệp cho rằng, Quảng Ngãi cần tận dụng cơ hội từ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, để chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương nhanh chóng xây dựng Đề án Trung tâm Năng lượng và Lọc hóa dầu Quốc gia tại Quảng Ngãi. Đây là cơ sở để xây dựng hệ sinh thái hóa dầu, sau hóa dầu gắn với công nghiệp lọc dầu, với “trái tim” là NMLD Dung Quất. Có như vậy, mới phát huy tối đa lợi thế từ NMLD Dung Quất trong việc đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung.
Từ vai trò của NMLD Dung Quất cho thấy, đối với các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, bên cạnh đầu tư thực hiện dự án, Nhà nước cần quan tâm đến các cơ chế chính sách liên quan, nhằm thúc đẩy, khuếch đại tác động lan tỏa của dự án đến các thực thể kinh tế tại vùng, thay vì ở tầm địa phương.
Trong đó, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại kết nối dự án với các địa phương nội vùng, với các trung tâm kinh tế vùng là kênh dẫn hết sức quan trọng. Đồng thời, tỉnh cần hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng KKT Dung Quất để chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng hiện đại giúp phát triển công nghiệp theo hướng bền vững. Như tập trung nâng cấp và mở rộng các tuyến đường có lưu lượng phương tiện lưu thông cao; nối cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi với KKT Dung Quất; hoàn thiện tuyến đường liên cảng Dung Quất, tuyến Dốc Sỏi - sân bay Chu Lai, tuyến đường kết nối Quốc lộ 24C đến đường Trường Sơn Đông, từ đó kết nối với khu vực Tây Nguyên và Nam Lào. Đặc biệt, cần chú trọng thu hút nhà đầu tư hình thành trung tâm xử lý rác thải công nghiệp phục vụ các doanh nghiệp trên địa bàn KKT Dung Quất.
Theo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, trong thời gian đến, để hình thành Trung tâm Năng lượng và Lọc hóa dầu Quốc gia tại KKT Dung Quất, thì cần tập trung mọi nguồn lực để triển khai dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất và các dự án hóa dầu, sau hóa dầu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, kéo dài chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần khẳng định sự phát triển bền vững ngành dầu khí Việt Nam. Qua đó, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng quốc gia.
XUÂN HIẾU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: