(Báo Quảng Ngãi)- Hội Nông dân huyện Sơn Hà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả. Nhờ đó đã nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích.
[links()]
Trước đây, cũng như nhiều hộ nông dân khác, gia đình chị Đinh Thị Hồng Vương, ở tổ dân phố Nước Rạc, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) trồng lúa trên cánh đồng Ruộng Viền, nhưng năng suất và thu nhập thấp. Từ khi Hội Nông dân huyện Sơn Hà có chủ trương khuyến khích, hỗ trợ nguồn vốn vay và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cho hội viên nông dân phát triển sản xuất, chị Vương đã mạnh dạn chuyển đổi gần 4 sào đất lúa của gia đình sang trồng rau an toàn. “Năm 2020, tôi vay 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để trồng rau an toàn. Bình quân một vụ lúa, trừ chi phí, tôi chỉ còn lãi khoảng 300 nghìn đồng/sào. Từ ngày chuyển đổi sang trồng rau an toàn, mỗi ngày, tôi có thu nhập từ 400 - 600 nghìn đồng", chị Vương chia sẻ.
Nông dân ở tổ dân phố Nước Rạc, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) trồng rau an toàn cho thu nhập cao. |
Năm 2019, gia đình chị Đinh Thị Biêm, ở thôn Làng Vố, xã Sơn Thượng (Sơn Hà), là 1 trong 5 hộ khó khăn ở địa phương, được hỗ trợ vay vốn, để chăn nuôi dê thịt và sinh sản. Chỉ sau một năm, gia đình chị Biêm đã trả được vốn vay và có thu nhập khá từ nuôi dê. “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, chỉ nuôi một con bò, không có điều kiện mở rộng chăn nuôi. Nhờ được vay 40 triệu đồng, tôi mua 6 con dê bản địa về nuôi, giúp kinh tế gia đình cải thiện rất nhiều. Nếu so với nuôi bò, thì nuôi dê chi phí thấp, dê sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện địa hình, khí hậu ở địa phương. Sau gần 3 năm, đến nay, tôi luôn duy trì đàn dê 20 con. Trừ hết chi phí, mỗi năm, tôi có thu nhập trên 50 triệu đồng, cao gấp 2 - 3 lần so với nuôi bò”, chị Biêm nhẩm tính.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Hà Nguyễn Tấn Công, từ năm 2019 đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã giải ngân hơn 1,6 tỷ đồng cho 36 hộ hội viên, nông dân của huyện vay, để thực hiện 7 dự án phát triển trồng trọt và chăn nuôi, nhằm tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích. Tiêu biểu như dự án Chăn nuôi bò lai sinh sản tại các xã Sơn Hạ, Sơn Nham và Sơn Thành; dự án Trồng rau sạch trên đất lúa kém hiệu quả tại xã Sơn Trung... Việc thực hiện các dự án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích nghi với thế mạnh, đặc điểm của từng vùng đã mở ra hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương, từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân vùng cao.
"Phát huy những kết quả đạt được, thời gian đến, các cấp hội nông dân của huyện Sơn Hà sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ hội viên, nông dân chuyển đổi, phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa trên cơ sở định hướng vùng, tránh tình trạng nhân rộng một cách ồ ạt. Đồng thời, tích cực làm đầu mối kết nối giữa nông dân với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm”, ông Công nhấn mạnh.
Bài, ảnh:
HẢI CHÂU