Bảo tồn và phát triển cây dược liệu

02:03, 27/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để bảo tồn và đưa các loại cây dược liệu quý thành sản phẩm hàng hóa, giúp người dân thoát nghèo, Huyện ủy Trà Bồng đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện.
[links()]
 
Nhiều giống cây quý
 
Huyện miền núi Trà Bồng là nơi có nhiều loại cây dược liệu có giá trị y học và kinh tế như gừng gió, mơ gang... Tuy nhiên, do chưa chú trọng bảo tồn, nên nhiều loại cây có nguy cơ tuyệt chủng. Để bảo tồn và phát triển các cây dược liệu quý, Huyện ủy Trà Bồng đã ban hành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển các loại cây dược liệu quý.
 
Mô hình trồng gừng gió ở xã Sơn Trà (Trà Bồng) đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.         Ảnh: PV
Mô hình trồng gừng gió ở xã Sơn Trà (Trà Bồng) đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân. Ảnh: PV
Trước mắt, huyện Trà Bồng chọn các xã phía tây là Sơn Trà, Hương Trà, Trà Phong, Trà Xinh, Trà Thanh và Trà Tây để trồng 20ha gừng gió, định hướng phát triển lên 30ha vào năm 2030. Chủ tịch UBND xã Sơn Trà Hồ Văn Bài cho biết, lâu nay cây gừng gió (gừng sẻ) là gia vị và là cây thuốc quen thuộc của đồng bào Cor. Trước đây, gừng gió chủ yếu mọc hoang trên đồi núi, sườn dốc, ven sông suối... Người dân thường dùng nó để làm gia vị trong món ăn hay điều trị những bệnh thông thường như cảm cúm, viêm họng, ho, đau bụng...
 
Những năm gần đây, đồng bào Cor ở xã Sơn Trà đã tìm giống trong tự nhiên như sâm 7 lá, mơ gang đỏ, sâm cau, sả... đem về trồng dưới tán rừng, vườn nhà và nhân rộng các loại dược liệu quý này. Qua trồng thử nghiệm cây sâm 7 lá và mơ gang đỏ phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
“Riêng cây gừng gió, hiện trên địa bàn xã có hàng chục hộ trồng và biến nó thành cây trồng hàng hóa với giá bán từ 50- 60 nghìn đồng/kg mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng. Đặc biệt là cây gừng gió ở địa phương được một doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ trồng và bao tiêu sản phẩm nên người dân rất phấn khởi”, ông Bài cho biết.
 
Phát triển vùng dược liệu
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc, mục đích của việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu thành hàng hóa theo hướng ổn định, lâu dài với quy mô diện tích lớn. Huyện Trà Bồng sẽ tập trung chuyên canh trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và thị trường; chú trọng phát triển cây dược liệu gắn với bảo vệ, bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý hiếm. Do đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện ưu tiên phát triển các loại dược liệu sẵn có tại địa phương mà dễ trồng, dễ tiêu thụ và có lợi thế cạnh tranh như cây quế, đinh lăng, sả, gừng gió, nghệ... 
 
Cùng với đó, huyện Trà Bồng bảo tồn và khai thác bền vững các cây dược liệu có trong tự nhiên như thiên niên kiện, mua đất, ưng bách bộ (muồng tuống), cỏ nhung, rễ khai... Huyện cũng xây dựng mô hình trồng thử nghiệm để đánh giá chất lượng, khả năng thích ứng với điều kiện của địa phương với các loại dược liệu như sâm Ngọc Linh, kim tiền thảo, ba kích, đẳng sâm, sa nhân, bách bộ, đương quy...
 
Mục tiêu đến năm 2025, huyện Trà Bồng trồng mới và ổn định 5.400ha quế, 20ha gừng sẻ và 3ha các loại cây dược liệu khác như đẳng sâm, sa nhân, đương quy; hình thành 2- 3 cơ sở chế biến để 100% sản lượng cây dược liệu tươi được sơ chế, bảo quản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt là, đảm bảo 100% sản phẩm dược liệu được sản xuất theo quy trình khép kín trên nguyên tắc, tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành. Bên cạnh đó, huyện Trà Bồng sẽ chú trọng phát triển cây dược liệu gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại các xã có tiềm năng; phấn đấu hình thành một cơ sở sản xuất giống dược liệu để cung ứng giống chất lượng cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện... 
 
“Việc Công ty Hoàng Linh Biotech TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng để trồng 8ha gừng ở huyện Trà Bồng và 2ha ở huyện Sơn Tây, với cam kết cung ứng giống, vật tư, kỹ thuật trồng, thu hoạch, chế biến và thu mua sản phẩm cho người dân đã mở ra hướng phát triển mới cho cây gừng gió của huyện Trà Bồng”, ông Ngọc nhấn mạnh.
 
 BÁ SƠN
 
 
 

.