Cấp mã số vùng trồng: Giấy thông hành cho nông sản

08:03, 29/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dù được xem là “tấm vé thông hành” để xuất khẩu, cũng như nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường nội địa, nhưng việc cấp mã số vùng trồng (MSVT) cho cây trồng, vật nuôi vẫn chưa được ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương và người dân quan tâm thực hiện.
[links()]
 
Nhiều lợi ích
 
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Thế Vĩnh cho rằng, việc cấp MSVT không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, mà còn kiểm soát dịch hại và đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm. Ngoài ra, việc cấp MSVT cũng giúp nông dân nâng cao ý thức sản xuất, xây dựng niềm tin về chất lượng đối với người tiêu dùng. Vì vậy, để được cấp MSVT, việc sản xuất phải theo tiêu chuẩn an toàn, nông dân phải có nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác... Các vùng trồng sẽ được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra các tiêu chí, nếu đủ điều kiện sẽ được cấp mã số. Sau khi được cấp MSVT, vùng trồng sẽ được giám sát, kiểm tra định kỳ các tiêu chí cơ sở.
 
Nhiều vùng trồng ớt trong tỉnh chưa được cấp mã số vùng trồng.
Nhiều vùng trồng ớt trong tỉnh chưa được cấp mã số vùng trồng.
Thực tế lâu nay, cùng với tiêu thụ nội địa, nhiều mặt hàng nông sản chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, nên nông dân không quan tâm đến một số tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, Trung Quốc dựng hàng rào kỹ thuật đối với nhiều mặt hàng nông sản nhập khẩu. Trong đó, có việc ban hành danh mục các loại rau quả được Trung Quốc cấp phép, có đăng ký MSVT mới được nhập khẩu vào thị trường này. Vì vậy, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng như dưa hấu, ớt, cau, tôm thẻ chân trắng... đang gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Trung Quốc, vì chưa được cấp MSVT.
 
Tháo gỡ những rào cản
 
Năm 2018, Bộ NN&PTNT đã triển khai việc cấp MSVT đối với các mặt hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, người dân, các hợp tác xã nông nghiệp chưa quan tâm duy trì, ngành chuyên môn cũng không hỗ trợ và định hướng khai thác và sử dụng, nên MSVT do hợp tác xã quản lý chưa phát huy hiệu quả. Thậm chí, xảy ra tình trạng lạm dụng, chiếm đoạt các MSVT làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản. Chấn chỉnh tình trạng này, năm 2021, Bộ NN&PTNT ban hành cụ thể các tiêu chuẩn cơ sở để siết chặt việc cấp MSVT, cũng như yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố giám sát và kiểm tra định kỳ. Nếu vùng trồng nào không đáp ứng yêu cầu, thì thu hồi MSVT và loại khỏi danh sách vùng trồng phục vụ xuất khẩu.
 
Tuy nhiên, quá trình triển khai đăng ký MSVT trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, phần vì nông dân chưa hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của MSVT, phần do diện tích sản xuất tập trung chưa nhiều, trong khi yêu cầu để được cấp MSVT phải đạt từ 10ha trở lên. Quá trình đăng ký, thực hiện và quản lý hồ sơ MSVT chưa rõ ràng, việc theo dõi và truy cập thông tin vừa chậm lại chưa chính xác. Khắc phục tình trạng này, song song với việc tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân đăng ký MSVT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang triển khai rà soát MSVT đã được cấp từ năm 2018, qua đó kiểm tra và đánh giá các tiêu chuẩn làm cơ sở để cấp MSVT mới, hoặc thu hồi MSVT. 
 
“Để triển khai thực hiện  MSVT cho nông sản, bên cạnh sự thay đổi nhận thức của các hộ nông dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và chế biến, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của chính quyền địa phương. Qua đó, mạnh dạn xây dựng những vùng trồng đạt tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu và cấp MSVT, góp phần nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn mà các nước nhập khẩu đặt ra”, ông Vĩnh cho biết.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

.