Học hỏi cách làm hay, mô hình hiệu quả

17:03, 11/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình), Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều đoàn học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía bắc và Tây Nguyên. Từ các chuyến đi này nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả của các tỉnh bạn sẽ được lựa chọn để triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Học tập kinh nghiệm làm nấm cộng đồng tại huyện Krông Ana (Đắk Lắk). Ảnh: BDT
Học tập kinh nghiệm làm nấm cộng đồng tại huyện Krông Ana (Đắk Lắk). Ảnh: BDT

Tham gia đoàn học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức trong tháng 6 vừa qua, anh Trần Thanh Tuấn, một nông dân tiêu biểu ở huyện Sơn Tây chia sẻ, chuyến đi đã giúp tôi mở mang được nhiều kiến thức, học tập thêm kinh nghiệm trong thực hiện các mô hình kinh tế nông nghiệp.

Ngoài các chuyến đi học tập kinh nghiệm, trong thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh và 3 huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Khe Xai Eco tổ chức khảo sát thực địa vùng trồng cây sả chanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn và kết hợp với du lịch sinh thái. Công ty CP Tập đoàn Khe Xai Eco bước đầu đã lựa chọn xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất sả chanh tại 2 xã Ba Vinh (Ba Tơ) và Sơn Tinh (Sơn Tây).
Anh Tuấn hiện là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Tân (Sơn Tây) và HTX đang triển khai nhiều mô hình trồng cây ăn quả như ổi ruby, bưởi da xanh và nuôi dê với quy mô đàn từ 50 - 60 con. Sau khi tham quan mô hình nuôi dê của HTX Dê Đắk Lắk tại xã Eabar, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), anh Tuấn đã đăng ký thực hiện mô hình nuôi dê lấy thịt, quy mô trên 500 con giống, với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn của Chương trình. “Hiện nay, nhiều hộ gia đình tại xã Sơn Tân cũng đang nuôi dê rất hiệu quả. Vì thế, để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tại địa phương, HTX đang hoàn tất thủ tục đăng ký thực hiện mô hình này. Đồng thời, HTX cũng vừa thực hiện ký kết hợp đồng cung cấp giống và bao tiêu đầu ra với HTX Dê Đắk Lắk. Đây cũng là thành quả từ chuyến đi học tập kinh nghiệm vừa qua”, anh Tuấn chia sẻ.  

Không chỉ được tham quan mô hình chăn nuôi dê, thành viên đoàn còn được tìm hiểu nhiều mô hình như trồng nấm Bắc Âu Mushroom tại TP.Buôn Ma Thuột, làm nấm cộng đồng tại huyện Krông Ana (Đắk Lắk); trồng chuối Nam Mỹ tại huyện Đăk Đoa (Gia Lai); nông nghiệp công nghệ cao, văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring, làng du lịch văn hóa cộng đồng Đăk Rơ Wa (Kon Tum); chăn nuôi bò của HTX Bò Mông số 11 tại huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên); HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, vùng nguyên liệu măng tre Bát Độ (Yên Bái)... Đây đều là những mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu của các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên và phía bắc.

Tại các mô hình, trang trại, thành viên trong đoàn đã tham quan, tận mắt chứng kiến các sản phẩm đạt hiệu quả, chất lượng, được trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm nhiều nội dung hữu ích. Trong đó, các đại diện HTX, chủ mô hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi đã trực tiếp trao đổi kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch cộng đồng; kinh nghiệm trong việc nhân giống, phòng trừ các bệnh trên cây trồng, vật nuôi; giải pháp bao tiêu sản phẩm đầu vào và đầu ra, đăng ký sản phẩm OCOP...

“Qua các chuyến đi, các thành viên trong đoàn đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong các khâu tổ chức, triển khai mô hình, tập huấn cho nông dân, tìm giải pháp giải quyết những khó khăn đặc thù của các xã thuộc 5 huyện miền núi trong tỉnh. Đây là những kinh nghiệm quý để sau này có thể áp dụng và phổ biến nhân rộng tại nhiều địa phương”, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trần Văn Mẫn cho biết.

V.YẾN



 TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:03, 11/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.