(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Đề án Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành ngân hàng tỉnh đã từng bước hiện đại hóa, triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đa dạng trên nền tảng công nghệ mới.
Hiện nay, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là thanh toán điện tử. Hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số ngành ngân hàng được nâng cấp, cải thiện, bảo đảm an toàn, bảo mật trong quá trình thanh toán.
Khách hàng thanh toán bằng quét mã QR tại một cửa hàng tạp hóa ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn). Ảnh: AN NHIÊN |
Trong 6 tháng đầu năm 2024, chuyển đổi số ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. So với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,47% về giá trị và 32,68% về số lượng. Giao dịch qua kênh điện thoại di động và Internet tăng 31% về giá trị và hơn 20% về số lượng. |
Đơn cử như Vietcombank Quảng Ngãi đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt với rất nhiều đối tác là trường học, UBND các huyện, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh... Ngân hàng đã cung cấp các dịch vụ thanh toán qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, giải pháp thanh toán bằng mã QR, thẻ. Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh cho biết, Vietcombank còn đẩy mạnh tư vấn khách hàng sử dụng các sản phẩm trực tuyến (tài trợ thương mại trực tuyến, dịch vụ ngân hàng điện tử, mở tài khoản online, gửi tiết kiệm online...) để tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch.
Ngoài Vietcombank Quảng Ngãi, nhiều ngân hàng khác như BIDV, Agribank, Vietinbank, MB đã triển khai các dịch vụ thu hộ phí, lệ phí tại các trung tâm hành chính công tỉnh, huyện; thu hộ học phí cho các trường đại học, cao đẳng; thu hộ viện phí. Đơn cử như, BIDV Quảng Ngãi đã triển khai mô hình tuyến phố không dùng tiền mặt. Một số ngân hàng đã lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ (máy POS) và đặt mã QR tại các bệnh viện, trung tâm y tế để phục vụ hoạt động thanh toán viện phí không dùng tiền mặt của người dân. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã triển khai chiến dịch đặt mã QR tại các chợ truyền thống, cơ sở, cửa hàng kinh doanh để kích thích thói quen chi tiêu không dùng tiền mặt.
Theo lãnh đạo các ngân hàng, môi trường số giúp việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ nhanh chóng, hiệu quả với chi phí thấp hơn. Việc số hóa cũng sẽ tạo điều kiện để hoạt động của hệ thống ngân hàng trở nên minh bạch hơn trong cung cấp tài chính cho nền kinh tế trên cơ sở các tiêu chuẩn quản trị khắt khe. Số hóa cũng góp phần tối ưu hóa chi phí vận hành, giảm lãi suất cho vay, góp phần quản lý tốt hơn rủi ro trong kinh doanh tài chính, tiền tệ của các ngân hàng.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi Đinh Văn Công cho biết, thời gian qua, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, nền tảng vận hành, xử lý nghiệp vụ vững mạnh dựa trên công nghệ, dữ liệu và có thể tiếp cận khách hàng qua các kênh số. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập, kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác. Nhiều ngân hàng thương mại xem chuyển đổi số, phát triển mô hình, hoạt động ngân hàng số là mục tiêu trong chiến lược kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
AN NHIÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: