KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN LƯƠNG BẰNG (2/4/1904 - 2/4/2024)

Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

16:04, 02/04/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là lớp thế hệ chiến sĩ cách mạng đầu tiên của Đảng, giác ngộ theo con đường giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, ở cương vị nào đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng.
ảnh: TL
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng. ảnh: TL

Từ thanh niên yêu nước
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (bí danh Sao Đỏ, Hai Nam, Triệu Vân), thường được các đồng chí hoạt động cách mạng cùng thời gọi là Anh Cả, sinh ngày 2/4/1904 tại thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện (Hải Dương). Lớn lên chứng kiến cảnh quê hương, đất nước đắm chìm dưới ách nô lệ của thực dân Pháp, sự bóc lột nặng nề của chế độ phong kiến, đồng chí Nguyễn Lương Bằng thấu hiểu nỗi khổ cực, tủi nhục của người dân mất nước. Đồng chí luôn thôi thúc, nung nấu ý nghĩ phải làm cách mạng đánh đổ đế quốc, cứu lấy giống nòi. Quyết tâm thực hiện hoài bão, từ năm15 tuổi, Nguyễn Lương Bằng đã làm nhiều nghề kiếm sống. Mùa thu năm 1925 nhờ người quen giới thiệu, Nguyễn Lương Bằng được nhận làm công cho tàu Căng-tông của Pháp theo hải trình Hải Phòng - Hồng Kông, sau đó làm đầu bếp trên một chiếc tàu khác của Pháp ở Quảng Châu (Trung Quốc). Trong thời gian ở Quảng Châu, Nguyễn Lương Bằng được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, khi đó Nguyễn Lương Bằng mới 21 tuổi và là hội viên thứ 6. Nhận thức rõ lý luận cách mạng, tháng 6/1926 đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tình nguyện xin về nước để hoạt động cách mạng. Với nhiệm vụ cụ thể là tổ chức thiết lập đường dây liên lạc đường thủy giữa Hải Phòng - Hồng Kông - Quảng Châu để  chuyển tài liệu sách báo nước ngoài về nước. Từ đây chủ nghĩa Mác - Lênin được lan rộng khắp nơi, trong đó có cả Hải Dương quê hương của đồng chí. Từ tháng 10/1927 đến tháng 12/1928, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vào Sài Gòn để tham gia tuyên truyền, vận động cách mạng trong công nhân và thanh niên.

Đến người cộng sản mẫu mực
Trong 20 năm hoạt động cách mạng, từ năm 1925 đến 1945, đồng chí bị bắt 3 lần và cũng 3 lần vượt ngục. Đặc biệt, suốt 8 năm (từ năm 1935 đến khi vượt ngục năm 1943), trong Nhà tù Sơn La, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh chống lại bọn cai ngục, nêu cao khí phách hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù. Như lời khẳng định của Đảng ta: “Đương đầu với những cuộc tra tấn dã man của quân thù, đồng chí không hề nao núng, một dạ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân, nêu cao khí tiết cách mạng”.

Không chỉ là người suốt đời thực hành và là tấm gương mẫu mực trong thực hành đạo đức cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng còn là một trong những người đầu tiên đề xuất việc tích cực học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của mỗi đảng viên.

Đồng chí là đảng viên lớp đầu tiên, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, được Đảng tin tưởng, giao nắm giữ nhiều trọng trách, như: Trưởng ban Kinh tế - Tài chính Trung ương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tên Anh Cả mà nhiều lớp chiến sĩ cách mạng thường gọi đồng chí là biểu tượng của sự mẫu mực, trong sáng, là tấm gương lớn của những người cộng sản Việt Nam. Nhiều năm được làm việc bên Bác, được Bác chỉ bảo tận tình, đồng thời luôn phấn đấu, học tập và làm theo Bác, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã kế thừa, học tập được rất nhiều điều từ tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Hồ, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng mất ngày 20/7/1979, tại Hà Nội.

SA HUỲNH

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:04, 02/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.