Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc”

10:35, 11/09/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc”, mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ phải gần dân, tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

 

Kim chỉ nam trong mọi hành động
Lịch sử dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm cho thấy, đất nước thịnh hay suy, mạnh hay yếu, có giữ được giang sơn gấm vóc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc hay không đều phụ thuộc vào lòng dân, vào việc xây dựng niềm tin ở nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của người dân 
ở xóm 5, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) về quy hoạch, di dời tái định cư để thực hiện dự án KCN VSIP Quảng Ngãi. 
ẢNH: BÁ SƠN

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của người dân ở xóm 5, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) về quy hoạch, di dời tái định cư để thực hiện dự án KCN VSIP Quảng Ngãi. Ảnh: BÁ SƠN

Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn từng nhấn mạnh: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Nguyễn Trãi thì khẳng định: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Kế thừa và phát huy các giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu chủ nghĩa Mác- Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức và đánh giá đúng đắn vai trò, vị trí, sức mạnh của nhân dân. Năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”. Người thường dặn cán bộ, đảng viên: “Dân chúng khôn khéo, trí tuệ và sáng kiến của quần chúng là vô cùng tận”, “Nhân dân trăm tai nghìn mắt, có nhiều ý kiến thông minh”, “Công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”. Người khẳng định: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.

Từ những hiểu biết đúng đắn, toàn diện về nhân dân như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Nói về lực lượng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người chỉ rõ: “Chúng ta biết rằng: Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Kinh nghiệm trong nước và các nước cho chúng ta biết: Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có thì việc gì làm cũng không xong”.

Phải xứng đáng là công bộc của nhân dân  
Nhìn lại chặng đường cách mạng mà Đảng ta đã trải qua, tất cả đều dựa vào dân. Đảng ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh và phục vụ. Sự cầm quyền mà Đảng có được là do năng lực và phẩm chất chính bản thân Đảng và kết quả hy sinh xương máu của biết bao chiến sĩ cộng sản và của toàn dân tộc. Trong cuộc đấu tranh đó, nhân dân đã trao quyền cho Đảng lãnh đạo đất nước, bởi vì dân tin Đảng, Đảng tin dân. Lòng tin sắc đá ấy làm nên sức mạnh và chuyển thành hành động cách mạng.

Tuy nhiên, nếu Đảng không trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên bị tha hóa, suy thoái phẩm chất, sẽ giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Do đó, yêu cầu đặt ra là Đảng phải thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn để thật sự trong sạch, vững mạnh.

Hiện nay, đất nước ta đang trên đà phát triển, thời cơ nhiều, nhưng thách thức cũng không ít. Điều này đặt ra cho Đảng ta và mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng bản lĩnh  vững vàng, phải xác định trách nhiệm của mình trước nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, phải có tư duy đổi mới, sáng tạo, bản lĩnh, gần dân, sát dân, hiểu dân, vì dân, thực hiện đúng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là công bộc của nhân dân, vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Bài học thực tiễn ở cơ sở cho thấy, nơi nào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thường xuyên tiếp xúc nhân dân, gần dân, giải quyết thấu đáo những kiến nghị của dân, chăm lo cho lợi ích chính đáng của người dân, thì sẽ có được lòng dân, nhân dân tin yêu và quý trọng, huy động được sức dân và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra. Ngược lại, nơi nào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ngại tiếp dân, không hết lòng vì dân, thì khó có được lòng dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được. Ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”.

Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc”, mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ phải gần dân, tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền lợi và lợi ích chính đáng của nhân dân; phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân. Xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng hoàn thành công việc của cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt, có chất lượng, hiệu quả những điều đó chính  sự vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc” trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

ĐẠI NGHĨA 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:35, 11/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.