Tuổi trẻ Quảng Ngãi: Triển khai số hóa di tích lịch sử, văn hóa

16:11, 29/08/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các cơ sở đoàn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện công trình thanh niên “Số hóa di tích lịch sử, văn hóa”. Đây là hoạt động ý nghĩa của tuổi trẻ Quảng Ngãi nhằm cung cấp chính xác dữ liệu, hình ảnh, tài liệu liên quan đến các khu di tích, địa chỉ đỏ, danh lam thắng cảnh. Qua đó, tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Sáng tạo trong thực hiện

Di tích Khu lưu niệm nơi làm Lễ xuất quân của Liên quân Việt - Lào, ở xã Hành Phước (Nghĩa Hành), là nơi lưu giữ tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào. Hơn nữa, địa chỉ đỏ này còn chứa đựng nguồn tư liệu lịch sử quý giá để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau. Để góp phần phát huy những giá trị ấy, Huyện đoàn Nghĩa Hành đã thực hiện số hóa tại di tích này. Người dân hoặc du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR là có thể dễ dàng tìm hiểu, cập nhật được những thông tin về điểm di tích rất đầy đủ, chính xác.

Tuổi trẻ Bình Sơn thực hiện số hóa tại Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường.      Ảnh: Hồng Sen.
Tuổi trẻ Bình Sơn thực hiện số hóa tại Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường.      Ảnh: Hồng Sen.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng chia sẻ, đây là một cách làm rất sáng tạo, ý nghĩa của tuổi trẻ địa phương. Chỉ cần quét mã QR, tôi nhận được đầy đủ thông tin, hình ảnh về địa điểm mình đặt chân tới, giúp tôi có những trải nghiệm tốt và hiểu hơn về giá trị lịch sử của điểm di tích mà không cần có người thuyết minh.

Huyện Nghĩa Hành hiện có 5 di tích cấp quốc gia và 15 di tích cấp tỉnh. Bí thư Huyện đoàn Nghĩa Hành Bùi Anh Trí cho hay, tuổi trẻ địa phương đã thực hiện gắn mã QR tại 2 di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện. Sắp tới sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc chuẩn hóa thông tin các địa điểm và tạo mã QR các di tích còn lại.

Mới đây, Huyện đoàn Bình Sơn cũng đã thực hiện công trình số hóa tại Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường, ở xã Bình Hải. Hình thức số hóa di tích tại đây được ví như cuốn cẩm nang du lịch số rất tiện lợi và hữu ích, vừa bảo đảm việc tra cứu, tìm hiểu thông tin nhanh chóng, dễ dàng, đầy đủ, vừa giúp quảng bá giá trị văn hóa lịch sử ở địa phương. “Phần lớn đoàn viên, thanh niên cũng như người dân đều sử dụng điện thoại thông minh, nên việc quét mã QR đã tạo thuận lợi trong việc tìm hiểu di tích, góp phần giới thiệu, quảng bá rộng rãi, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều người”, Bí thư Đoàn xã Bình Hải Nguyễn Xuân Hoài chia sẻ.

 Đoàn viên, thanh niên quét mã QR tìm hiểu  thông tin về Di tích  Chiến thắng Vạn Tường  (Bình Sơn).                             Ảnh: H.Sen
 Đoàn viên, thanh niên quét mã QR tìm hiểu  thông tin về Di tích  Chiến thắng Vạn Tường  (Bình Sơn).                             Ảnh: H.Sen

Theo Bí thư Huyện đoàn Bình Sơn Võ Văn Thành, tuổi trẻ Bình Sơn đã và đang đặt mục tiêu triển khai số hóa tất cả các di tích lịch sử, văn hóa còn lại trên địa bàn huyện. Huyện đoàn còn phát động phong trào “Tôi yêu quê hương tôi!”. Mỗi đoàn viên, thanh niên lựa chọn một danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, làng nghề... của địa phương nơi mình sinh sống, học tập, làm việc để viết 1 bài giới thiệu về địa điểm đó. 

Chung tay phát huy giá trị các di tích

Đến nay, các cơ sở đoàn trong tỉnh đã thực hiện số hóa 12 di tích lịch sử, văn hóa tại các địa phương. Cụ thể như, Di tích lịch sử Cây Gạo - nơi cắm lá cờ Đảng đầu tiên của Đảng bộ xã Bình Minh (Bình Sơn); Khu chứng tích Sơn Mỹ (TP.Quảng Ngãi); Đình làng An Định (Nghĩa Hành); Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại (Ba Tơ); Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường; Công trình Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ Tiểu đoàn 83 (Nghĩa Hành); Khu lưu niệm nơi làm Lễ xuất quân của Liên quân Việt - Lào...

Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ Tiểu đoàn 83 đã được Huyện đoàn Nghĩa Hành số hóa, giúp quá trình tìm hiểu di tích được dễ dàng.              Ảnh: PV
Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ Tiểu đoàn 83 đã được Huyện đoàn Nghĩa Hành số hóa, giúp quá trình tìm hiểu di tích được dễ dàng.              Ảnh: PV

Bên cạnh đó, các cơ sở đoàn còn triển khai thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa như xây dựng các ấn phẩm truyền thông hiện đại, ngắn gọn, thu hút như Infographic để giới thiệu về di tích lịch sử, di tích văn hóa; tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu truyền thống dân tộc. Đặc biệt là, triển khai các hoạt động về nguồn, hành trình đến với “địa chỉ đỏ”; tổ chức cho thanh thiếu nhi hát Quốc ca tại các di tích lịch sử; đăng tải các video clip giới thiệu về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, cách mạng, di sản văn hóa trên các mạng xã hội...

"Trong thời gian đến, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng tuyến bài thuyết minh giới thiệu các điểm di tích ở các địa phương trên địa bàn tỉnh để tích hợp thông tin địa điểm di tích trong mã QR; đồng thời, tích hợp các nội dung vào Bảo tàng số của tuổi trẻ Việt Nam", Phó Bí thư Tỉnh đoàn Trần Đăng Minh nhấn mạnh.

KIM NGÂN

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:




 

Xuất bản lúc: 16:11, 29/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.