(Báo Quảng Ngãi)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sĩ. Tình cảm của Người khắc sâu truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.
Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, để có được thắng lợi vẻ vang, các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh biết bao xương máu, mồ hôi, nước mắt... Nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh thân mình, hoặc suốt đời mang thương tật, di chứng của chiến tranh. Sự hy sinh các thương binh, liệt sĩ được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đời đời ghi nhớ công ơn.
Cách đây 76 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7 hằng năm là ngày Thương binh - Liệt sĩ, để “Tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công. Người yêu cầu phải quan tâm, báo đáp để các đối tượng chính sách “Yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động có ích cho xã hội”, với phương châm “Đồng bào sẵn sàng giúp, Chính phủ ra sức nâng đỡ, anh em có quyết tâm”.
Vào ngày 27/7 hằng năm, Bác không những gửi thư thăm hỏi mà còn phát động nhân dân quyên góp tiền, vật chất... ủng hộ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Bác đã gửi một bức thư cảm động nhân ngày Thương binh toàn quốc đầu tiên: “Ngày 27/7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh. Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng lại là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng...”. Mỗi lần đến nghĩa trang, đứng trước các ngôi mộ liệt sĩ, trước bia tưởng niệm “Tổ quốc ghi công”, Bác đều không cầm được nước mắt. Thay mặt cả dân tộc, Người bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các liệt sĩ, “Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam”.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1960), Bác kêu gọi toàn Đảng, toàn dân “Ăn quả nhớ người trồng cây”, biết ơn công lao trời biển của các liệt sĩ, biến đau thương thành hành động cách mạng. Theo Bác, người chết vì Tổ quốc, hy sinh vì đồng bào, không phải là không còn gì, mà đã biến thành sức mạnh hòa trong sức mạnh cộng đồng lớn lao hơn, mãnh liệt hơn. Và Người khuyên: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
(trích thư của Bác Hồ nhân ngày Thương binh toàn quốc đầu tiên) |
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ. Qua đó, khẳng định trách nhiệm, tình cảm sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân ta đối với những người có công với nước. Qua thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã xuất hiện nhiều mô hình, nhiều hình thức chăm sóc gia đình liệt sĩ và người có công với nước. Trong đó, tiêu biểu là phong trào xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ đang phát triển sâu sộng ở các địa phương, trở thành công việc thường xuyên của Nhà nước và toàn xã hội. Nhiều sáng kiến và hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội, của cán bộ và nhân dân... đã tạo nên sức sống mới của phong trào.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thăm, tặng quà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nga, ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ). ẢNH: XUÂN HIẾU |
Bằng những việc làm thiết thực, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa dân tộc. Phong trào này đã và đang phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều hình thức phong phú như: Áo lụa tặng bà; áo ấm tặng mẹ; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng nhà tình nghĩa; xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh nặng, cha mẹ liệt sĩ già yếu, con liệt sĩ; xây dựng nghĩa trang và đài liệt sĩ...
Các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành những hoạt động xã hội sôi nổi, thường xuyên, mang đậm giá trị nhân văn. Những việc làm đó thể hiện rõ nhất ý Đảng, lòng dân, là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy, phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát, giúp các gia đình liệt sĩ, thương binh vượt qua đau thương, vươn lên trong cuộc sống. Nhiều thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã vượt lên thương tật, hoàn cảnh khó khăn để xây dựng và phát triển kinh tế gia đình, trở thành tấm gương vượt khó giữa đời thường. Nhiều con em gia đình chính sách đã trở thành nhà quản lý giỏi, nhà khoa học ở các lĩnh vực, được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý, xứng đáng là “người công dân kiểu mẫu”, “gia đình cách mạng gương mẫu”...
Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023) là dịp để chúng ta tổ chức thăm hỏi, tặng quà, thể hiện lòng biết ơn đối với thương binh, liệt sĩ đã có những hy sinh, cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã, đang và sẽ thực hiện ngày càng tốt hơn công tác “Đền ơn đáp nghĩa”,“Tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng như Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng căn dặn.
NGUYỄN THANH HOÀNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: