Ngư dân với Tết cúng thuyền

09:01, 22/01/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Tháng Chạp về, cùng với sắm sửa lễ cúng tất niên trong nhà, các ngư dân Quảng Ngãi không quên phong tục cúng thuyền. Với họ, tàu thuyền cũng phải có “Tết”. Trước là để tạ ơn “người bạn” đồng hành trong suốt một mùa biển cũ. Sau nữa là tiếp tục cầu bình an, thuận hòa cho mùa biển mới.
Khi mặt trời chưa ló dạng, ngư dân Bùi Văn Cu ở xã Bình Châu (Bình Sơn) cùng bạn thuyền đã ăn mặc chỉnh tề, lần lượt đưa hoa, bánh cùng nhiều lễ vật khác lên thuyền để chuẩn bị nghi thức cúng thuyền.
 
Mâm lễ vật không thể thiếu gà luộc, bánh tét, bánh tráng, trái cây, rượu cùng đĩa gạo, muối, chén đũa, trầu cau, nhang đèn, vàng mã. Ngoài số lễ vật cố định thì còn có lễ vật mà thuyền trưởng đã hứa từ năm trước, có thể là heo quay hay đặc sản vùng biển... Ngư dân Bùi Văn Cu cẩn thận đặt từng món lễ vật trên chiếc bàn nhỏ được bày trước mũi thuyền, thành tâm theo hướng dẫn của thầy cúng.
 
Mâm lễ cúng thuyền đầy đủ của ngư dân Bình Châu
Mâm lễ cúng thuyền đầy đủ của ngư dân Bình Châu
 
Sau hồi tất bật, chủ thuyền này mới có chút thời gian ngơi tay để chờ tới giờ lành. “Năm nay làm ăn cũng tạm được. Không bằng những năm trước nhưng chuyến biển nào cũng có thu nhập, không nợ nần gì là thành công lớn rồi. Năm tới, tôi cầu cho làm ăn khấm khá hơn, biển thuận được mùa hơn”- Ngư dân Bùi Văn Cu bộc bạch.
 
Giờ lành vừa đến, thầy cúng một lão ngư có kinh nghiệm lâu năm trong làng chài làm chủ buổi lễ. Chủ thuyền quỳ khấn vái trước mâm lễ để cầu một năm an bình, may mắn sẽ tới với bản thân và người bạn đồng hành.
 
Sau lời khấn vái, chủ thuyền rắc gạo và muối xuống sàn thuyền, nghiên chén đổ rượu xuống nước... Khi nén nhang cháy gần hết, ngư dân rải nhang xuống nước và khấn vái cảm tạ.
 
Nghi thức cúng thuyền dịp cuối năm diễn ra nhanh chóng nhưng không kém phần trịnh trọng. Bởi theo quan niệm của các ngư dân, chiếc tàu cũng như anh em hoạn nạn có nhau. Chiếc tàu cũng là nơi bám víu cuối cùng nếu chẳng may gặp nạn, nên trong ngày tết, những chiếc thuyền cũng phải được cúng lễ đầy đủ.
 
Chủ tàu thành kính dâng hương với mong muốn cầu bình an, thuận hòa trong mùa biển mới
Chủ tàu thành kính dâng hương với mong muốn cầu bình an, thuận hòa trong mùa biển mới
 
Trước lễ cúng thuyền một ngày, các ngư dân không quên việc vệ sinh tàu thuyền và ngư lưới cụ sạch sẽ. Nhiều chủ thuyền còn đầu tư nước sơn mới để con thuyền trông đẹp đẽ hơn trong năm mới.
 
Sau lễ cúng, một nghi thức ý nghĩa không thể thiếu chính là treo lá cờ tổ quốc mới lên nóc thuyền. Sau một năm dãi dầu mưa nắng, lá cờ đỏ sao vàng luôn đồng hành trên mỗi chuyến biển dần bạc màu. Lễ cúng thuyền là dịp để ngư dân thay một chiếc cờ mới với tinh thần phấn khởi hướng về những mùa biển bội thu.
 
Ngư dân Trần Văn Nam ở xã Phổ Châu (Đức Phổ) cho hay: Tết cổ truyền thì nhà nào cũng treo cờ thì không cớ gì lại không treo cờ tổ quốc mới cho chiếc tàu của mình. Nên Tết đến, ở cửa biển Mỹ Á luôn rực rỡ cờ, hoa. Tàu thuyền cũng cùng ăn Tết với các ngư dân trên bờ.
 
Theo các ngư dân, Tết thuyền có từ lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngư dân đi biển luôn bị rình rập bởi những hiểm nguy khó lường ngoài khơi xa. Với tâm ý phòng tránh điều rủi ro, những người gắn với nghiệp biển tin rằng sau một năm đánh bắt, các chủ tàu cần phải làm lễ cúng thuyền nhằm tạ ơn người bạn là con thuyền, con tàu đã gắn bó suốt cả năm. Có như vậy, con tàu mới bảo vệ ngư dân tránh sóng to, gió lớn.
 
Thay lá cờ mới để tàu thuyền đón Tết cổ truyền cùng ngư dân
Thay lá cờ mới để tàu thuyền đón Tết cổ truyền cùng ngư dân
 
Thầy cúng Bùi Thơ ở xã Bình Châu (Bình Sơn) chia sẻ: Tết thuyền là lòng thành của người đi biển với chiếc tàu và biển mẹ. Dù trong ngày tết, chúng tôi được quây quần bên gia đình trên đất liền, thì chúng tôi không thể quên người bạn đồng hành, giúp cuộc sống chúng tôi đầy đủ no ấm hơn. Cúng thuyền trước là cảm tạ thần thuyền, tiếp nữa là cầu bình an cho những chuyến biển sắp tới
 
Sau khi cúng ở thuyền xong, chủ thuyền sẽ cùng bạn thuyền trở về nhà để tổ chức liên hoan tất niên. Đây cũng là dịp để gắn kết tất cả các anh em trong tàu và các tàu khác với nhau, bàn với nhau những công việc sắp tới, anh em trên thuyền đưa ra những đề xuất, giải pháp mới để cùng nhau trao đổi nhằm giúp tàu, thuyền làm ăn ngày một tốt hơn trong năm tới.
 
Gắn với Tết thuyền, không thể thiếu phong tục cúng trong miếu thờ Cá Ông. Tại đây, tất cả các gia đình ngư phủ đều có người đại diện tham gia. Mỗi người, mỗi việc, mỗi đóng góp để lễ cúng trong Vạn biển lúc nào cũng đầy ắp các lễ vật và sự thành tâm cầu khấn một năm mới được mùa biển của các ngư dân.
 
Trải qua thăng trầm của thời gian, với bao bộn bề cuộc sống, ngư dân Quảng Ngãi không năm nào không thực hiện nghi thức Tết thuyền. Với họ, cái tết nghèo khó hay đầy đủ đều phụ thuộc vào con tàu. Người dân biển ăn tết chủ yếu để có thời gian bên gia đình sau những ngày dài tháng rộng vươn khơi. Chính vì thế, cái Tết của ngư dân chỉ vỏn vẹn vài ngày. Để đến mùng 2, mùng 3 Tết, các làng biển lại rộn ràng cúng đầu năm để mở cửa biển, vươn khơi hái lộc thiên nhiên.
 
Bài, ảnh: Khả Nhiên

 


.