(Báo Quảng Ngãi)- Điện lưới quốc gia vượt biển ra đảo Lý Sơn đến nay đã gần 8 năm. Điện về, đảo xa bừng sáng, cuộc sống người dân có nhiều đổi thay. Bất kể ngày đêm, mưa gió, luôn có những "người lính áo cam" giữ cho nguồn điện sáng mãi trên đảo tiền tiêu...
[links()]
Đảo sáng quanh năm
Một ngày giữa tháng Năm, nắng như đổ lửa. Dưới tán bàng vuông, trong khuôn viên của Nhà máy điện diesel cũ kỹ, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với những công nhân trẻ ngành điện trên đảo Lý Sơn. Áo đẫm mồ hôi, giọng nói mặn mòi vị biển, Đội phó Đội Quản lý lưới điện, Điện lực Lý Sơn Nguyễn Văn Dũng bảo, tụi em mới đi hiện trường vệ sinh lưới điện về. Ở đảo, độ mặn ăn mòn thiết bị dữ lắm, nếu không vệ sinh kịp thời sẽ gây phóng điện, dẫn đến sự cố mất điện. Bà con ở đây quen với cuộc sống có điện rồi, mất điện một lúc là gọi điện thoại đến bộ phận trực liên tục.
Ở hòn đảo giữa biển khơi quanh năm sóng gió, mỗi năm dường như chỉ có mùa nắng và mùa mưa. Mùa nắng, những công nhân mặc áo cam phải căng mình dưới cái nắng như thiêu, như đốt để kiểm tra, vận hành lưới điện. Còn những ngày mưa bão, các anh phải trực chiến ngày đêm, sẵn sàng ứng phó, xử lý sự cố, giữ cho dòng điện luôn thông suốt. Anh Mai Văn Thành, nhân viên Đội Quản lý lưới điện kể lại những ngày ứng phó với cơn bão lớn vào cuối năm 2020. “Đó là những ngày anh em không rời nhiệm vụ, trực 100% thời gian ở đơn vị. Bão quét qua, rất nhiều cây cối ngã vào đường dây, trụ điện nghiêng ngả. Ngay khi trời lặng gió, anh em ra hiện trường, khảo sát, đưa ra phương án khắc phục. Hai ngày miệt mài xử lý, toàn đảo đã có điện trở lại. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Điện lực Lý Sơn, bởi ở đất liền, nhiều vùng phải sau 5 - 7 ngày mới có điện trở lại”, anh Thành cho hay.
|
Bắn nhiệt độ kiểm tra mối nối tiếp xúc để phát hiện nguy cơ sự cố trên lưới điện ở đảo Lý Sơn. Ảnh: T.N |
Việc khắc phục sự cố nhanh một phần nhờ lưới điện còn mới, hiện đại, hành lang tuyến an toàn. Thêm vào đó, tất cả cán bộ, nhân viên của đội đều là người ở đảo nên thuộc lòng vị trí, tính chất của đường dây, trạm biến áp, vì thế việc tiếp cận hiện trường và thao tác xử lý sự cố rất nhanh. Hiện tại, trong số 29 cán bộ, nhân viên của Điện lực Lý Sơn chỉ có duy nhất giám đốc là người quê ở đất liền.
Hiện nay, tại đảo Lớn ở Lý Sơn có 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Còn đảo Bé (An Bình) hiện đang sử dụng điện hỗn hợp giữa nguồn diesel và năng lượng mặt trời. Dù nguồn điện khác nhau, nhưng giữa trùng khơi, Lý Sơn vẫn quanh năm điện sáng, ngay cả những khi thời tiết khắc nghiệt, giúp cho đảo với đất liền như gần lại hơn; cuộc sống của người dân ngày càng thay đổi, văn minh, hiện đại...
Gặp lại các cán bộ, nhân viên công tác tại Điện lực Lý Sơn sau 8 năm điện quốc gia về đảo, ký ức về những ngày kéo cáp ngầm vượt biển vẫn vẹn nguyên trong tâm trí mình. Với họ, đó là niềm vui lớn lao và là niềm tự hào mà trong đời người công nhân ngành điện được cống hiến cho quê hương của Đội hùng binh Hoàng Sa. Trong nhật ký đời thợ, những mốc thời gian quan trọng của dự án ý nghĩa này đã được ghi lại, nhắc nhớ cho mãi đến mai sau: "Ngày 14/10/2013: Bộ Công thương chính thức ban hành quyết định phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng công trình Cấp điện từ hệ thống điện lưới quốc gia cho huyện Lý Sơn bằng cáp ngầm.... Ngày 1/4/2014 chính thức khởi công những hạng mục đầu tiên của dự án... Vào lúc 8 giờ ngày 26/8/2014 những mét cáp đầu tiên chính thức được rải xuống biển... 16 giờ ngày 8/9/2014, cáp đã được kéo vào đảo Lý Sơn... 9 giờ 30 ngày 15/9/2014, tuyến cáp ngầm 22kV xuyên biển được đóng điện kỹ thuật thành công. Ngày 28/9/2014, dự án được khánh thành, cấp điện quốc gia cho toàn bộ người dân trên đảo".
Làm chủ lưới điện
“Điện về với đảo Lý Sơn, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao; quốc phòng - an ninh trên đảo được đảm bảo. Nhìn lại quá trình gần 30 năm thành lập huyện đảo sẽ thấy được những gian nan của công tác quản lý, vận hành lưới điện. Từ thời "điện diesel", cho đến khi có điện lưới quốc gia, những người thợ điện nơi đây đã có bước chuyển trong nghề rất mạnh mẽ, nỗ lực vượt bậc để hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ nguồn điện sáng cho đảo tiền tiêu Lý Sơn".
Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi
LÊ HOÀNG ANH DŨNG
|
Ngày mới thành lập huyện Lý Sơn, điện ở đảo chỉ là nguồn điện từ những chiếc máy nổ chạy bằng dầu, do tư nhân tự trang bị để phục vụ nhu cầu gia đình. Đến năm 1997, công trình điện đầu tiên tại huyện Lý Sơn được UBND tỉnh đầu tư xây dựng bằng ngân sách. Ngày 1/1/2002, Điện lực Quảng Ngãi (nay là Công ty Điện lực Quảng Ngãi) tiếp nhận và quản lý vận hành toàn bộ hệ thống điện trên đảo. Theo từng năm, công ty đã bổ sung máy phát điện, đến giữa năm 2013, Nhà máy điện Lý Sơn được nâng công suất. Song toàn đảo vẫn phải chia làm 2 vùng An Hải và An Vĩnh để luân phiên cấp điện "đêm có, đêm không". Tức là chỉ cấp điện vào ban đêm và khi An Hải có điện thì An Vĩnh phải cúp điện và ngược lại.
Cuối năm 2013, dự án Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện Lý Sơn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện, với tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng. Cuối tháng 9/2014, dự án hoàn thành đưa vào vận hành. Quy mô lưới điện Lý Sơn, gồm 27km cáp ngầm xuyên biển, 14km đường dây trung áp, 32km đường dây hạ áp và 34 trạm biến áp trên đảo. Hiện tại, 100% hộ dân Lý Sơn được cấp điện liên tục 24/24 giờ, chất lượng ổn định, giá bằng với giá điện ở đất liền.
Chuyện vận hành lưới điện được chuyển từ diesel sang điện lưới quốc gia đảm bảo an toàn, liên tục là một sự nỗ lực lớn của mỗi người thợ điện nơi đây. Trong thời gian thi công kéo cáp ngầm xuyên biển, toàn bộ Đội quản lý lưới điện được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng để vận hành lưới điện hiện đại, tiên tiến. "Mình phải học để nắm bắt quy trình vận hành, làm chủ lưới điện thông minh. Khi cáp vừa lên bờ, đóng điện kỹ thuật là tụi mình vận hành trơn tru từ đó đến giờ", Đội Phó Đội quản lý lưới điện Điện lực Lý Sơn Nguyễn Văn Dũng cho biết.
Anh Nguyễn Văn Dũng, người đã có 14 năm công tác tại Điện lực Lý Sơn cho biết, trước khi điện lưới quốc gia về, tôi đã có 5 năm làm công tác vận hành lưới điện diesel. Thời ấy, hằng ngày chỉ thao tác hòa lưới, đóng điện theo khung giờ quy định, rồi đến định kỳ hằng tháng đi đến từng nhà, leo lên từng công tơ ghi chỉ số điện năng. Còn từ ngày có điện lưới quốc gia, những thao tác thủ công đã được xóa bỏ, lưới điện vận hành theo phương thức mới, việc ghi chỉ số công tơ chỉ cần đứng dưới mặt đất, bấm máy, không phải leo lên trụ như trước. Công tác phát hiện nguy cơ sự cố cũng sử dụng máy móc. Thao tác thì giảm bớt, nhưng yêu cầu về năng lực người thợ lại cao hơn nhiều, để đáp ứng yêu cầu vận hành, quản lý lưới điện hiện đại. Đặc biệt là công tác bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh trạm biến áp, thiết bị cấp điện phải thường xuyên, liên tục, gấp hàng chục lần so với trước đây và so với các vùng miền khác.
Dẫu có khó nhọc đến mấy thì niềm vui có điện quốc gia trên đảo đã thôi thúc cán bộ, nhân viên Điện lực Lý Sơn vượt mọi thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Điện quốc gia về, trong nhà, ngoài đường và ngay cả trên những cánh đồng hành, tỏi đêm đêm tỏa sáng, xóa đi cái tĩnh mịch bủa vây xứ đảo suốt một thời gian dài. Có điện, ngoài đồng chẳng mấy khi thấy nông dân nhưng máy tưới phun sử dụng điện vẫn tự động vận hành. Những vuông tỏi, ruộng hành cứ ngời xanh dưới cái nắng biển oi bức. Tiếng máy móc đóng tàu ầm vang cả một vùng biển. Những nhà hàng, khách sạn đầy đủ tiện nghi đã giữ chân du khách. Đảo xa đã được kéo lại gần bờ...
THANH NHỊ