An vui đã về Mô Níc

10:05, 02/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Rừng già vẫn xanh thẳm. Dòng sông Xà Lò nước vẫn xuôi về phía hạ nguồn. Người dân đoàn kết thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới... Điều này cho thấy sự đồng lòng của người dân ở vùng căn cứ cách mạng Mô Níc, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) trong việc chung tay xây dựng quê hương.
 
 
Bừng sáng một góc trời
 
Chúng tôi về Mô Níc khi trời đã ngả sang chiều. Người dân trong làng đi rẫy, bảo vệ rừng trở về làng sau một ngày băng đồi, lội suối. Đây là lần thứ 4 tôi về Mô Níc, ngôi làng với 83 hộ đồng bào Hrê nằm dưới chân rừng già, giáp với xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Già làng Đinh Văn Xộp trước là một người đàn ông to khỏe, chân đi như gió, vai khỏe tựa xe thồ, nay đã là người có tuổi trong làng với mái tóc bạc phơ, nhưng ánh mắt vẫn còn sáng lắm. Già Xộp nhận ra tôi, cười bảo: Lại về làng à? Thấy làng có khác xưa không?. Tôi chưa kịp trả lời, thì già Xộp nói tiếp, ở làng mình nay có điện thắp sáng rồi. Đêm nay ở lại uống rượu cần, ăn cơm lúa mới dưới ánh điện sáng như ban ngày chứ không leo lét đèn dầu nữa đâu.
 
Một góc khu dân cư Mô Níc, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) hôm nay.                     Ảnh: Thanh Nhị
Một góc khu dân cư Mô Níc, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) hôm nay. Ảnh: Thanh Nhị
Nói rồi, già Xộp dẫn tôi đi một vòng, "khoe" 3 cái máy xay xát chạy bằng điện đặt giữa làng, rồi ghé vào những ngôi nhà sàn, hỏi thăm, cười nói và bảo bọn trẻ "mở cái tivi, cái máy nhạc lên đi". Già Xộp bảo với tôi, cả làng nhà ai cũng có điện, kể cả ở khu Nước Ruộng cuối làng. Người dân xem tivi biết được cách phòng, chống dịch Covid-19; biết cách nuôi trâu, bò; nghe dự báo thời tiết. Những ngày chưa có điện, không có tivi thì khó mà biết trước được mấy thông tin đó...
 
Câu chuyện kéo điện về làng được người dân trong làng nhắc mãi. Đó là vào năm 2016, khi triển khai thực hiện dự án thủy điện Sơn Trà 1, cách làng 4km, chủ đầu tư hạ trạm, kéo dây thi công, kéo điện về cho dân làng. Khi ấy, làng chỉ có khoảng 40 hộ, sống rải rác bên triền suối, trên sườn đồi, nên nhà có điện, nhà không. 
 
Ánh sáng điện là niềm khát khao lớn lao, nhiều người dân từ triền suối, sườn đồi đã di dời về khu tái định cư, dựng nhà, sống tập trung, để có... điện sáng! Sau đó, công trình tiếp tục được đầu tư mở rộng, nâng công suất, để đảm bảo cấp điện cho 100% hộ dân của làng Mô Níc. "Nếu so sánh với các vùng dân cư xa xôi khác thì làng Mô Níc của mình có điện sớm hơn. Điện về, cuộc sống vui, dân làng có điều kiện mua phương tiện nghe nhìn, đầu tư máy xay xát làm dịch vụ. Khi làng có việc họp dân thì mình găm mi - cờ - rô vào phát đi thông báo cho cả làng biết, không phải đến từng nhà để truyền tai như trước đây nữa", Trưởng thôn Mô Níc Đinh Văn Troái cho biết.
 
Không còn lo thiếu đói mùa giáp hạt
 
“Cuộc sống của người dân vùng căn cứ cách mạng Mô Níc đang từng bước được cải thiện. Huyện sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng, nhất là đường giao thông từ trung tâm xã Sơn Kỳ về Mô Níc. Từ đó làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, gắn với bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn".
Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà
ĐINH THỊ TRÀ

Lần đầu tiên chúng tôi về Mô Níc vào năm 2010. Cảm giác thích thú bởi cảnh sắc tuyệt đẹp, núi rừng hoang sơ, sông suối mát rượi. Tuy vậy, điều khiến chúng tôi trăn trở là cuộc sống thiếu ổn định của người dân nơi đây. Khi ấy, cả làng chỉ có mấy mảnh ruộng; chăn nuôi, nghề phụ gần như không có. Người dân chỉ sống dựa vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ nghèo và đi làm thuê. Người dân làng Mô Níc ngày ấy luôn phải đối diện với tình trạng thiếu ăn, nhất là thời điểm "mùa giáp hạt"...

 
Lần này về Mô Níc, chúng tôi thấy đã khác xưa rất nhiều. Đường bê tông thay cho đường mòn, có cây cầu đẹp bắc qua suối để đi về làng bằng xe máy. Những ngôi nhà chênh vênh trên sườn đồi nay đã không còn nữa. Họ đã về khu tái định cư Nước Ruộng, được huyện Sơn Hà xây dựng từ ngân sách với tổng kinh phí hơn 6,5 tỷ đồng. Khoảng 50 hộ đồng bào Hrê ở vùng núi cao có nguy cơ sạt lở, không có nước sinh hoạt, không có điện quốc gia về đây ổn định cuộc sống. Người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, được sử dụng nước sạch. Phía trước làng tái định cư là trung tâm của Mô Níc, với trường học, nhà văn hóa thôn được xây mới kiên cố. Học sinh không phải băng đồi, lội suối đến trường; chuyện họp hành, sinh hoạt cộng đồng của người dân cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều.
 
Việc chăn nuôi, trồng lúa, trồng keo, mì của người dân làng Mô Níc cũng hiệu quả hơn, nhờ được chính quyền tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật. Giờ cả làng đã có gần 100 con trâu, bò; keo, mì phủ xanh những quả đồi trọc. Ruộng bậc thang được khai hoang mở rộng tại những vùng gần sông, suối để thuận lợi tưới tiêu. Việc canh tác lúa theo phương thức mới từ khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Làng đã dần tiến đến "đảm bảo an ninh lương thực" quanh năm. Những lúc giáp hạt, gặp thiên tai, dịch bệnh, người dân được chính quyền kịp thời quan tâm cấp gạo, nhu yếu phẩm, đảm bảo cuộc sống...
 
Giữ rừng để phát triển bền vững
 
Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Sơn Hà, từ nay đến năm 2025, huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng mới một số đoạn, tuyến giao thông, trong đó có cầu, cống vững chãi chạy dài từ trung tâm xã Sơn Kỳ về làng Mô Níc. "Tổng nguồn vốn tương đối lớn, nhưng phải quyết tâm thực hiện để có thể đưa Mô Níc đi lên, từng bước cải thiện đời sống người dân vùng căn cứ cách mạng này", Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho biết.
 
Công ty CP 30/4 Quảng Ngãi tặng quà cho người dân ở làng Mô Níc, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà).       ẢNH: TH.NHỊ
Công ty CP 30/4 Quảng Ngãi tặng quà cho người dân ở làng Mô Níc, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà). ẢNH: TH.NHỊ
Năm 2021, bằng ngân sách địa phương, huyện Sơn Hà đã đầu tư xây dựng cầu Mô Níc, với chiều dài 36m, rộng 5m, kết cấu bê tông cốt thép, tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng, để từng bước hoàn thiện kế hoạch nói trên. Nhân dịp kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng huyện Sơn Hà (17/3/1975 - 17/3/2022), huyện Sơn Hà đã đưa cầu Mô Níc vào sử dụng. Niềm vui có một cây cầu vững chãi lan tỏa đến từng nhà, bởi họ mong có được cây cầu để không phải thấp thỏm mỗi khi mùa mưa đến, nước suối dâng cao, gây chia cắt, cô lập.
 
Ở Mô Níc, việc phát triển kinh tế được chính quyền xác định là trồng trọt, chăn nuôi, ổn định cuộc sống, đồng thời phát huy sức mạnh nhân dân trong giữ rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ "lá phổi xanh của cuộc sống". Tất cả 83 hộ dân ở làng Mô Níc đều là thành viên của tổ giữ rừng, chia làm 4 tổ. Cứ 5 ngày tuần tra rừng một lần, phát hiện, ngăn chặn không cho phá rừng làm rẫy, chặt cây lấy gỗ. Khi có người lạ vào làng, vào rừng là dân làng báo ngay cho chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn nguy cơ phá rừng. Giữ rừng tích cực, nhiều người dân ở Mô Níc đã được các cấp, các ngành tặng giấy khen. Năm xưa, người dân ở làng Mô Níc kiên trung với cách mạng, góp sức giữ làng. Ngày nay, người dân đoàn kết gìn giữ màu xanh của rừng, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.
 
THANH NHỊ
 

.