Làng giữa đại ngàn

11:04, 08/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngược lên thượng nguồn sông Phước Giang, từ thác Trắng, xã Thanh An (Minh Long), chúng tôi đi bộ băng rừng, lội suối gần một giờ đồng hồ thì bắt gặp một thảo nguyên xanh nằm lọt thỏm giữa rừng phòng hộ. Ở đây có 4 gia đình sống giữa đại ngàn mát rượi; không khí trong lành.
 
[links()]
Thảo nguyên xanh giữa đại ngàn  
 
Sau mấy ngày về thăm nhà, già Đinh Văn Rơn (65 tuổi), người dân tộc Hrê, từ làng Dép, xã Thanh An ngược lên thung lũng Ruộng Đò. Đoàn chúng tôi có 5 anh em theo chân già Rơn lên núi. Già Rơn cười hiền bảo, liệu có đi nổi không? Nói rồi, ông dẫn chúng tôi ngược dòng thác Trắng lên nguồn.
 
Bình yên giữa thung lũng Ruộng Đò, xã Thanh An (Minh Long).             Ảnh: P.A
Bình yên giữa thung lũng Ruộng Đò, xã Thanh An (Minh Long). Ảnh: P.A

 

Càng lên cao càng nhiều dốc đứng, càng nhiều đá và càng in đậm màu xanh thăm thẳm của núi rừng. Xa gần, hoa lá chen nhau. Nơi điểm xuyết màu đỏ, khoảnh thì màu vàng đẹp tuyệt. Tất cả đung đưa theo làn gió nhẹ giữa khung trời sương trong khói biếc bạt ngàn. Mùa xuân, đại ngàn muôn phần biêng biếc, thế mới hiểu thế nào là xanh rợn chân trời. Trên đỉnh dốc thác đầu tiên của thác Trắng, dòng nước từ trên cao đổ xuống, ào ạt trên đá, trên cây, trên lá, tạo nên các tia nước lung linh, phả vào mặt mát rượi, làm dịu đi cái nóng với mồ hôi chảy khắp người. 

 
Băng qua chiếc cầu làm bằng một thanh gỗ bắc giữa hai tảng đá, chúng tôi tiếp tục men theo bờ suối thơ mộng gập ghềnh, đi chừng vài cây số, ra khỏi tầng lá rừng thâm u thì phía trước bỗng nhiên bừng sáng. Thì ra đó là thung lũng giữa rừng phòng hộ, là cánh đồng cỏ mênh mông. Giữa rừng phòng hộ hiện ra một tuyệt tác đẹp như tranh vẽ. Chúng tôi ngỡ ngàng, ngắm mãi cảnh đẹp giữa đại ngàn. Một bên là suối reo, phía trên là đồng cỏ xanh thẳm. Ven suối, đàn trâu đang nhởn nhơ trong ao nước nhỏ. Xa xa trên đồng cỏ là những mái nhà sàn lợp bằng cỏ tranh. Bên bờ suối, những cây quýt cao hiếm có, trái đang chín vàng. Thân cây quýt cả người ôm, tán cây 5 người nắm tay giăng ngang cũng không hết. Thật khó tin trên đầu nguồn thác Trắng lại có thảo nguyên xanh, có ngôi làng với quang cảnh thanh bình đến vậy. "Đây là làng Ruộng Đò", già Rơn nói với niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt. 
 
Làng "4 hộ"
 
Giữa trưa, Ruộng Đò vẫn mát lạnh. Chúng tôi cởi áo khoác chừng 5 phút đã thấy gió lành lạnh. Ngồi trong ngôi nhà sàn của vợ chồng già Rơn, chúng tôi nghe ông kể về cuộc sống của ông ở đây đã mấy mươi năm. Già Rơn nói, Ruộng Đò là căn cứ của tỉnh và Huyện ủy Nghĩa Hành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày trước, ngay tại thung lũng tươi đẹp này, bộ đội cũng làm ruộng, tăng gia sản xuất. Sau giải phóng năm 1975, nơi này vắng vẻ, rừng rậm suối reo, có cả hổ vằn về ở vài ba con. Ở làng Dép, xã Thanh An không có nơi chăn thả trâu nên tôi mới đưa đàn trâu lên đây, rồi ở luôn trên này. 
 
Con suối uốn lượn trên đầu nguồn thác Trắng. Ảnh: P.A
Con suối uốn lượn trên đầu nguồn thác Trắng. Ảnh: P.A
Mỗi năm, khi thò chân xuống suối nghe lạnh cóng, già Rơn lại dẫn trâu về làng Dép chừng một tháng. Đến tháng 11 âm lịch, trời đỡ mưa, thời tiết ấm dần, ông lại dẫn trâu lên Ruộng Đò. Thấm thoắt đã mười mấy năm quen cuộc sống giữa thung lũng rừng phòng hộ, bây giờ già Rơn thích ở đây hơn về làng. Sau già Rơn, Ruộng Đò có thêm 3 cặp vợ chồng đến ở, trẻ nhất cũng đã 50 tuổi, già Rơn lớn tuổi nhất. "Mỗi năm chúng tôi về làng Dép một vài lần vào mùa vụ và tết Nguyên đán... 
 
Về lại cõng gạo, muối và cá biển lên ăn", già Rơn nói. Ông chỉ tay ra suối và phía rừng xanh bảo, rau, ốc, cá... nhiều lắm, chỉ cần đi mấy chục phút là có ăn cả ngày. "Nói là chăn trâu, thực ra không có chăn dắt gì. Sáng trâu từ trong chuồng tự bước ra đồng cỏ. Ăn no bụng tối chúng nó lại về chuồng. Mình chỉ ở nhà sàn, buồn thì đi lội suối bắt cá, bắt ốc, hái rau về ăn thôi. Tới mùa, còn đi với lũ trẻ dưới làng vào rừng tìm mật ong, bẻ măng rừng", già Rơn kể. Già Rơn tiếp tục câu chuyện, hồi tôi còn khỏe thì nuôi hơn chục con trâu, nay chỉ nuôi từ 5- 7 con trâu. "Mỗi năm bán 1 con, nhỏ thì giá tầm 25 - 30 triệu đồng, còn lớn là 40 triệu đồng. Ngày trước, có năm bán 3 con trâu, thu nhập cũng khá", già Rơn chia sẻ.
 
Đến nhà sàn của ông Đinh Trới (63 tuổi), chúng tôi ngồi bên bếp lửa ấm nghe ông kể chuyện. Vợ chồng ông Trới là người thứ 2, sau già Rơn, về sống ở Ruộng Đò. Vài năm nay, ông Trới không chăn trâu nhiều, chỉ duy trì 7 - 10 con. "Ngoài chăn trâu, 4 hộ dân ở đây còn khai thác tre, nứa trong rừng về đan rổ, rá, gùi... để bán cho người dưới xuôi, mỗi năm kiếm thêm vài chục triệu đồng, dù không giàu nhưng cũng có chút đỉnh để dành. Sống ở đây thích nhất là không khí mát mẻ, trong lành", ông Trới bộc bạch.  
 
Rừng chè trăm tuổi 
 
Hôm ở Ruộng Đò, chúng tôi theo chân già Rơn và ông Trới đi ngược lên đỉnh thác Trắng. Có lúc đi men theo suối, nhưng có đoạn phải xuyên qua rừng già. Càng lên cao đại ngàn càng hùng vĩ. Có khu rừng, cây to phải ba, bốn người ôm không hết. Dưới thảm thực vật rừng có vô số cây dược liệu. Ngồi trên đỉnh đầu nguồn thác Trắng, già Rơn bảo, chúng tôi ở đây không bao giờ chặt phá rừng, vì làm như vậy chẳng khác nào tự đuổi mình ra khỏi cái chốn xinh đẹp, bình yên này. "Hồi xưa lên đây sợ lắm vì cọp, beo còn nhiều, lúc nào tôi cũng phải thủ sẵn dao, rựa bên mình để đề phòng, nhất là khi một mình vào rừng", ông Trới nói thêm. 
 
Già làng Đinh Văn Rơn bên rừng chè xanh nhiều năm tuổi. Ảnh: P.A
Già làng Đinh Văn Rơn bên rừng chè xanh nhiều năm tuổi. Ảnh: P.A
Ở những ngọn đồi lúp xúp phía sau, cơ man là chè. Rừng chè già có thân cây to bằng bắp chân, cũng có nhiều cây chừng vài ba năm tuổi, tất cả đều xanh mơn mởn. Già Rơn bảo, chè này không biết ai trồng, khoảng chừng trăm năm tuổi. Theo thời gian, cây lớn rụng trái, chè con mọc lên, cứ thế rừng chè ngày một phát triển. Bây giờ chè có ở khắp nơi trong rừng, có cây cao 4 - 5m, phải trèo lên mới hái được lá. “Chè ở đây có hương vị đặc trưng, được nhiều người ưa chuộng nên thi thoảng có thương lái lên đây thu mua. Mỗi năm, vợ chồng tôi thu được khoảng 20 -  30 triệu đồng từ nguồn bán chè xanh" ông Trới phấn khởi cho hay. 
 
Phó Chánh Thanh tra huyện Đinh Ê Hoàng ( nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh An) cho biết, những người chăn trâu trên thung lũng Ruộng Đò không ai phá rừng phòng hộ đầu nguồn. Họ ý thức rất cao trách nhiệm giữ rừng. Trong tương lai, thung lũng Ruộng Đò sẽ là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch, nhất là dịch vụ du lịch homestay. Chia tay Ruộng Đò, chúng tôi trở về đồng bằng mang theo cảm giác thích thú với không khí trong lành, bình yên giữa đại ngàn và cả nụ cười hiền hậu, chân chất của đồng bào Hrê nơi thung lũng xanh!r
 
PHẠM ANH
 
 

.