(Báo Quảng Ngãi)- "Làm sao để hương vị đậm đà của nước mắm truyền thống quê hương lan tỏa?". Với trăn trở đó, Tiến sĩ Trần Anh Vỹ (1987), quê xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), đã mang công trình nghiên cứu hơn 3 năm tại Hàn Quốc về quê áp dụng làm nước mắm theo phương thức truyền thống.
Tiến sĩ Trần Anh Vỹ đã miệt mài nghiên cứu, tối ưu hóa quá trình phát triển nước mắm truyền thống mang thương hiệu "GABA Sơn Mỹ" và nước mắm chuyên dùng cho trẻ em. Các sản phẩm này góp phần giữ gìn hương vị của nước mắm tự nhiên, vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Biến trăn trở thành hiện thực
Vừa đến cơ sở sản xuất nước mắm của anh Trần Anh Vỹ, ở thôn Trường Định, mùi nước mắm thơm nồng quyện trong gió biển mát dịu, khiến tôi như "say" trong hương vị của nước mắm truyền thống.
Tiến sĩ Trần Anh Vỹ kiểm tra chất lượng sản phẩm nước mắm GABA. Ảnh: KN |
Đưa mắt về những thùng mắm đang được chiết ra những giọt vàng óng ánh, anh Vỹ kể hành trình về quê gắn bó với hương vị mặn mòi của mắm quê hương... Sau khi có bằng thạc sĩ tại Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, anh Vỹ tiếp tục du học tại Hàn Quốc và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Gachon, sau đó được giữ lại trường làm việc. Anh tập trung nghiên cứu lĩnh vực ứng dụng vật liệu nano trong sinh học và xúc tác, để phát triển các loại thuốc thông minh điều trị bệnh ung thư và vắc xin thế hệ mới...
Với chuyên môn hóa - sinh, dù làm việc ở nước ngoài, nhưng anh Vỹ luôn trăn trở về việc ứng dụng các nghiên cứu khoa học để phát triển sản phẩm nước mắm truyền thống tại quê nhà. Vị mắm đã thấm vào máu thịt, vào giấc ngủ và nỗi trăn trở của anh hằng đêm. Để rồi, anh quyết định tạm gác công việc ở xứ Hàn với mức lương khá cao để về quê, chuyển những ý tưởng, những trăn trở thành hiện thực.
Với anh, khởi nghiệp không cần đi đâu xa, mà có thể lựa chọn tại chính quê hương mình để phát triển những sản phẩm mà ông cha đã dày công gây dựng. "Tôi luôn mong muốn sử dụng những kiến thức, mang những nghiên cứu khoa học, công nghệ hiện đại để phát triển nghề làm mắm truyền thống của quê mình, cũng như đóng góp cho cộng đồng những sản phẩm chất lượng, an toàn", Vỹ nói. Từ sản phẩm nước mắm truyền thống của gia đình, anh Vỹ tiếp tục ứng dụng công nghệ vào sản xuất nước mắm nhĩ nguyên chất chiết xuất theo phương pháp ủ chượp từ nhiều loại cá cơm. Từ đó, cho ra đời dòng nước mắm mang thương hiệu “Sơn Mỹ” có độ đạm cao, chất lượng hơn.
Dòng sản phẩm mới
“Khởi nghiệp không cần đi đâu xa, mà có thể lựa chọn tại chính quê hương mình để phát triển những sản phẩm mà ông cha đã dày công gầy dựng. Nước mắm nhãn hiệu Sơn Mỹ đã đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2016, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021. Riêng nước mắm GABA Sơn Mỹ đã lọt vào vòng bán kết Chương trình Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2021 và vào chung kết Chương trình Sao Kim - Techfest miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại Huế năm 2021”.
Tiến sĩ
TRẦN ANH VỸ
|
Sau hơn 3 năm ứng dụng công trình nghiên cứu vào quá trình sản xuất nước mắm, Tiến sĩ Trần Anh Vỹ đã cho ra đời dòng sản phẩm mang tên GABA. Đây là sự kết hợp giữa sản xuất nước mắm truyền thống và quá trình lên men tự nhiên để tạo ra vi chất từ axit amin của thịt cá nhằm bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho người tiêu dùng.
Anh Vỹ giải thích, kết hợp giữa nước mắm truyền thống và nước mắm chữa bệnh là dòng sản phẩm nghiên cứu đầu tiên của tôi tại thị trường Việt Nam. GABA có tên khoa học là Gamma Aminobutyric acid, có tác dụng đảm bảo duy trì sự hoạt động bình thường của não bộ, đặc biệt là các no ron thần kinh, kiểm soát bài tiết hoc - mon, ngăn ngừa béo phì. Ngoài ra, GABA giúp giảm căng thẳng. Khâu quan trọng nhất làm ra sản phẩm mới này là bổ sung lợi khuẩn trong môi trường mặn để tạo ra enzym và decarboxylase glutamate, chuyển hóa glutamate thành GABA trong nước mắm.
Ngoài ra, anh Vỹ cũng đã nghiên cứu và cho ra sản phẩm nước mắm dành cho trẻ em với công dụng bổ sung vitamin B3, vi lượng thiết yếu, axít amin, sắt, canxi. Đây là dòng nước mắm phù hợp với sức khỏe, thể trạng của trẻ em. Sản phẩm không chỉ đơn thuần là nước chấm trong bữa ăn của trẻ, mà còn góp phần bổ sung dưỡng chất để trẻ hấp thu tốt chất dinh dưỡng.
Các sản phẩm nước mắm do Tiến sĩ Trần Anh Vỹ nghiên cứu, sản xuất đều cam kết đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Ảnh: KN |
Những ngày cuối năm, chàng tiến sĩ trẻ tuổi này lại tất bật với các đơn đặt hàng Tết từ các địa phương. Anh Vỹ cho biết, thời gian đến sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, nâng tầm quy mô sản xuất để tăng sản lượng từ 12 nghìn lên 30 nghìn lít/năm; tiếp tục mở rộng thị trường tại Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
“Tiêu dùng những sản phẩm hữu cơ và an toàn cho sức khỏe là xu hướng hiện nay. Người tiêu dùng luôn yêu thích và tin dùng nước mắm truyền thống. Đây là cơ hội để những người sản xuất nước mắm sạch sống được với nghề, đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy, giá trị của sản phẩm truyền thống", anh Vỹ chia sẻ.
Người dân ở làng biển Tịnh Khê phấn khởi vì nghề làm nước mắm truyền thống của địa phương đã có hướng đi mới. Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Võ Minh Chính bảo rằng, xã Tịnh Khê lâu nay nổi tiếng với nghề làm nước mắm truyền thống, nhưng nhiều cơ sở gặp khó trước sự cạnh tranh trên thị trường. Cơ sở nước mắm của anh Trần Anh Vỹ đã tiên phong ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đây là tín hiệu vui đối với nghề truyền thống ở địa phương.
KIM NGÂN