Trở về sau nửa thế kỷ

05:01, 05/01/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ông tham gia bộ đội rồi bị địch bắt, tra tấn dã man. Đến khi thoát được ra ngoài thì sức khỏe suy sụp, mất trí nhớ, nên không biết đâu là quê hương để trở về, phải lang bạt khắp nơi. Chiến tranh kết thúc, gia đình nhận được giấy báo tử và công nhận là liệt sĩ từ năm 1969. Nhưng rồi, người lính được công nhận là liệt sĩ ấy nay lại bất ngờ trở về...


Đó là câu chuyện cảm động về liệt sĩ Phan Long Nghê (1946), quê xã Phổ Cường (Đức Phổ). Mấy ngày qua, nghe tin liệt sĩ Nghê còn sống trở về, bà con thân tộc và đồng đội cùng tham gia chiến đấu với ông tìm đến nhà ông Phan Công Chánh, ở số nhà 22, Khu dân cư Bắc Lê Lợi, phường Nghĩa Lộ (TP. Quảng Ngãi) là chú ruột của ông Nghê để thăm hỏi.

Biết còn sống khi con đi xác minh lý lịch

Ông Phan Công Chánh bùi ngùi kể: Ông Nghê là cháu đích tôn của dòng họ. Từ ngày đất nước độc lập, thống nhất, hòa bình cho đến nay, gia đình luôn đau đáu về việc đi tìm hài cốt của Nghê. Tôi là người dẫn Nghê vào quân ngũ. Người chị dâu của tôi, tức là mẹ thằng Nghê lúc còn sống vẫn hay nhắc: "Chú dẫn thằng Nghê đi bộ đội để nó chết mà không tìm được phần mộ". Điều đó ám ảnh tôi suốt bao nhiêu năm qua.

Ông Phan Long Nghê (áo trắng) và Bằng Tổ quốc ghi công, ảnh chân dung được gia đình thờ cúng lâu nay.
Ông Phan Long Nghê (áo trắng) và Bằng Tổ quốc ghi công, ảnh chân dung được gia đình thờ cúng lâu nay.


Câu chuyện liệt sĩ Phan Long Nghê còn sống được mọi người biết đến khi Công an thành phố Đà Nẵng, nơi cháu ngoại của ông Nghê công tác, cử người về xã Phổ Cường xác minh lý lịch (9.2018). Lúc này, chính quyền địa phương trả lời là không có người nào tên Phan Long Nghệ, sinh năm 1949, mà chỉ có Phan Long Nghê, sinh năm 1946, hiện là liệt sĩ.
 

“Quê tôi lúc đó có một cái miếu và cây đa to, có dãy núi Chúa nữa. Cha mẹ tôi không biết tên, chỉ nhớ chú Mười (tức ông Phan Long Chánh-PV), ở quê thì có cụ Liễn (tức ông Phan Long Liễn, người trong dòng họ - PV). Bây giờ tôi không nhớ gì hết”.


Ông PHAN LONG NGHÊ

Khi nghe tin này, ông Phan Công Chánh liền liên lạc với cán bộ xã Phổ Cường và người của đơn vị đi xác minh để tìm hiểu. Sau khi xem bức ảnh được chụp lại, ông Chánh quả quyết đó chính là Phan Long Nghê, cháu ruột của ông. Để chắc chắn hơn, ông Chánh liên hệ với các con cháu của ông Nghê ở Đà Nẵng để xác minh cha mình có chiếc răng khểnh hay không. Sau đó, các con của ông nghê trả lời là có, thì ông Chánh chính thức thông báo với bà con là cháu của mình được công nhận là liệt sĩ, hy sinh năm 1969 hiện nay vẫn còn sống.

Đầu tháng 12 vừa qua, ông Chánh đã liên lạc với các con cháu ông Nghê từ Đà Nẵng đưa ông Nghê về Quảng Ngãi. Khi gặp nhau, ông Nghê không nhớ người chú ruột của mình, nhưng ông Chánh thì nhận ra, đó chính là người cháu của mình.

Hành trình cuộc đời của ông Nghê

Theo ông Phan Công Chánh, từ năm 1962-1966 ông Nghê tham gia du kích xã Phổ Cường. Năm 1966, ông Chánh lúc bấy giờ công tác tại Trường Thông tin Quân khu 5 về thăm quê và đã xin cho ông Nghê về làm công vụ ở Trường Thông tin Quân khu 5. Đến đầu 1969, khi ông Nghê học xong khóa đào tạo cán bộ sơ cấp tại Trường Thông tin thì được điều về Tỉnh đội Quảng Ngãi.

Trong một lần chuyển gạo cuối năm 1969, ông Nghê đi trước dẫn đường, khi qua khỏi đèo Đồng Ngổ nằm giữa núi Cối và núi Giàng (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành hiện nay), thì bị địch phục kích bắn bị thương và ông Nghê bị bắt. Cả đoàn phía sau rút lui về Hành Tín và ông Nghê không còn tung tích gì từ đó. Sau khi kết thúc chiến tranh, gia đình nhận được giấy báo tử của Tỉnh đội Quảng Ngãi: Liệt sĩ Phan Long Nghê, hy sinh 1969.

Ông Phan Long Nghê (giữa) trở về với người thân sau 50 năm được công nhận là liệt sĩ.
Ông Phan Long Nghê (giữa) trở về với người thân sau 50 năm được công nhận là liệt sĩ.


Trò chuyện với chúng tôi, ông Nghê kể trong tâm trạng lúc nhớ, lúc quên. Ông Nghê cho biết: Sau khi bị địch bắt giam và tra tấn mấy tháng, trong một lần đi nhổ cỏ, quét sân trong trại giam, tôi đã trốn thoát ra ngoài. Nhưng lúc này tôi không nhớ được quê ở đâu, xuống đường lộ rồi đu theo xe khách ra đến Đà Nẵng.
 

Trong những năm tháng ở Đà Nẵng, ông Nghê sống lang thang. Thời gian sau, ông gặp bà Lê Thị Chư rồi nên duyên vợ chồng và có con với bà Chư. Nhưng rồi sau đó, vết thương bị trong chiến tranh tái phát, ông Nghê rời nhà đi lang thang khắp nơi. Đến khoảng năm 1990 – 1991, ông dạt vào Quy Nhơn (Bình Định), nên gia đình ông ở Đà Nẵng không tìm được. Vợ và các con ông lập bàn thờ ông. Đến năm 2013, các con ông ở Đà Nẵng biết được cha mình còn sống tại TP.Quy Nhơn, nên đã hạ bàn thờ từ năm 2013 và thường xuyên vào thăm ông.

Tại quê nhà Phổ Cường, trước lúc ông Nghê tham gia quân ngũ đã cưới vợ là bà Nguyễn Thị Quận. Trước thời điểm nhận giấy báo ông Nghê hy sinh, vợ ông đã mang thai đứa con đầu lòng. Con gái ông Nghê là bà Phan Thị Thanh Hải (50 tuổi), hiện sống ở thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường, đã thờ cúng ông suốt mấy chục năm qua.

Theo ông Phan Công Chánh, đến thời điểm này, gia đình đã chắc chắn liệt sĩ Phan Long Nghê, hy sinh 1969 còn sống. Gia đình cũng đã làm lễ hạ bàn thờ và nộp Bằng Tổ quốc ghi công, hồ sơ liệt sĩ mang tên Phan Long Nghê cho chính quyền xã Phổ Cường và Sở LĐ-TB&XH, đồng thời báo cho Bộ CHQS tỉnh.

Dừng thực hiện các chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ Phan Long Nghê


Liên quan đến liệt sĩ Phan Long Nghê còn sống trở về, Sở LĐ- TB&XH  đã có Công văn số 3544, ngày 17.12.2018 gửi Bộ CHQS tỉnh và UBND huyện Đức Phổ chỉ đạo tạm dừng thực hiện các chế độ ưu đãi (từ tháng 12.2018) đối với thân nhân liệt sĩ Phan Long Nghê, sinh năm 1946, quê quán thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ; có Bằng Tổ quốc ghi công số 6L-919b, Quyết định số 1060/TTg ngày 18.9.1978; số hồ sơ NB/LS-37351.

Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH đề nghị Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ chỉ đạo các ngành, đoàn thể và UBND xã Phổ Cường tổ chức gặp gỡ ông Phan Long Nghê để động viên, tìm hiểu... hướng dẫn ông Phan Long Nghê kê khai hồ sơ để cấp có thẩm quyền thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công theo quy định hiện hành.... Trên cơ sở đó, báo cáo Bộ CHQS tỉnh xem xét thu hồi giấy báo tử số 670b13/NB ngày 1.1.1978 của Bộ CHQS tỉnh Nghĩa Bình (nay là tỉnh Quảng Ngãi) và lập thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công đã cấp cho ông Phan Long Nghê...


Bài, ảnh: X. THIÊN



 


CÁC TIN KHÁC
.