"Máu rừng"... vẫn chảy- Kỳ cuối: Cơ quan quản lý nói gì?

05:05, 27/05/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Việc khai thác gỗ tại thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ trong thời gian dài đã gây phản ứng mạnh từ nhân dân, cán bộ từ xã cho đến huyện. Điều đáng nói, lợi dụng việc khai hoang vườn rừng giao đất cho dân, nhiều đối tượng đã triệt hạ cả những cây gỗ rừng không nằm trong diện tích quy hoạch. Trong khi đó, UBND huyện vẫn không hề biết và cho chủ trương về việc cho khai thác, vận chuyển cây gỗ trên địa bàn thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ ra khỏi địa bàn.
 
Như chúng tôi đã đề cập trong bài trước, sau khi có quyết định thu hồi đất của các hộ dân và phê duyệt phương án, Ban quản lý dự án di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong đã tiến hành chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân bị thu hồi đất, đồng thời tiến hành phân chia lại đất sản xuất cho các hộ dân mới. Lợi dụng khai hoang vườn rừng giao đất cho dân tái định cư, tình trạng khai thác gỗ đã diễn ra công khai một thời gian dài, gây bức xúc cho nhân dân.
 
Khi chúng tôi đem những hình ảnh khai thác gỗ rầm rộ, công khai mà chúng tôi ghi lại được cho lãnh đạo xã Trà Thọ xem thì ông Tiêu Viết Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thọ, huyện Tây Trà lý giải, việc khai thác gỗ tại thôn Nước Biếc thời gian qua chính quyền có biết, nhân dân trong xã cũng phản ứng rất nhiều, nhưng thật sự nó ngoài khả năng giải quyết của xã.
 
Theo người dân và một số người rành về gỗ thì đây là cây gỗ Chò, tuy nhiên hạt kiểm lâm huyện thì luôn lha83ng định khu vực này không có Chò.
Theo người dân trong vùng và một số người rành về gỗ thì đây là cây gỗ chò, tuy nhiên hạt kiểm lâm huyện Tây Trà thì luôn khẳng định khu vực này không có cây chò.
 
Theo ông Tiêu Viết Phương, các cây gỗ được khai thác là những cây gỗ nằm trên diện tích được bồi thường sau khi có quyết định thu hồi đất, trong phương án đền bù ghi rõ là gỗ tạp nhưng trên thực tế không phải như thế. Ông Phương cũng thừa nhận, do công tác quản lý lỏng lẻo và chưa hết trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát vì vậy, số gỗ này mới được thản nhiên vận chuyển ra khỏi địa phương.
 
Ông Phương lý giải thêm, việc xác định loại cây, khối lượng gỗ thì do kiểm lâm, địa phương chỉ căn cứ vào biên bản làm giữa các bên để xác nhận là hộ dân đó có đất, có cây... Sau khi có giấy xác nhận của địa phương thì họ tiến hành khai thác và vận chuyển. "Quả thật, địa phương cũng thiếu sót trong vấn đề kiểm tra, xác minh số cây, loại cây có đúng như trong đơn xin khai thác, bởi có xác nhận của kiểm lâm rồi"- ông Phương nói. 
Ông Tiêu Viết Thanh- Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thọ:
Ông Tiêu Viết Phương- Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thọ: "Ngoài khai thác gỗ trên diện tích đất bị thu hồi, nhiều người đã lợi dụng khai thác luôn gỗ rừng dọc theo ven suối".
 
Cũng theo ông Phương thì nhiều đối tượng đã lợi dụng khai thác gỗ trên diện tích đất thu hồi này để khai thác luôn những cây gỗ rừng dọc ven suối tại thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ. Vấn đề này, mặc dù xã chưa có văn bản chính thức để kiến nghị vấn đề này, nhưng thực tế tình trạng khai thác gỗ tại đây đã được người dân trong xã phản ứng rất nhiều trong các cuộc tiếp xúc đối thoại với nhân dân. Ông Thanh cho rằng, việc khai thác vận chuyển đối với những cây gỗ lâu năm, gỗ có giá trị phải có sự đồng ý của lãnh đạo huyện, có dấu búa kiểm lâm... nhưng đằng này họ vẫn cứ khai thác, vận chuyển.
 
Theo quy định, việc khai thác vận chuyển lâm sản trên địa bàn đều phải qua sự quản lý và sự đồng ý của lực lượng kiểm lâm, đặc biệt là việc khai thác, vận chuyển các loại cây gỗ nằm trong nhóm hạn chế khai thác thì phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt (vấn đề này quy định rõ trong Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ). 
 
Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc với ông Đỗ Văn Của- Hạt trường hạt kiểm lâm huyện Tây Trà thì ông Của cho rằng, cây trong vườn của dân thì khai thác vận chuyển thế nào là quyền của dân cho dù đó là cây nhỏ hay to, lớn thế nào! Ông Của cũng khẳng định các loại gỗ bị khai thác không hề có các loại gỗ như gỗ chò, gỗ sơn... mà người dân và báo chí phản ánh và trực tiếp chứng kiến.
 
Những tấm gỗ Xoan thành phẩm nằm la liệt tại khu vực thôn Nước Biết, xã Trà Thọ.
Những tấm gỗ xoan thành phẩm nằm la liệt tại khu vực thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ.

Làm việc với lãnh đạo UBND huyện Tây Trà, chúng tôi được ông Hoàng Anh Ngọc- Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết, chủ trương giao đất cho người dân tái sản xuất là chủ trương đúng. Tuy nhiên việc giao đất cho dân không đồng nghĩa là phải triệt hạ những cây trên đất vườn rừng chỉ để lấy đất sản xuất, nhất là những cây có tuổi đời cả trăm năm. Lẽ ra việc khai thác cây trên địa bàn huyện phải xin ý kiến của huyện, nhưng chúng tôi không hề biết điều này.

 
Ông Ngọc- Chủ tịch UBND huyện Tây Trà: ông Hoàng Anh Ngọc- Chủ tịch UBND huyện Tây Trà:" Huyện chưa bao giờ có chủ trương cho khai thác gỗ tại thôn Nước Biếc, cũng như cho vận chuyển gỗ ra khỏi địa bàn huyện".
Việc khai thác ồ ạt cây gỗ tại thôn Nước Biếc đã gây bức xúc rất nhiều cho cán bộ và nhân dân trong xã, trong huyện. Tôi xin khẳng định là huyện chưa bao giờ có chủ trương cho khai thác cây gỗ trên vườn rừng tại thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ. "Người dân Tây Trà đã quá thiệt thòi khi nhường đất để xây dựng dự án Hồ chứa nước Nước Trong, vì vậy đừng vì lý do gì mà chặt phá cây gỗ bao đời nay" -Ông Ngọc nói.
 
Theo tin chúng tôi có được, trong ngày 5.5.2015 vừa qua, công an huyện Tây Trà đã tiến hành bắt 4 xe tải vận chuyển gỗ từ thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà về hướng huyện Trà Bồng. Qua kiểm tra, thì trong đó có hàng chục m3 gỗ không có giấy tờ, thủ tục theo quy định. Tất cả các số gỗ và phương tiện vận chuyển trên sau đó đã được bàn giao cho phòng PC46 Công an tỉnh để điều tra, xác minh làm rõ.
 
Điều đáng nói, là trong khi công an vào cuộc bắt giữ nhiều xe vận chuyển chở gỗ tại thôn Nước Biếc và đang tiến hành xác minh điều tra làm rõ tính hợp pháp của số gỗ trên thì tình trạng khai thác gỗ vẫn tiếp tục diễn ra công khai tại đây. 
 
Theo nhiều người dân ở đây, mục đích của việc giao đất tái định cư Dự án di dân tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong là tạo điều kiện cho người dân mất đất có đất sản xuất, ổn định và phát triển kinh tế trên diện tích đất được giao. Chính vì vậy, khi bàn giao cho dân thì nên bàn giao luôn những cây cối trên diện tích đất đó để người dân tiếp tục thu lợi và gìn giữ những cây gỗ hàng trăm năm tuổi và thu lợi từ đó, chứ không cớ gì khai hoang giao đất trống cho dân để rồi dân làm lại từ đầu.
 

 

Dự án hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa nước Nước Trong (do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2005, nhằm bố trí tái định cư, tái định canh bền vững cho 465 hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu chuyển chỗ ở tại 6 khu và 1 điểm ở huyện Tây Trà, Sơn Hà, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo cho người dân có cuộc sống ổn định.
 
Đây được xem là dự án di dân tái định cư có thời gian kéo dài nhất ở miền núi Quảng Ngãi từ trước đến nay. Bởi theo kế hoạch ban đầu, dự án di dân tái định cư triển khai trong 6 năm từ năm 2005 đến 2011, tuy nhiên, đến nay đã kéo dài thêm 4 năm, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, trong đó khó khăn nhất là công tác tái định cư, định canh các hộ dân.
 
Bài, ảnh: M.Toàn-Th.Hậu
 

CÁC TIN KHÁC
.