(Baoquangngai.vn)- “Nếu không có họ, thì không biết có bao nhiêu người phải bỏ mạng trong lũ rồi. Người dân trong xã biết ơn họ lắm”- Ông Nguyễn Văn Như- Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi khẳng định với chúng tôi như thế khi nói đến những người nông dân cứu hàng trăm người trong lũ dữ.
Là một địa phương bị ngập nặng nhất của Quảng Ngãi, hai ngày sau lũ dữ, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành vẫn còn ngổn ngang đầy bùn đất, nhà cửa hoang tàn. Thế nhưng, mới về tới đầu xã đã nghe từ người già, đến con nít kể chuyện về những người nông dân chỉ với chiếc ghe mộc đã cứu hàng trăm người khỏi cơn lũ dữ.
Lao vào lũ dữ để cứu người
Ông Hồ Sở- Đây là một trong những nhân vật mà được bà con nhắc nhiều nhất. Nhà ông Sở nằm ở cuối xóm, sát bờ sông Vệ, cũng là nơi ngập sâu nhất của xã. Phải mất gần 45 phút lội bùn từ đường cái chính, chúng tôi mới đến được nhà của ông.
Khi chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Sở đúng lúc có rất nhiều người dân đang có mặt ở đây. Họ là những người được ghe của cha con ông Sở cứu trong cơn lũ vừa qua. Họ đến để cám ơn và chia sẻ với ông về những thiệt hại của gia đình ông trong cơn lũ vừa qua.
Nhiều người dân cho biết, khi lũ đổ về, thay vì dọn vật dụng trong nhà đi tránh lũ, cha con ông Sở và một vài thanh niên trong xóm đã quyết định cứu người là trên hết và họ đã lao vào dòng nước lũ đi hết xóm này đến xóm khác để cứu người chỉ với chiếc ghe mộc.
Có mặt tại nhà ông Sở, anh Nguyễn Hồng Phúc, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành một trong những người được ghe ông Hồ Sở cứu sống trước khi lũ cuốn trôi. Anh nói, nếu không có sự cứu hộ kịp thời của cha con ông Hồ Sở thì có lẽ anh đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Với anh, họ chính là những ân nhân, những người sinh ra anh lần thứ hai.
Anh Phúc xúc động kể, vợ chồng anh thuê một vài sào đất ở bãi bồi giữa sông Vệ để làm dưa. Sáng hôm ấy nước lũ sông Vệ bắt đầu lên nhanh, trời lại đổ mưa to. Lo sợ nên anh liền lấy ghe đưa vợ qua bên xã Hành Tín Tây để ở tạm, rồi anh quay về bãi bồi giữ dưa. Chưa đầy tiếng đồng hồ sau, nước lũ cuồn cuộn đổ về và bắt đầu ngập cả bãi bồi. Nước lớn nhanh khiến anh không kịp trở tay, chiếc ghe của anh cột ở bãi bồi cũng đã bị lũ cuốn trôi.
|
Anh Nguyễn Hồng Phúc (trái) nói chuyện với ân nhân của mình là ông Hồ Sở. |
Lúc này anh nghĩ trong bụng, thế là hết, bởi ở giữa sông trong khi nước lũ cuồn cuộn đổ về thì không ai có thể cứu được. Và rồi anh nghĩ đến cha con ông Sở, là người có tiếng về cứu người trong lũ. Anh liều gọi cầu cứu cha con ông Sở và chỉ sau 20 phút, anh đã thấy chiếc ghe của ông Sở vượt mưa lũ hướng về phía mình. Trước dòng nước lũ chảy xiết, những người trên chiếc ghe ông Sở đã rất khó khăn mới tiếp cận được anh. Sau khi cứu được anh, ông Sở đã đưa lên trên núi để tránh lũ, rồi tiếp tục vượt dòng nước lũ để đi cứu những người dân khác đang ở bị cô lập trong lũ.
Cũng như anh Phúc, chị Huỳnh Thị Thành, ở xóm Cát, thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây cũng xem những người trong đội cứu hộ của ghe ông Sở là ân nhân của mình. Chị Thành cho biết, chồng chị mất sớm nhà chỉ có chị với đứa con gái 14 tuổi. Chiều hôm đó, nước lũ lên nhanh, chẳng mấy chốc đã tràn vào nhà. Tưởng lũ sẽ chỉ như mọi năm nên chị và đứa con gái kê bàn rồi đứng lên trên chờ nước rút.
Ai ngờ lũ không rút mà mỗi lúc lớn thêm. Lúc này chị và con gái không biết xoay xở thế nào, chỉ biết ôm nhau khóc, vì lúc đó có đi cũng cũng không thể đi được, nước lũ ngập hơn nửa nhà. Trong lúc hoảng hốt thì thấy ghe của ông Sở đến và gọi to: Có ai trong nhà không? Mừng quá, chị và con gái la to: Có, có! Thế là mẹ con chị được cứu và đưa đến nơi an toàn.
|
Các thành viên trong đội cứu hộ ghe ông Hồ Sở bên chiếc ghe đã tham gia cứu hộ hàng trăm người trong lũ dữ. |
Chân dung những nông dân dũng cảm
Năm nay đã 53 tuổi, thế nhưng ông Hồ Sở, ở thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây trông rất khỏe mạnh. Khi hỏi về việc cứu người trong lũ, ông Sở chỉ vào hai đứa con trai đứng bên cạnh là Hồ Văn Phê (32 tuổi) Hồ Văn Long (30 tuổi) và hai người hàng xóm là Ngô Văn Lương (43 tuổi), anh Phan Thanh Tùng (32 tuổi).
Ông nói: “5 người chúng tôi trên một chiếc ghe mới đủ sức chèo và hỗ trợ nhau cứu dân, nhất là những hộ dân bị mắc kẹt trong những ngôi nhà khi nước lũ lên. Nhiều lúc chúng tôi phải đập ngói, phá ron mè của những ngôi nhà cấp bốn mới đưa được người dân ra”.
Khi tôi hỏi, đội của ông có nhớ mình cứu được bao nhiêu người ? Ông Sở cười nói: “Tôi chỉ nhớ mình đi liên tục 6 tiếng đồng hồ. Khi cứu xong mọi người thì đã 8 giờ tối. Lúc quay về, đã thấy nước ngập tới nóc nhà tôi rồi”.
Vợ ông Sở cho biết: “Khi lũ lớn tràn về, ông Sở nói với tôi: bà và con gái lên cao tránh lũ, tui và hai thằng lớn còn phải tranh thủ hỗ trợ bà con trong xã nữa. Mấy vật dụng trong nhà, heo gà thì không quan trong bằng tính mạng con người đâu…Ổng nói thì phải nghe, lũ xong, nhiều vật dụng trong nhà bị cuốn trôi, những thứ còn lại thì cũng hư hỏng hết. Đàn heo 5 con gần xuất chuồng cũng bị chết do lũ…Mà không chỉ riêng nhà tui, mà mấy đứa thanh niên trong xóm tình nguyện theo ghe ông đi cứu người cũng bị thiệt hại nặng lắm!”.
|
Ông Phan Thuận hạnh phúc bên đứa cháu nội của mình. |
Anh Phan Thanh Tùng, thành viên trong đội cứu hộ có một đứa con nhỏ, vợ lại mang bầu nhưng sau khi đưa vợ lên núi tránh lũ, anh quay lại cùng anh em đi cứu hộ người dân.
Sau khi lũ rút, mọi tài sản trong nhà anh, cùng gà vịt đã bị lũ cuốn trôi. Thế nhưng, gặp chúng tôi, anh vẫn cười tươi nói: “Còn người còn của, làm dần rồi tích góp mua sắm lại”.
Ngoài những người trong đội ghe ông Hồ Sở, nhiều người dân không thể quên được ông Phan Thuận (55 tuổi), ở thôn Phú Khương. Chỉ với một chiếc ghe nhỏ, ông và hai thanh niên trong xóm cũng đã cứu được hàng chục người dân thoát khỏi cơn lũ dữ, trong đó có nhiều trường hợp ông phải dùng pin đi cứu hộ trong đêm.
Ông Thuận cho biết: Nhà ông ở trên gò cao gần núi nên không bị ngập, chính vì vậy mà buổi sáng ngày 15.11, sau khi lũ bắt đầu lên và ngập nhà dân ông đã cùng hai thanh niên trong xóm là Phan Xuân và Phan Văn Phát dùng ghe chèo đến các xóm trong xã để đưa dân đến khu vực gần nhà trú lũ. Do ghe anh nhỏ nên mỗi lần chỉ chở được tối đa thêm 3 người, ưu tiên người già, phụ nữ, trẻ em đi trước, còn thanh niên thì đi sau.
Và cứ thế, ông và hai người trong xóm thay phiên chèo hết xóm này đến xóm khác để chở nguời. Đến 12 giờ khuya ông mới về tới nhà. Ông nhớ nhất là có những trường hợp ông phải dùng pin chèo ghe đi cứu người trong đêm, như trường hợp của chị Trịnh Lợi, anh Hồ Thanh Ngọc… Những trường hợp này, ông và hai thanh niên trong xóm phải gỡ ngói chui vào nhà, rồi đưa người dân ra. “Lo nhất là còn sót người trong nhà mà mình đưa đi không hết, cũng may là bà con ai cũng được đưa lên nơi cao để trú an toàn. Sau lũ, xã không ai bị sao”- ông Thuận cười hạnh phúc.
Bài, ảnh: M.Toàn