Quảng Ngãi: Hỗ trợ dân sinh, khắc phục hậu quả sau lũ

08:11, 17/11/2013
.

(Baoquangngai.vn)-  Sau khi cơn lũ lịch sử đi qua, công tác khắc phục hậu quả đang được các địa phương khẩn trương triển khai. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều xã ở Nghĩa Hành, Tư Nghĩa vẫn còn chia cắt, đặc biệt trong ngày 17.11 nước lũ trên sông Vệ lại lên cao khiến công tác cứu hộ và khắc phục càng khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Cứu trợ khẩn cấp vùng lũ

Trưa 17.11, trở lại vùng rốn lũ Nghĩa Hành- địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong cơn lũ lịch sử vừa qua. Hiện nước lũ đã rút hơn so với chiều ngày 16.11, tuy nhiên từ trung tâm huyện Nghĩa Hành về các xã khu tây như Hành Thiện, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây vẫn còn rất khó khăn, bởi bùn đất còn quá nhiều trên đường. Nhiều thôn vẫn còn bị cô lập, nhất là trưa 17.11, khi lũ trên sông Vệ đã bất ngờ lên lại.

 

Đường về các xã của huyện Nghĩa Hành sáng 17.11 vẫn còn khó khăn di bùn đất dày đặc.
Đường về các xã của huyện Nghĩa Hành sáng 17.11 vẫn còn khó khăn do bùn đất dày cả vài tấc.

Ông Lũ Đình Phô- Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết, trong hai ngày qua, huyện đã tập trung chỉ đạo các lực lượng của huyện và các xã khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ. Trước mắt tập trung cứu trợ khẩn cấp đối với người dân vùng lũ, nhất là những vùng bị chia cắt.

Hiện nay, do nhiều địa phương vùng lũ chưa có điện. Để người dân không bị đói trong những ngày sau lũ, huyện đã tập trung cứu trợ khẩn cấp mì gói, nước uống cho người dân. Trong sáng 17.11, huyện đã vận chuyển về các địa phương trên 19.000 thùng mì gói, 1.850 thùng nước suối để giúp các địa phương vùng lũ. Trong chiều 17.11, huyện tiếp tục vận chuyển 45 tấn gạo giúp các địa phương.

Còn tại huyện Tư Nghĩa, đây cũng là một trong những địa phương bị ngập nặng trong lũ. Công tác cứu trợ cho người dân vùng lũ cũng đã được địa phương khẩn trương triển khai, tuyệt đối không để người dân thiếu đói.

Ông Huỳnh Chánh- Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, mực nước sông Vệ đã bất ngờ lên trở lại, khiến cho nhiều thôn ven sông Vệ tiếp tục bị cô lập, trong đó tập trung các xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Hiệp. Trong hai ngày qua, huyện đã khẩn trương vận chuyển trên 1.200 thùng mì gói và hàng ngàn thùng nước uống xuống các địa phương giúp dân trong những ngày sau bão. Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương, huy động tối đa các lực lượng tại chỗ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, đặc biệt là giúp sửa chữa những nhà bị hư hỏng.

 

Vận chuyển nước uống cho thôn Ân Phú, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh.
Vận chuyển nước uống cho thôn Ân Phú, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh.


Còn tại huyện Sơn Tịnh, theo ông Phạm Vinh- Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh thì hiện nay, các địa phương trong huyện cơ bản không còn ngập lũ. Riêng thôn Ân Phú, xã Tịnh An hiện tại 300 hộ dân với tổng cộng khoảng hơn 1.000 người ở thôn này vẫn bị cô lập, do nước sông Trà vẫn còn lớn và chảy xiết.

Trong hai ngày qua, huyện đã chỉ đạo tập trung cứu trợ cho các địa phương, trong đó tập trung ưu tiên cho thôn Ân Phú, bởi đây là ốc đảo nằm giữa sông Trà. Việc tiếp cận với thôn Ân Phú cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi nước sông Trà lớn và chảy xiết. Ngoài số mì gói, nước uống của huyện, trong hai ngày qua, lực lượng ĐVTN của tỉnh cũng đã tập trung cứu trợ hàng ngàn gói và nước uống cho người dân trong thôn. Trong ngày 17.11 và những ngày đến, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ gạo cho người dân ở các vùng lũ.

Nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó

Trận lũ lịch sử đêm 15.11 đã khiến hầu hết các địa phương trong tỉnh bị ngập chìm trong nước lũ. Lũ đã khiến cho hàng ngàn gia súc, gia cầm của người dân bị chết; trên 61.000 giếng nước của người dân các địa phương cũng bị ngập. Sau lũ, môi trường bị ô nhiễm, nỗi lo dịch bệnh bùng phát đang là nỗi lo của nhiều địa phương.

Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, sau lũ thì vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn nước là đều khó tránh khỏi, bởi xác gia súc, gia cầm chết rất nhiều. Các giếng nước hầu như bị ngập không thể sử dụng được. Nhiều địa phương điện không có, nên việc xử lý nước cũng như đun nấu là hết sức khó khăn.

 

Ngành y tế khẩn trương xử lý nguồn nước giếng cho người dân vùng lũ.
Ngành y tế khẩn trương xử lý nguồn nước giếng cho người dân vùng lũ.


Trước tình trạng trên, Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế và trạm y tế xã huy động  nguồn lực tại chỗ, để đảm bảo việc phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, đồng thời chuẩn bị sẵn thuốc, hóa chất, phương tiện để giúp người dân vệ sinh môi trường, với phương châm: nước rút đến đâu, xử lý môi trường, làm sạch nguồn nước đến đó.

Hiện tại các địa phương còn trên 200 cơ số thuốc, 2.000kg Choloramin B bột. 128.000 viên CholoraminT, 60.000 viên Aquatabs. Sở Y tế cũng đã cấp cho các địa phương 64 cơ số thuốc, trên 30.200 viên Choloramin B; 135.440 viên Aqutabs. Hiện Sở đã đề nghị Bộ Y tế cấp khẩn cấp cho tỉnh 5.000kg Choloramin B bột để vệ sinh các giếng nước và vệ sinh, tẩy uế môi trường. Ngoài ra cấp 100.000 viên Aqutabs để khử khuẩn nước uống và 100 cơ số thuốc phòng chống lụt. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân tiêu hủy xác gia súc, gia cầm chết đúng quy cách, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.

Khắc phục giao thông, thông tuyến

Tính đến sáng 17.11, giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 đã cơ bản được thông tuyến. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tuyến giao thông liên huyện, liên xã vẫn còn bị chia cắt do khối lượng đất đá bị sạt lở quá lớn, ngành giao thông tỉnh cũng đang huy động tối đa phương tiện để khẩn trương san ủi, khai thông các tuyến giao thông.

Theo báo cáo của Sở GTVT thì mưa lũ đã làm tuyến Quốc lộ 1 và 24 bị ngập, sạt lở 52 điểm với khối lượng đất đá bị sạt lở trên 40.000m3. Các tuyến tỉnh lộ như ĐT.621, ĐT.622B, ĐT.622C, ĐT.623, ĐT.623B, ĐT.623C, ĐT.624, ĐT.624B, ĐT.624C, ĐT.625, ĐT.626, ĐT.627B, ĐT.628 bị sạt lở khối lượng khoảng 58.500m3.

 

Ngành GTVT huy động phương tiện san ủi các tuyến đường bị sạt, tạo điều kiện cho giao thông được thông tuyến.
Ngành GTVT huy động phương tiện san ủi các tuyến đường bị sạt, tạo điều kiện thông tuyến.


Đặc biệt, các huyện miền núi như Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ bị sạt lở hàng trăm điểm với khối lượng trên 550.000m3; 16 cây cầu bị cuốn trôi và hư hại. Trong hai ngày qua, ngành GTVT đã huy động  phương tiện để san ủi, thông đường. Tuy nhiên hiện tại, tuyến đường lên huyện miền núi Tây Trà không thể đi được do nhiều đoạn bị sạt lở nặng.

Trên địa bàn huyện Sơn Hà, hiện nay có 11 điểm có nguy cơ cao sạt lở núi gồm: TT Di Lăng; thôn Kà Lăng, xã Sơn Thành; thôn Làng Bung, xã Sơn Ba; đèo Rơn, xã Sơn Hạ; thôn Tà Bi, xã Sơn Thủy; đầu mối hồ chứa nước Nước Trong; khu tái định cư Đồi Gu, thôn Nước Nia... Việc sạt lở núi không chỉ ảnh hưởng, đe dọa đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân mà còn làm giao thông ách tắc.

Hỗ trợ thiệt hại giống vật nuôi cho người dân

Theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương thì trận lũ lịch sử tối 15.11 đã gây thiệt hại khá nặng nề cho ngành nông nghiệp. Theo đó, đã có gần 1.000 tấn hạt giống bị thiệt hại; trên 18.738 tấn lương thực bị hư hỏng. Trên 20.000 con gia súc và 215.000 gia cầm bị chết, hàng trăm tấn phân bón hư.

Ngoài ra, lũ cũng làm trên 126ha lúa ở Mộ Đức bị hư hại;  1.469 ha cây công nghiệp ngắn ngày (ngô, sắn, mía) bị thiệt hại; trên 650 ha rau màu của bà con nông dân bị mất trắng; đó là chưa kể hàng trăm ha cây ăn trái, cây xanh, hàng chục tấn hạt giống trong dân bị ướt và hư hại. Thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nhiều gia đình, sau bão đã trở nên trắng tay.

 

Sau lũ, hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị chết-Thiệt hai đối với ngành nông nghiệp rất lớn (Trong ảnh: Người dân xe thịt bò của mình bị chết để bán mong kiếm lại ít vốn).
Sau lũ, hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị chết,thiệt hai đối với ngành nông nghiệp rất lớn (Trong ảnh: Người dân xe thịt bò của mình bị chết do lũ để bán mong kiếm lại ít vốn).


Ông Đào Minh Hường- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết, so với nhiều cơn lũ trước thì trận lũ ngày 15.11 quả thật quá lớn, khiến người dân không trở tay kịp. Thiệt hại của ngành nông nghiệp là quá lớn. Trong 2 ngày qua, Sở đã chỉ đạo các phòng nông nghiệp các huyện thống kê báo cáo thiệt hại của các địa phương để sở nắm và khẩn trương hỗ trợ kịp thời cho bà con.

Sắp tới ngành nông nghiệp sẽ tiến hành hỗ trợ về lúa giống, phân bón cho bà con để đảm bảo cho vụ sản xuất đông xuân 2013-2014 tới. Ngoài ra, với những hộ nông dân bị thiệt hại về gia súc, gia cầm, các vật nuôi và cây trồng thì sẽ được hỗ trợ theo quy định.



Bài, ảnh: M.Toàn

 

 


.