Sơn Tây - Ba Tơ: Chồng chất khó khăn sau lũ

08:11, 18/11/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Cùng với các huyện đồng bằng và miền núi trong tỉnh, hai huyện Sơn Tây và Ba Tơ cũng đã phải gánh chịu tổn thất nặng nề trong cơn lũ lịch sử vừa qua. Sau lũ, chính quyền và người dân trong huyện đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất.

TIN LIÊN QUAN

Sạt lở tiếp tục đe dọa người dân huyện Sơn Tây

Ngày 17.11, theo chân đoàn công tác của UBND tỉnh, chúng tôi đã tiếp cận được với vùng bị cô lập do sạt lở núi nghiêm trọng nhất ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây ngay sau khi thông tỉnh lộ 623. Nếu như trận lũ lịch sử khiến cho hàng nghìn hộ dân ở các huyện đồng bằng ngập trong nước lũ, thì nhiều hộ dân ở huyện Sơn Tây lại đang bị đe dọa bởi nạn lở đất, lở núi. Thậm chí, nỗi lo ấy vẫn cứ canh cánh trong lòng người dân địa phương ngay sau khi lũ ở các huyện đồng bằng không còn ở mức nguy hiểm.

 

Sạt lở vẫn tiếp tục đe dọa nhiều mái nhà ở thôn Ka Xim xã Sơn Dung

Sạt lở vẫn tiếp tục đe dọa nhiều mái nhà ở thôn Ka Xim xã Sơn Dung

 

Bước vào thôn Ka Xim, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những ngổn ngang đất đỏ nhòe nhoẹt, cùng dòng suối dữ vẫn chảy lai láng ngay trên đường bê tông. Tại xóm này, vào tối ngày 15.11, đã có hai vợ chồng là chị Đinh Thị Híp và anh Đinh Văn Lang  bị khối đất khổng lồ từ núi cao đổ ập xuống cuốn phăng đi.  “Hôm nay là đỡ lắm rồi vì còn đi bộ vào thôn được chứ 2 hôm trước thì không vào được. Từ hôm qua chúng tôi đã phối hợp với Huyện đội đi bộ vào tập trung tìm kiếm thi thể của vợ chồng xấu số”- ông Lê Văn Tùng- Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết.

Đến thời điểm này, hơn 30 người vẫn tiếp tục đào bới trong dải đất sạt lở dài hơn 300m với hy vọng tìm ra người. Đứng ở rìa là hàng chục người dân thấp thỏm đứng xem, chờ đợi giây phút tìm ra hàng xóm của mình. Riêng cháu Đinh Văn Trú (15 tuổi) con của vợ chồng chị Híp chết lặng nhìn người lớn đang hối hả đào bới quanh khu vực từng là nhà mình.

 

Lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tìm kiếm thi thể vợ chồng chị Híp quanh khu vực sạt lở

Lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tìm kiếm thi thể vợ chồng chị Híp quanh khu vực sạt lở

 

Trú và em trai 10 tuổi bị mù bẩm sinh may mắn thoát chết vì 2 anh em rủ qua nhà ngoại chơi vào thời điểm xảy ra vụ sạt lở khủng khiếp. Có lẽ, sự mất tích của cả cha lẫn mẹ là cú sốc quá lớn khiến Trú ngây người không nói nên lời. Nhưng đôi mắt buồn rười rượi chờ chực tuôn lệ đã nói lên tất cả.

Em vẫn theo dõi kỹ từng hành động của người lớn, rồi giật thót mình mỗi khi có người bảo phát hiện ra cái gì đó. Nhưng rồi lại đôi mắt ấy lại cụp xuống vì thất vọng khi nghe tin thi thể của cha mẹ mình vẫn chưa tìm ra. Vậy là, từ nay, Trú và em trai khuyết tật phải sống cảnh mồ côi cùng bà ngoại già yếu với điều kiện vô cùng thiếu thốn.

Chị Đinh Thị Vo có nhà chỉ cách nhà hai vợ chồng xấu số khoảng 100 mét hốt hoảng kể lại: “Mưa lớn quá, tôi chỉ nghe tiếng đất nổ đùng đoàng. Đất trên núi đổ ào ào xuống trước mặt, khiến cho ngôi nhà của chị Híp chìm trong đất, rồi trôi tuột xuống vực núi. Nhà của tôi cũng bị vài khối đất lăn vào khiến cho đổ nghiêng ”.

Khu vực này vẫn chưa được ổn định vì mưa liên tục làm nhũn lớp đất trên núi. Do đó, chính quyền địa phương đã kêu gọi 12 hộ dân trong xóm nhanh chóng di tản để bảo vệ tính mạng. Anh Đinh Văn Họ cùng người nhà cũng tất bật thu dọn đồ đạc, lúa giống để di chuyển đến nơi khác, lo sợ kể: Phải lo đi thôi, chứ không ở đây là cũng bị như nhà Híp, mất không thấy xác đâu. Núi vẫn cứ gầm gừ, chực lao xuống nhà tôi.

 

Trái với các huyện đồng bằng, người dân Sơn Tây vẫn phải tiếp tục di dời để tránh mối đe dọa sạt lở

Người dân Sơn Tây vẫn phải tiếp tục di dời để tránh mối đe dọa sạt lở

 

Đó cũng là nỗi lo của nhiều gia đình tại thôn Ka Xim. Suốt dọc đường dài hơn 400m vào đến điểm sạt lở, lưng núi dựng đứng đang có dấu hiệu rã từng mảng lớn, chờ chực ập xuống. Dù mưa đã không còn nhiều, trận lũ lịch sử cũng tạm thời không đe dọa nữa, nhưng nhiều gia đình trong xóm vẫn không thể ngồi yên trước chiếc bẫy treo lơ lửng trên đầu.

Ngoài điểm sạt lở nghiêm trọng này, huyện Sơn Tây còn có 15 điểm sạt lở khác đang đe dọa hơn 160 hộ dân. Đến lúc này, mưa vẫn còn nên nguy cơ đất sạt lở vẫn còn nguy hiểm. Do đó, các hộ dân này vẫn chưa thể trở về nhà.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa có mặt tại hiện trường vào sáng 17.11, đã chỉ đạo chính quyền nhanh chóng hỗ trợ người dân vùng sạt lở trong việc di dời, ngăn không cho họ trở về nhà nếu còn nguy hiểm. Bên cạnh đó, nhanh chóng tìm ra thi thể của vợ chồng xấu số và hỗ trợ hết mức cho hai cháu nhỏ con của các nạn nhân.

Ba Tơ tan hoang sau lũ

Cơn lũ lịch sử đã gây cho huyện miền núi Ba Tơ nhiều thiệt hại nặng nề. Lũ đã cuốn trôi nhiều cây cầu, nhiều tuyến đường, nhà cửa, tài sản... và cả những thửa ruộng kế sinh nhai của người nông dân bị sa bồi, thủy phá nghiêm trọng. 

Nước lũ rút, nhiều hộ nông dân ở Ba Tơ không thể tin vào mắt mình, khi trước mặt mình là những đám ruộng bị nước lũ phá tan hoang, cát, đất, đá "tấn công" hàng trăm ha ruộng. Nhiều diện tích ruộng đứng trước nguy cơ bị bỏ hoang, trong khi vụ sản xuất đông xuân đã cận kề.

Dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng Mang Krá- nơi có hơn 60ha ruộng bị sa bồi, thủy phá, ông Đinh Nam Oang- Chủ tịch UBND xã Ba Xa buồn bã: Nước lũ quá lớn khiến lượng nước từ sông Re dâng lên chảy tràn qua cánh đồng, mang theo cát và đá bồi lấp cả cánh đồng. 

"Giờ đang chuẩn bị cho vụ đông xuân, nhưng do lượng cát sa bồi quá lớn khiến chính quyền địa phương và người dân chỉ biết đứng nhìn chứ không có cách gì khắc phục nếu không có sự hỗ trợ của cấp trên"- ông Oang cho hay.

Tại cánh đồng Giá Vực ở xã Ba Vì, người dân cũng "dở khóc, dở cười" vì sau lũ, lượng cát, đất sông Re mang vào bồi lấp. Cả cánh đồng hơn 10ha giờ bị san phẳng, nhiều đám ruộng không còn thấy được bờ.

 

Người dân tranh thủ khắc phục những diện tích ruộng bị cát, đá bồi lấp

Người dân tranh thủ khắc phục những diện tích ruộng bị cát, đá bồi lấp

 

Sau lũ, nhiều nông dân có ruộng bị bồi lấp đã ra đồng khắc phục để chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân. Thế nhưng, mọi cố gắng cũng chỉ khắc phục được những diện tích bị bồi lấp mỏng, những đám ruộng bị cát lấp dày thì đành… bó tay. Nhìn những nông dân đứng trước đám ruộng của mình mà đôi mắt bất lực, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Hì hục dùng xe rùa để xúc cát và đá ra khỏi ruộng, để cứu đám ruộng 2 sào của gia đình, hết xúc rồi oằn lưng đi đổ, làm quần quật từ sáng đến trưa, nhưng hai vợ chồng ông Phạm Văn Thanh ở thôn Giá Vực cũng chỉ khắc phục được một phần nhỏ đám ruộng vì lượng cát và đá bồi lấp quá lớn. “Cuộc sống của gia đình tôi với 5 nhân khẩu đều trông nhờ vào đám ruộng này. Bây giờ ruộng như thế này, không sớm khắc phục để gieo sạ cho kịp thời vụ thì chắc cả nhà phải treo niêu"- ông Thanh than thở.

Theo thống kê sơ bộ, trận lũ này đã khiến 340ha diện tích bị sa bồi, thủy phá. Nếu không có sự trợ lực của Nhà nước thì rất khó để người dân có thể sản xuất được trong vụ đông xuân này.

Cùng với nhiều diện tích ruộng bị sa bồi thủy phá thì sau lũ, nhiều ngôi nhà ở Ba Tơ cũng bị hư hại nặng nề. Từ chỗ có nhà cửa, bỗng chốc nhiều người  trắng tay, lâm vào cảnh vô gia cư, phải “ăn nhờ ở đậu”.

Ngồi nhìn căn nhà cả đời mới tích cóp xây dựng được chỉ trong phút chốc bị bị nước lũ phá gần hết, ông Phan Chí (76 tuổi) ở thôn Giá Vực, xã Ba Vì  như người mất hồn. Cả đời ông chưa bao giờ thấy lũ lớn và lên nhanh như thế này. Lũ lên đột ngột đã dọn hết của gia đình ông mọi thứ từ bàn, ghế, tủ, các vật dụng... và cả lúa gạo dự trữ

Nước lũ cuốn phăng gần hết móng của căn nhà, khiến căn nhà chơi vơi có thể đổ sập bất cứ lúc nào. "Gần cuối đời, sau bao nhiêu năm tích góp, vợ chồng mới có căn nhà khang trang để tá túc tuổi già. Vậy mà, giờ vợ chồng tôi không còn gì"- ông Chí nói như khóc.

 

Nước lũ

Nước lũ "ngoạm" sâu vào căn nhà của ông Chí

 

Từ hôm một phần căn nhà bị nước lũ cuốn trôi, vợ chồng phải đi ở nhờ nhà người khác. Căn nhà chỉ còn trơ lại các bức tường, dù chẳng thể cứu vãn được gì, nhưng mỗi ngày ông Chí vẫn cứ ra nhìn ngôi nhà của mình, rồi lại buồn bã đi về.

Sau cơn lũ lịch sử, không chỉ ông Chí phải lâm vào cảnh "vô gia cư" mà theo  thống kê của Ban Chỉ huy PCLB &TKCN Ba Tơ, hiện nay trên địa bàn huyện có 6 nhà bị trôi, sụp hoàn toàn; 32 nhà bị sạt lở, bồi lấp đất, đá phải di dời; 9 nhà bị sạt một phần móng, vách và hư hỏng. 

Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCLB& TKCN huyện Ba Tơ, cùng với tuyến Quốc lộ 24, tỉnh lộ, các tuyến đường huyện, tuyến đường xã trên địa bàn huyện bị sạt lở nghiêm trọng và nước lũ cuốn trôi thì trên địa bàn huyện có trên 10 cây cầu bị hư hỏng nặng khiến giao thông bị ách tắc, nhiều khu dân cư bị cô lập. 

Hiện nay trên địa bàn tại một số thôn, tổ, khu dân cư các xã: Ba Xa, Ba Vì, Ba Nam, Ba Lế, Ba Ngạc, Ba Giang, Ba Liên, Ba Tiêu, Ba Trang, Ba Khâm, Ba Vinh và thôn Tân Long Trung xã Ba Động vẫn đang bị cô lập.

Chỉ tính riêng tại xã Ba Xa, ông Đinh Nam Oang- Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện trên địa bàn xã có trên 140 hộ tại các thôn Gò Re, Nước Lăng và Nước Chạch đang bị cô lập. Hiện, chính quyền địa phương vẫn chưa tiếp cận được do nước lũ vẫn còn lớn và đang chảy xiết.

 

Cầu treo Tân Long Trung bị nước lũ cuốn trôi 2 nhịp nên thôn Tân Long Trung xã Ba Động vẫn đang bị cô lập

Cầu treo Tân Long Trung bị nước lũ cuốn trôi 2 nhịp nên thôn Tân Long Trung xã Ba Động vẫn đang bị cô lập

Đường bê tông Ba Vì đi thôn Mang Đen bị nước cuốn trôi nhiều đoạn, hiện không lưu thông được, người dân phải dựng cầu tạm để người dân qua lại
Đường bê tông Ba Vì đi thôn Mang Đen bị nước cuốn trôi nhiều đoạn, hiện không lưu thông được, người dân phải dựng cầu tạm để người dân qua lại

 

Ông Lê Hàn Phong- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: Đối với những vùng bị cô lập, chúng tôi đã thành lập các đoàn đem lương thực, nước uống đến cứu trợ cho người dân và nắm tình hình thiệt hại. Hiện chúng tôi vẫn chưa thống kê được hết thiệt hại vì nhiều vùng còn bị chia cắt, nhất là thiệt hại cây cối, hoa màu, tài sản và nhà cửa bị cuốn trôi. 

Còn tại những khu vực cầu bị nước lũ cuốn trôi, theo ông Lê Hàn Phong, trong thời điểm nước lũ còn  lớn và chảy xiết, huyện chỉ đạo chính quyền các địa phương nghiêm cấm người dân qua lại. "Trên địa bàn huyện có đến hơn 10 cầu bị sập hoàn toàn nên huyện rất khó để khắc phục được. Những cây cầu này, chính quyền địa phương phải nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước vì quá tầm của huyện"- ông Phong cho hay. 

Theo ước tính sơ bộ của huyện Ba Tơ, tổng giá trị thiệt hại đến thời điểm này ước tính trên 124 tỷ đồng. Hiện chính quyền huyện Ba Tơ đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khắc phục hậu quả trận lũ lịch sử này.

 

 Thanh Phương - Ngọc Đức


.