Làm rõ quy chế pháp lý của đảo, đá ở Biển Đông

09:08, 29/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là nội dung trao đổi của PGS,TS Phạm Đăng Phước - Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng với PV. Báo Quảng Ngãi về nội dung cuộc Hội thảo quốc tế: “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông”, do Trường Đại học Phạm Văn Đồng phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức trung tuần tháng 8 vừa qua tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa).

-PV: Xin ông cho biết nội dung, thành phần dự Hội thảo quốc tế lần này?

PGS,TS PHẠM ĐĂNG PHƯỚC: Hội thảo quốc tế lần này có chủ đề: “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông”, được tổ chức từ ngày 16 -18.8.2016. Có trên 100 đại biểu là các học giả quốc tế, Việt kiều, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu đến từ Mỹ, Bỉ, Anh, Ca-na-đa, Ô-xtrây-lia, Ấn Độ, Phi-líp-pin, Nhật Bản, Thái Lan, Đức, Việt Nam và đại diện một số bộ, ban, ngành và địa phương trong nước...

Nội dung hội thảo tập trung làm rõ quy chế pháp lý của các thực thể ở Biển Đông theo các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và kết quả phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Phi-líp-pin với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Đồng thời, làm rõ những cơ sở pháp lý, lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; phân định rõ các loại tranh chấp ở Biển Đông; xem xét các hành vi đơn phương làm thay đổi nguyên trạng cả về mặt thực địa và chiến lược ở Biển Đông, đe dọa đến hòa bình, ổn định ở khu vực, dưới góc độ pháp lý quốc tế và chính trị khu vực..
.
Phân tích, đánh giá vị trí, vai trò của luật pháp quốc tế và các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; phán quyết và tác động của phán quyết đối với tình hình Biển Đông...

-PV: Được biết, đây là lần thứ 3 Trường Đại học Phạm Văn Đồng chủ trì, phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế trong lĩnh vực này. Vậy nội dung hội thảo lần này có điểm mới gì không, thưa ông?

PGS,TS PHẠM ĐĂNG PHƯỚC: Hội thảo lần này mang tính thời sự cao, vì diễn ra sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết về vụ kiện giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc. Đây là phán quyết mang tính lịch sử, có tác động lớn đến sự phát triển của luật pháp quốc tế cũng như đối với tình hình khu vực Biển Đông. Đồng thời là cơ hội tốt để các chuyên gia trong các lĩnh vực luật pháp và an ninh - chính trị thảo luận sâu về chủ đề nêu trên, trong bối cảnh những diễn biến gần đây ở Biển Đông...

Hội thảo lần này có số lượng học giả quốc tế và trong nước tham dự đông hơn hai hội thảo trước, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với nội dung hội thảo nói riêng và hoạt động nghiên cứu về vấn đề này  của Việt Nam nói chung. Hội thảo cũng đề cập đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại nơi diễn ra hội thảo còn tổ chức triển lãm: “Bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

-PV: Hội thảo đã đi đến thống nhất những vấn đề gì, thưa ông?

PGS,TS PHẠM ĐĂNG PHƯỚC: Trên cơ sở các tham luận mang tính khoa học, khách quan và các trao đổi, thảo luận... hội thảo đã đi đến thống nhất những vấn đề sau:

- Nhấn mạnh sự cần thiết duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Biển Đông.

- Khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế ở khu vực Biển Đông không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực, mà còn đối với cộng đồng quốc tế.

- Tiếp tục khẳng định nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và việc áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp tại khu vực Biển Đông.

- Hoan nghênh phán quyết cuối cùng mang tính ràng buộc của Tòa Trọng tài ngày 12.7.2016 về vụ kiện ở khu vực Biển Đông theo Phụ lục VII, UNCLOS. Phán quyết của Tòa Trọng tài đã góp phần thu hẹp phạm vi địa lý của các tranh chấp, đồng thời mở ra cơ hội để giải quyết các tranh chấp, thúc đẩy hợp tác trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tại khu vực Biển Đông.

- Nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong việc thiết lập các cấu trúc an ninh khu vực và thúc đẩy các quá trình ngoại giao và pháp lý để giải quyết các tranh chấp ở khu vực Biển Đông, đồng thời hướng tới việc thực hiện đầy đủ DOC và sớm hoàn thiện COC. Từ đó mở ra các cơ hội để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Biển Đông.

- Bày tỏ mong muốn tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế về chủ đề Biển Đông, để mở rộng mạng lưới nghiên cứu giữa các tổ chức, các học giả có quan tâm, nhằm đưa ra các đề xuất về chính sách đối với các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức quốc tế với mục đích tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định,  hợp tác và một trật tự pháp lý thuận lợi dựa trên luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông.

-PV: Xin cảm ơn ông!


P.Đức- T.Phương
 (thực hiện)
 


.