Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân- Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy:
Công tác dân vận phải luôn gần dân, sát dân và lắng nghe dân

09:10, 08/10/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Nhân kỷ niệm Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15.10.1930 – 15.10.2015) và tổng kết phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2011-2015, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân- Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đã trả lời phỏng vấn báo Quảng Ngãi điện tử xoay quanh những kết quả đạt được trong công tác dân vận giai đoạn 2011-2015.
 
*  Nhìn lại những kết quả đạt được trong công tác dân vận 5 năm qua (2011-2015), đồng chí tâm đắc nhất là gì?
 

* Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân: Xác định công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chính vì vậy trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận.   

Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân
Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân

Nhìn lại những kết quả đạt được trong công tác dân vận trong thời gian qua có nhiều điều tôi cảm thấy tâm đắc.  Đó là, nhiều mô hình hay trong phong trào thi đua “dân vận khéo” đã được nhân rộng, qua đó huy động mọi nguồn lực trong nhân dân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Ngoài việc Bí thư cấp ủy thực hiện trực tiếp đối thoại với nhân dân thì đến nay đã có 14/14 huyện, thành phố; 25/25 sở, ban ngành của tỉnh, 147/184 xã, thị trấn và các phòng ban trực thuộc các huyện đã phân công phụ trách công tác dân vận. Đã có 50 lượt giám đốc sở, ngành thực hiện đối thoại với dân trên sóng truyền hình. Qua đó, không chỉ tạo mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân ngày càng gắn bó mật thiết mà phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân trong xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

* Trong những năm qua, phong trào “dân vận khéo” đã phát huy được hiệu quả sức mạnh tổng hợp trong nhân dân, đặc biệt là xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực. Vậy, đồng chí có thể nói rõ hơn về kết quả phong trào “Dân vận khéo” này?
 
* Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân: Ban Dân vận các cấp đã tham mưu cho cấp ủy đảng chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực. Công tác phổ biến, tuyên truyền được chú trọng và đạt hiệu quả cao. Công tác phối hợp giữa chính quyền với dân vận, mặt trận và các tổ chức chính trị trị- xã hội được triển khai đồng bộ. Các địa phương, đơn vị đã xây dựng nhiều mô hình sát với tình hình thực tế tại địa phương.
 
Ban dân vận Tỉnh ủy đã vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh như: Thực hiện xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với cải cách thủ tục hành chính; Dân vận khéo trong vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, trong thực hiện công tác bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng; trong phòng chống tệ nạn xã hội và trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong chăm sóc gia đình chính sách, hỗ trợ người nghèo… 
 
Đối với các cấp chính quyền, thông qua việc thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo đã xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực như: mô hình vận động nông dân xây dựng các tiêu chí nông thôn mới như: dồn điền, đổi thửa, hiến đất dọn tường rào, cổng ngõ, bàn giao mặt bằng làm giao thông nông thôn; chương trình thắp sáng đường quê.
 
Thông qua công tác dân vận, việc huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới đã phát huy khá hiệu quả.
Thông qua công tác dân vận, việc huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới đã phát huy khá hiệu quả.
 
Mặt trận, các hội đoàn thể và các tổ chức chính trị cũng được phát huy sức mạnh, nổi bật là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; Ngày vì người nghèo, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… được triển khai quy mô, lồng ghép với nhiều nội dung, chương trình và thực sự đi vào cuộc sống. 
 
Trong giai đoạn 2011-2015, Quỹ vì người nghèo các cấp đã huy động được 140 tỷ đồng; đã vận động được gần 40 tỷ đồng “Quỹ cứu trợ” để hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, bệnh hiểm nghèo. Đã vận động 126 tỷ đồng thực hiện chương trình an sinh xã hội, 88 tỷ đồng xây dựng 1.630 nhà cho người nghèo. Các phong trào của Hội LHPN, Đoàn thanh niên, CCB, Hội nông dân… cũng đã phát huy hiệu quả. 
 
Trong đó nổi bật là cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình hạnh phúc”, phong trào “hủ gạo tiết kiệm, ống tiền tiết kiệm” của Hội LHPN; phong trào “Hiến máu tình nguyện”, “Nhà nhân ái” “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, “Nhà bán trí dân nuôi”, “Quán cơm Nụ cười sông Trà”, “Thắp sáng đường quê”… của Đoàn TN và Hội LHTNVN tỉnh. Phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” của Hội nông dân…
 
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương về công tác vận động Nhân dân của Đảng. Từ việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”, các địa phương, đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp sáng tạo, cách làm hay và đúc kết được nhiều kinh nghiệm tốt trong công tác vận động nhân dân, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
 
* Bên cạnh những kết quả đạt được thì theo nhận định, công tác dân vận trong thời gian qua một số nơi vẫn chưa hiệu quả. Đồng chí đánh giá như thế nào về những nhận định trên? 
 
* Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân: Đánh giá trên là đúng với thực tế trong công tác dân vận thời gian qua. Phải nói rằng, bên cạnh những kết quả đạt được như nêu ở trên thì một số cấp ủy đảng, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trong của công tác dân vận nói chung, thực hiện “Dân vận khéo” nói riêng. Chính vì vậy mà nội dung và phương thực thực hiện công tác dân vận chậm được đổi mới. Việc tiếp thu những kiến nghị, ý kiến của người dân chậm được giải quyết.
 
Một số nơi, việc thực hiện phong trào thi đua “dân vận khéo” còn mang tính hình thức, một số địa phương, đơn vị còn lúng túng, bị động nên hiệu quả không cao. Mặt trận, các tổ chức chính trị chưa phát huy hết vai trò của mình để vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong tham gia góp ý, bàn bạc để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các phong trào, cuộc vận động tại địa phương. Một điều nữa là việc lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng mô hình còn bất cập, nhiều mô hình chưa có sức lan tỏa đến các tổ chức chính trị và cộng đồng dân cư.
 
* Vậy giải pháp khắc phục những hạn chế trên trong thời gian tới là gì thưa đồng chí?
 
  * Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân: Qua kinh nghiệm cũng như kết quả đạt được trong công tác dân vận trong những năm qua, để khắc phục những hạn chế, yếu kém, theo tôi trong thời gian đến cần tiếp tục chỉ đạo triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và các văn bản hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương, chỉ đạo của Tỉnh ủy về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
 
Nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính- xã hội trong việc nghiên cứu, tổng hợp và phổ biến những kinh nghiệm hay, cách làm hay, sáng tạo, nhân rộng và duy trì, phát triển bền vững các mô hình “Dân vận khéo” đã có, đồng thời tập trung xây dựng các mô hình mới thiết thực. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải thực sự chất lượng, đi vào chiều sâu.
 
Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Cán bộ dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải sâu sát dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân và tích cực tham gia giải quyết những vấn đề do tình hình thực tế đặt ra trong đời sống xã hội. 
 
* Xin cám ơn đồng chí!
 
M.Toàn ( Thực hiện)
 

.