(QNĐT)- Phan Long Bằng người làng Thanh Sơn, tổng Phổ Vân (nay là thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường) huyện Đức Phổ; con trai nhà nho Phan Long Thắng - một người lúc sinh thời được tổng Phổ Vân gọi là "trí bồ", ngụ ý khen ngợi có cả bồ chữ nghĩa trong đầu.
Phan Long Bằng học chữ Hán với cụ thân sinh từ nhỏ. Đến khoảng 13 - 15 tuổi, ông lại tìm thầy học chữ Pháp, Quốc ngữ, toán pháp, cách vật trí tri (khoa học thường thức) và nổi tiếng là một thần đồng.
Năm 1905, ba nhà chí sỹ khởi xướng phong trào Duy Tân Trung Kỳ là Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng có chuyến đi quan sát tình hình và vận động Duy Tân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận.
Trao bằng công nhận Mộ và Nhà thờ Phan Long Bằng là di tích cấp tỉnh. |
Tại Quảng Ngãi, các ông đã có dịp hội kiến, bàn bạc với các nhà yêu nước Lê Đình Cẩn, Lê Tựu Khiết... những người về sau trở thành các yếu nhân của Duy Tân hội Quảng Ngãi. Vào đến Bình Định, gặp kỳ khảo hạch của quan tỉnh chuẩn bị cho kỳ thi năm sau, bộ ba Duy Tân Phan, Trần, Huỳnh mạo danh thí sinh làm các bài Phú, Thi, Văn sách, tố cáo lối học khoa cử, từ chương, cổ hủ, chuộng hư danh, kêu gọi Duy Tân - yêu nước khiến các quan đầu tỉnh Bình Định bàng hoàng.
Cũng vào lúc này, sĩ tử Quảng Ngãi bắt đầu lều chõng vào Bình Định dự kỳ thi Hương khoa Bính ngọ (1906), trong số đó có Bùi Phụ Thiệu, Phạm Cao Đàm, Phan Long Bằng ...
Thí trường mở cửa, kỳ I rồi kỳ II điễn ra bình thường theo thông lệ. Đến kỳ III (Tam Trường) thì nảy chuyện “động trời”. Hầu hết thí sinh Quảng Ngãi, trong đó có Phan Long Bằng, đồng loạt viết vào bài thi những bài thơ văn yêu nước, coi nhẹ công danh, gây nên vụ náo loạn ở Trường thi Bình Định rồi cùng nhau bỏ trường về quê nhà. Sự kiện hy hữu này tạo một tiếng vang lớn trong giới khoa bảng, sỹ tử khắp Trung kỳ lúc bấy giờ.
Trở về quê nhà, hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà yêu nước theo khuynh hướng Duy Tân, Phan Long Bằng tham gia Duy Tân hội Quảng Ngãi, mở trường dạy học ở vùng chợ Cung (nay thuộc thôn Thủy Thạch, xã Phổ Cường) để truyền đạt kiến thức cho thanh, thiếu niên trong vùng, góp phần mở mang dân trí, di dưỡng và bồi đắp ý chí phục quốc.
Trường học của ông cũng được dùng làm địa điểm liên lạc phía Nam của các nhà Duy Tân tại Quảng Ngãi. Trong thời gian này, ngoài việc dạy học, Phan Long Bằng còn tiếp tục học thêm cả cựu học lẫn tân học để làm giàu thêm tri thức, đồng thời sáng tác nhiều thơ, vè, tuồng phổ biến trong dân gian đả kích bọn quan lại, cường hào sâu dân mọt nước, cổ xúy Duy Tân, ngấm ngầm kêu gọi đồng bào thức tỉnh, dũng cảm đứng lên chống lại bạo quyền. Từ bọn chức dịch cấp thấp hàng lý trưởng, chánh Tổng đến Tuần vũ Lê Từ, khâm sứ Pháp Daudet đều đã từng nếm mùi đòn bút của Phan Long Bằng.
Năm 1908, phong trào Kháng thuế - Cự sưu của nhân dân Quảng Nam - Quảng Ngãi và cả Trung kỳ nổi lên rầm rộ. Phan Long Bằng được Duy Tân hội Quảng Ngãi giao nhiệm vụ dẫn đầu nhóm hội viên và thanh niên tích cực (gồm Lê Lân, Nguyễn Đinh, Nguyễn Huy, Tạ Trang, Phan Cẩn…) vận động nhân dân Mộ Đức, Đức Phổ kéo vào phía Nam đèo Bình Đê chi viện cho phong trào của đồng bào Bình Định.
Tiếp theo Quảng Nam, Quảng Ngãi, cuộc đấu tranh của nhân dân Bình Định ngày càng quyết liệt, từ ngày 18 đến 30/4/1908, những người kháng thuế - cự sưu bao vây thành Bình Định, đưa các yêu sách đòi giảm sưu, giảm thuế, trừng trị bọn quan lại gian tham.
Cũng như ở khắp Trung kỳ, cuộc đấu tranh của dân nghèo Bình Định bị thực dân - phong kiến đàn áp dã man. Phan Long Bằng bị bắt, bị xử chém rồi đem bêu đầu ở cửa Đông thành Bình Định. Sau khi ông bị hại, thi hài được nhân sĩ và người dân Bình Định chôn cất, chăm lo hương khói; nhiều năm về sau, họ hàng, thân tộc mới đưa về an táng ở quê nhà.
Cái chết anh dũng của Phan Long Bằng để lại niềm thương tiếc sâu xa trong lòng sĩ phu và nhân dân 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Nhiều làng xã ở phía bắc Bình Định và nam Quảng Ngãi bí mật tổ chức lễ tưởng vọng ông, một số nơi còn lập miếu thờ dưới hình thức miếu sơn thần, thổ địa… để tránh sự dòm ngó của mật thám Pháp và tay sai Nam triều.
Về năm sinh của Phan Long Bằng, nhiều tài liệu hiện lưu hành ghi là năm Bính Tuất (1886). Tuy nhiên, theo ông Phan Long Phương (người phụng tự, cháu đời thứ 4), trong gia đình có truyền tụng câu nói “sinh ư dậu, tử ư dậu” (sinh năm dậu, mất cũng năm dậu), ngụ ý nhắc nhở con cháu về năm sinh, năm mất của Phan Long Bằng.
Mộ Phan Long Bằng |
Điều này phù hợp với nội dung “Thanh Sơn bi tự” (chữ Hán) khắc trên bia đá dựng ở mộ ông (thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ) do “bản xã toàn dân phụng cúng” vào năm Đinh Dậu (1957) và người đứng tên phụng tự là Phan Long Mý – cháu gọi Phan Long Bằng là chú ruột.
Mặt trước bia mộ có những dòng chữ: Nguyên sanh Ất Dậu niên, tứ ngoạt, sơ nhứt nhựt; Bất hạnh kỷ dậu niên, lục ngoạt, sơ thất nhựt (tạm dịch: Sinh ngày mồng một, tháng tư, năm Ất Dậu; mất ngày mồng bảy, tháng sáu, năm Kỷ Dậu). Tấm bia này về sau bị hư hại, gia đình có dựng lại một bia khác, không khắc chữ Hán như nguyên gốc mà phiên âm ra Quốc ngữ, song nội dung giữ nguyên như bia cũ.
Như vậy, rất có thể nhà yêu nước Phan Long Bằng sinh vào năm ất dậu (1885) mà không phải Bính Tuất (1886) như các tài liệu biên soạn gần đây. Thông tin từ bài văn bia cũng cho biết, Phan Long Bằng “bất hạnh” vào năm Kỷ Dậu (1909). Phải chăng, ông bị kẻ thù bắt giam năm 1908, nhưng đến năm sau (1909) mới bị đem xử chém?
Phan Long Bằng không có con, khi mất người phụng tự là Phan Long Mý (con trai người anh ruột), còn hiện nay là Phan Long Phương, cháu nội Phan Long Mý.
Là nhà yêu nước – hiến cả thân mình vì nghiệp lớn, Phan Long Bằng đồng thời cũng là một nhà giáo đáng kính. Ông cùng với Lê Đình Cẩn, Phạm Cao Chẩm, Từ Hữu Lập... là những nhân vật góp phần đáng kể vào sự nghiệp truyền bá chữ Quốc ngữ những năm đầu thế kỷ XX tại Quảng Ngãi.
Mộ và nhà thờ Phan Long Bằng đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Tại thành phố Quảng Ngãi cũng có một con đường mang tên ông.
Lê Hồng Khánh
*Đón đọc kỳ tới: Trương Quang Cận (1787 – 1926).
TIN LIÊN QUAN |
---|