NGUYỄN TỰ TÂN (1848 - 1885)

04:12, 24/12/2012
.

(QNĐT)- Nguyễn Tự Tân (Tú Tân) sinh năm Mậu Tý - 1848, người làng Trung Sơn, nay thuộc xã Bình Phước, huyện Bình Sơn. Ông cùng với LêTrung Đình là những người giữ vai trò quan trọng trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương đầu tiên trong cả nước diễn ra tại Quảng Ngãi vào đầu tháng sáu năm Ất Dậu - 1885.
 

TIN LIÊN QUAN


Tương truyền Nguyễn Tự Tân là người tướng mạo oai vệ, quắc thước, trán cao, mắt sáng, giọng nói hào sảng, lộ rõ khí phách của một đấng trượng phu sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn.

Năm Mậu Thìn -1868 Nguyễn Tự Tân thi đỗ tú tài tại trường thi Hương Bình Định. Cũng vào thời điểm này, quân Pháp đã thôn tính các tỉnh Nam Kỳ và đang lăm le xâm chiếm cả nước ta. Là người cương trực, khí khái, Nguyễn Tự Tân không tiếp tục đi thi mà ở nhà dự mưu vào các hoạt động chuẩn bị kháng Pháp.

 

Mộ và nhà thờ Nguyễn Tự Tân tại thôn Phước Thọ, xã Bình Phước, Bình Sơn.
Mộ và nhà thờ Nguyễn Tự Tân tại thôn Phước Thọ, xã Bình Phước, Bình Sơn.


Cùng với Nguyễn Thông - Bố Chánh Quảng Ngãi, ông và nhiều sĩ phu yêu nước tỉnh nhà xúc tiến hình thành các đội Hương binh, thành lập Nghĩa hội chống Pháp, xây dựng căn cứ ở Tuyền Tung - một vùng thung lũng phía Tây Bắc phủ Bình Sơn, địa thế hết sức hiểm yếu, bao quanh là núi cao. Từ đây có những con đường thông thương với đồng bằng phía Đông (Bình Sơn), Đông Nam (Sơn Tịnh), đồng thời theo các sơn đạo vào Nam, ra Bắc, ngược lên miền rừng núi phía Tây.

Thư tịch chép rằng: Trong thời gian làm Bố chánh Quảng Ngãi (1869 – 1872), Nguyễn Thông đã bí mật liên kết với các sĩ phu yêu nước như Nguyễn Duy Cung, Nguyễn Tự Tân... chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống lại hoạ xâm lăng. Lợi dụng chính sách khai hoang lập ấp, mở dinh điền của triều đình. Nguyễn Tự Tân đã chiêu mộ nông dân Bình Sơn đến khai hoang vùng đất Tuyền Tung, xây dựng nơi đây thành căn cứ địa, tích trữ lương thảo, luyện tập hương binh.

Đến những năm 1871 - 1872, nhờ tài vận động, tổ chức của Nguyễn Tự Tân, Tuyền Tung trở thành một vùng khai thác kinh tế đồng thời là một căn cứ kháng chiến dự phòng, liên lạc thường xuyên với vùng miền núi Trà Bồng, Sơn Hà (Quảng Ngãi) và miền núi Tây Nam tỉnh Quảng Nam. Ông cũng tổ chức khai thác quặng sắt ở vùng Lò Thổi (nay thuộc xã Bình Khương) để rèn đúc vũ khí rồi đem cất giấu tại các kho bí mật quanh núi Ngũ Chỉ.

Mặc khác, Nguyễn Tự Tân còn bắt liên lạc với các sĩ phu yêu nước ở Quảng Nam (như Nguyễn Duy Hiệu - sau này trở thành thủ lĩnh Cần Vương Quảng Nam) và Bình Định (Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Cang...) để phối hợp hành động.

Từ cuối năm 1884 đến đầu năm 1885, các đội hương binh ở Quảng Ngãi đã hình thành và liên kết dưới sự lãnh đạo của Cử nhân Lê Trung Đình (Tả vệ  hương binh chánh quản) và Tú tài Nguyễn Tự Tân (Hữu vệ hương binh phó quản), lấy Tuyền Tung làm chiến khu, thu hút sự hậu thuẫn của đông đảo nhân sĩ và nhân dân, kể cả một số binh lính đóng trong thành Quảng Ngãi.

Mộ và nhà thờ Nguyễn Tự Tân tại thôn Phước Thọ, xã Bình Phước, Bình Sơn.
Học sinh Trường THCS mang tên Nguyễn Tự Tân (TT. Châu Ổ) trong ngày khai giảng năm học 2012-2013


Ngày 13/7/1885 (1/6 năm Ất Dậu), ngay sau khi tiếp chiếu Cần Vương,  chánh quản hương binh  Lê Trung Đình cùng phó quản Nguyễn Tự  Tân và một số thủ lĩnh đã nhanh chóng tập hợp dân binh, kêu gọi mọi người đứng lên phò vua, cứu nước.

Từ Tuyền Tung và nhiều nơi khác, nghĩa quân Cần Vương hưởng ứng sôi nổi, rập rập tiến về điểm hội quân tại đền Văn Thánh (Văn miếu Quảng Ngãi) sau đó theo lệnh Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân chia làm 3 mũi đánh chiếm thành Quảng Ngãi. Cuộc khởi nghĩa Cần Vương đầu tiên trong cả nước sau đó bị thất bại do sự hèn nhát của  quan  quân triều Nguyễn và sự phản bội của Nguyễn Thân. Chánh tướng Lê Trung Đình bị bắt, phó tướng Nguyễn Tự Tân hy sinh tại trận tiền.

Cùng với Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân là người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở, lực lượng, mở đầu cho phong trào yêu nước kháng Pháp liên tục, kiên cường của nhân dân và sĩ phu Quảng Ngãi.

Ghi nhớ công ơn vị quốc vong thân của nhà chí sỹ, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong một thời gian, phủ Bình Sơn đổi thành phủ Nguyễn Tự Tân. Hiện nay, một con đường lớn ở thành phố Quảng Ngãi và một trường trung học cơ sở ở huyện Bình Sơn cũng vinh dự mang tên ông.

Nhà thờ và mộ ông Nguyễn Tự Tân (thôn Phước Thọ xã Bình Phước, huyện Bình Sơn), đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm1996.


                                                                    Lê Hồng Khánh
 


*Đón đọc kỳ tới: Nguyễn Bá Loan


 


CÁC TIN KHÁC
.