Nguyễn Bá Loan (1857 - 1908)

09:01, 03/01/2013
.

(QNĐT)- Nguyễn Bá Loan (Ấm Loan) là chí sĩ yêu nước, tham gia các phong trào Cần Vương, Duy Tân, Kháng thuế - cự sưu. Ông sinh năm Đinh Tỵ -1857 tại làng Lạc Phố, nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức.

TIN LIÊN QUAN


Thân phụ Nguyễn Bá Loan là Nguyễn Bá Nghi, đỗ cử nhân năm Tân Mão (1831), đỗ Phó bảng năm Nhâm Thìn (1832), là người có kiến thức uyên bác, làm quan trải qua ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

Thân mẫu ông là bà Trương Thị Liễu Tề, con gái nhà họ Trương ở Mỹ Khê (Sơn Tịnh) - một dòng họ danh gia vọng tộc. Bà Trương tính tình hiền đức, công dung ngôn hạnh, hiểu văn thơ, giỏi dệt lụa, quán xuyến gia đình, là người có ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của Nguyễn Bá Loan.

 

 Mộ ông Nguyễn Bá Loan tại xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành.
Mộ ông Nguyễn Bá Loan tại xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành.


Dù là con của một đại thần, nhưng thấu cảnh nước mất nhà tan, Nguyễn Bá Loan tạm gác con đường công danh khoa cử mà dấn thân vào cuộc đấu tranh cứu nước, cứu dân. Cùng với nhiều văn thân, sĩ phu trong tỉnh, ông tham gia nghĩa hội Cần Vương từ rất sớm.

Tháng 7/1885, khi quân khởi nghĩa do Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân lãnh đạo chiếm được tỉnh thành, Nguyễn Bá Loan tiếp tục tập hợp hương dũng, xây dựng lực lượng ở vùng Mộ Đức.

Nhận được tin Nguyễn Thân phản bội, chiếm lại tỉnh thành Quảng Ngãi, ông dẫn cánh quân Mộ Đức ngược lên phía Tây chiếm lĩnh Sơn Phòng. Khi Nguyễn Thân kéo quân bao vây Sơn Phòng, nhận thấy tình thế bất lợi, nhất là sự chênh lệch về cán cân lực lượng, ông rút quân về căn cứ dự phòng để bảo toàn sinh lực, rồi đưa quân theo đường núi quay ra phía Bắc hội quân với Nguyễn Tấn Kỳ tại căn cứ Tuyền Tung, nay thuộc xã Bình An, huyện Bình Sơn. Lực lượng này lại hợp nhất với nghĩa quân Cần Vương Quảng Nam do Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Hàm lãnh đạo.

Tháng 8/1885, nghĩa quân Cần Vương Nam - Ngãi tấn công quân Nguyễn Thân ở mạn nam phủ lỵ Bình Sơn, gây cho chúng thiệt hại nặng, giết chết Nguyễn Thuyên, một tùy tướng của Nguyễn Thân. Quân Nguyễn Thân thua to, bỏ chạy về tỉnh lỵ. Sau đó Nguyễn Thân huy động thêm lực lượng Sơn Phòng, nhờ người vào Quy Nhơn xin súng Pháp, phản công liên tục, đẩy nghĩa quân vào thế suy yếu, tan rã.

Không nản chí, Nguyễn Bá Loan lại bí mật vào Bình Định gặp thầy học là Cử nhân Nguyễn Duy Cung, người làng Vạn Tượng, huyện Chương Nghĩa, nay thuộc thành phố Quảng Ngãi. Lúc bấy giờ Nguyễn Duy Cung đang giữ chức Án Sát ở Bình Định, có liên hệ mật thiết với phong trào Cần Vương.

Qua Nguyễn Duy Cung, Nguyễn Bá Loan liên hệ với thủ lĩnh Cần Vương Bình Định là Mai Xuân Thưởng để phối hợp kháng Pháp.

Trở về Quảng Ngãi, Nguyễn Bá Loan tổ chức lại lực lượng chống Nguyễn Thân. Nhưng một lần nữa, nghĩa quân thất bại, ông đưa quân vào Bình Định, liên kết với Mai Xuân Thưởng chiến đấu. Năm 1888, Mai Xuân Thưởng hy sinh, Nguyễn Bá Loan biệt tích.

Có giả thuyết cho rằng, Nguyễn Bá Loan đã lánh vào khu dinh điền ty địa của Nguyễn Thông (một quan lại yêu nước người Nam bộ, từng có thời làm quan ở Quảng Ngãi) ở Bình Thuận, sau đó vào vùng Đồng Nai dạy học, giấu tung tích.

Năm 1905, khi tình hình tạm yên, Nguyễn Bá Loan về lại quê nhà, gặp Lê Đình Cẩn và gia nhập Duy Tân hội, lúc bấy giờ vừa nhóm lên ở Quảng Ngãi. Ông nhận trách nhiệm xây dựng nông trại ở Tình Phú (nay thuộc xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành), dạy chữ quốc ngữ, góp phần thực hiện chủ trương "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh", ủng hộ việc cử người liên hệ với Phan Bội Châu, mua sắm vũ khí và chuẩn bị khởi nghĩa. Năm 1907, Lê Đình Cẩn bị giặc bắt, Nguyễn Bá Loan đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Duy Tân hội Quảng Ngãi.

Ngày 24/3/1908, nhân dân Phủ Bình Sơn kéo vào tỉnh thành đưa đơn xin khất thuế, mở đầu phong trào Kháng thuế - Cự sưu rầm rộ khắp 6 phủ, huyện của tỉnh Quảng Ngãi. Để kịp thời hướng dẫn quần chúng đấu tranh, Duy Tân hội cử người đứng ra giúp đỡ, hỗ trợ phong trào.

Nhà thờ họ Nguyễn ở thôn Năng An, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức – nơi thờ phụng Phó bảng Nguyễn Bá Nghi và con trai Nguyễn Bá Loan.
Nhà thờ họ Nguyễn ở thôn Năng An, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức – nơi thờ phụng Phó bảng Nguyễn Bá Nghi và con trai Nguyễn Bá Loan.


Nguyễn Bá Loan cùng  Lê Tựu Khiết (người huyện Nghĩa Hành), Phạm Tuân, Nguyễn Đình Quản (người huyện Sơn Tịnh), Phạm Mỹ, Phạm Cao Chẩm (người huyện Tư Nghĩa) đứng vào ban lãnh đạo cuộc đấu tranh. Thực dân Pháp và Nam Triều đàn áp dữ dội phong trào, Nguyễn Bá Loan bị bắt ngày 7/4/1908.

Sau hơn nửa tháng giam cầm, tra tấn, kẻ thù đưa Nguyễn Bá Loan ra xử chém tại khu vực bờ xe nước phía Đông tỉnh thành Quảng Ngãi vào ngày 24/4/1908. Cùng bị hành hình với ông có nhiều thủ lĩnh khác của Duy Tân hội như Lê Tựu Khiết, Trần Chót, Nguyễn Đến... Di hài Nguyễn Bá Loan sau đó được một số đồng chí thân tín còn trốn thoát như Lê Viết Hòa, Nguyễn Công Phương bí mật đưa về chôn cất dưới chân núi An Đại (xã Nghĩa Phương, Tư Nghĩa).

Năm 1945, hài cốt Nguyễn Bá Loan được Nguyễn Công Phương và gia tộc chuyển về an táng tại thôn Tình Phú, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành – nơi ghi dấu một đoạn đời tranh đấu kiên cường của nhà chí sĩ. Hiện nay Nguyễn Bá Loan được thờ phụng tại nhà thờ họ Nguyễn (thôn Năng An, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức) cùng với người cha là nhà khoa bảng – đại thần Nguyễn Bá Nghi.

Nguyễn Bá Loan là một trong những đại diện tiêu biểu cho tầng lớp sĩ phu – văn thân giàu nghĩa khí trong phong trào yêu nước, kháng Pháp nửa đầu thế kỷ XIX.

Ngôi mộ Nguyễn Bá Loan ở làng Tình Phú đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi trùng tu vào năm 1997. Một con đường ở thành phố Quảng Ngãi và một trường học ở huyện Mộ Đức cũng vinh dự mang tên nhà yêu nước đã hy sinh kiên cường vì sự nghiệp chống ngoại xâm.


                                                             Lê Hồng Khánh


* Đón đọc kỳ tới: Lê Tựu Khiết
 


CÁC TIN KHÁC
.