Người nặn hình nhân trên đảo Lý Sơn

04:04, 21/04/2010
.

(QNĐT) - Nếu ngư dân nào đó trên đảo chẳng may gặp nạn trên biển mà không tìm được xác, thì thân nhân lại tìm đến và nhờ ông nặn một hình nhân bằng đất sét, rồi đem về mai táng. Họ tin rằng làm như vậy thì linh hồn của người xấu số sẽ không bị phiêu bạt lang thang khắp noi, mà sẽ tìm được đường về và "ngụ" tại quê nhà.

*Hình nhân cho người sống và người đã chết
Dù đã nhờ người con dâu hẹn giúp, thế nhưng phải đi đến lần thứ 3 tôi mới gặp được cụ Võ Văn Toại (71 tuổi), ở thôn Đông, xã An Vĩnh, truyền nhân đời thứ 8 của của dòng họ duy nhất ở đảo làm công việc này.

Cụ Toại bên chiếc cối giã đất để làm hình nhân được truyền từ đời trước.
Cụ Toại bên chiếc cối giã đất để làm hình nhân được truyền từ đời trước.
 
Khác với những gì đã nghĩ và hình dung, tuy bước qua cái tuổi "thất thập cổ lai hi", thế nhưng cụ vẫn rất khoẻ và khá cởi mở. Đưa mắt nhìn về phía khơi xa, cụ Toại chậm rãi: Trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của người dân trên đảo, có một nghi thức không thể thiếu đó là dùng hình nhân để thế mạng cho người trước khi được cử đi Hoàng Sa.

Theo lời cụ Toại thì vào thời điểm lúc bây giờ, với phương tiện chỉ là chiếc xuồng chèo tay, mà người đi phải lênh đênh trên biển cả mênh mông cả nữa năm trời, đối mặt với bao hiểm hoạ: Gió, bão... nên khó mà có cơ may trở về.

Vì thế trước khi đi cùng với nhiều nghi thức khác để cầu may sự bình an, người đi sẽ được nặn một hình nhân bằng bột gạo, hoặc đất sét, rồi bỏ vào một chiếc thuyền làm bằng bẹ chuối và thả ra biển. Họ tin rằng làm như thế thì hình nhân kia đã thay thế mạng cho những người sắp ra đi, họ đã một lần "chết" nên không thể chết nữa dù phải đối mặt với bao hiểm hoạ sóng to, gió lớn vẫn sẽ được bình yên để trở về.

Không những "chết thay" cho người sống, mà khi ngư dân nào đó trên đảo bị nạn khi đi biển mà không tìm được xác, thì hình nhân cũng sẽ giúp cho linh hồn người đó tìm được đường về quê hương, không lưu lạc trên đại dương. Và niềm tin mang màu sắc tâm linh đó còn duy trì mãi đến tận bây giờ.

*Nghề, hay nghiệp ?
Cụ Toại tâm sự: Cũng làm nghề biển, thế nhưng không hiểu sao chỉ ở Lý Sơn người dân mới có tập tục này. Ngày trước do cuộc sống, điều kiện kinh tế của người dân trên đảo còn nhiều khó khăn, trong khi đó mỗi lần nặn hình nhân phải thực hiện nhiều nghi lễ rất tốn kém như: Cúng lên cốt (thực hiện trước khi lấy đất sét về); mời Bà mụ về chứng giám (trước khi bỏ đất cùng với bông gòn để giã nhuyễn); nặn xong cúng khai khoang nhập cốt (gọi hồn nhập vào hình nhân)... cho nên thường nhiều gia đình có người bị nạn góp lại.

Nguyên liệu để làm hình nhân thì đơn giản và đều có sẵn trên đảo, thế nhưng nguyên liệu đó phải lấy đúng ở những nơi qui định: Đất sét phải lấy từ núi Giếng Tiền, rồi đem bỏ vào cối cùng với bông gòn và giã thật nhuyễn. Dùng cây dâu tằm tước bỏ vỏ để làm xương sườn, với số lượng đàn ông là 7 cái, đàn bàn 9 cái. Để nặn phổi, tim của hình nhân phải lấy đất ở ngã 3. Nhưng trước khi lấy phải cột con gà trống và chờ khi nào gà mổ chỗ nào thì lấy đúng nơi đó, rồi trộn trứng gà... để làm.

Gan thì dùng than cây Thầu dầu (Đu đủ tía). Còn ruột hình dân trước kia thì sử dụng kén tằm, nhưng gần đây sử dụng chỉ màu. Sau khi nặn xong dùng giấy vàng cắt thành quần áo để mặc. Việc nặn hình nhân thực hiện vào ban đêm, thông thường bắt đầu khoảng 22 giờ và kéo dài đến khoảng 4 giờ ngày hôm sau thì hoàn thành.

Mỗi hình nhân có trọng lượng trung bình khoảng 7 kg.  Khi hình nhân hoàn thành, người thân sẽ cử hành nghi lễ mai táng như người bình thường. Cũng đắp mộ, nhưng có điều bên trong không có xác người đã khuất mà chỉ là hình nhân. Vì thế những ngôi mộ này được người dân địa phương gọi là mộ gió.

Kể từ khi được truyền và hành nghề từ khi 17 tuổi đến nay mình đã nặn được bao nhiêu hình nhân? Và vì sao chỉ ở đất đảo Lý Sơn người dân mới có tập tục này? thì cụ Toại không nhớ và giải thích được.

Thế nhưng lí do để cụ gắn bó với nghề này cho đến tận bây giờ chính là vì: Dù chỉ mang tính tâm linh và hình nhân cũng chỉ là vật vô tri vô giác, thế nhưng nó làm vơi đi phần nào nỗi mất mát, đau thương cho người thân của những ngư dân bị nạn trong con đường mưu sinh vất vả, đầy nguy hiểm. Và hiện trong số 8 người con của cụ Toại, thì người con trai thứ 5 được cụ chọn để tiếp tục công việc này.
                              
 Bài, ảnh: C.Hoàng

CÁC TIN KHÁC
.