Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Chính sách đã có, chỉ chờ thực thi

10:03, 03/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù được xem là cú huých giúp “nông nghiệp đổi mới, nông thôn đổi đời” nhưng để những nội dung của Nghị định 210/2013/NĐ-CP về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (có hiệu lực từ ngày 10.2.2014) tiếp cận thực tế là điều không đơn giản, nhất là khi mối liên kết giữa nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp còn quá lỏng lẻo…

Mong manh “4 nhà”

Nhờ nhà máy bố trí máy móc đào rãnh, cán bộ hướng dẫn kỹ thuật canh tác mà người trồng mía Sơn Cao (Sơn Hà) tăng thu, giảm chi.
Nhờ nhà máy bố trí máy móc đào rãnh, cán bộ hướng dẫn kỹ thuật canh tác mà người trồng mía Sơn Cao (Sơn Hà) tăng thu, giảm chi.



Không phải trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa rồi, người trồng rau trong tỉnh mới lao đao vì các loại rau, củ, quả có giá rẻ như bèo, phải cắt bỏ hoặc dùng làm thức ăn cho trâu, bò… mà đây vốn là chuyện thường niên, tức năm nào cũng có, vụ nào cũng xảy ra.  
 

 Theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP, nhà đầu tư, DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ được Nhà nước ưu đãi về đất đai (miễn, giảm 50 - 70% tiền sử dụng đất, thuê đất, thuê mặt nước và tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất…); hỗ trợ đầu tư với mức 50 - 70% chi phí đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ, 2 tỷ đồng/dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm và 3 - 5 tỷ đồng/dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc có quy mô tập trung, 40-100 triệu đồng/100 m3 lồng nuôi đối với nuôi trồng hải sản tập trung trên biển hoặc ven hải đảo, hỗ trợ không quá 60 - 70% chi phí đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản và chế biến nông lâm thủy sản…

Vì sao điệp khúc trên vẫn tồn tại dẫu người nông dân biết kiểu sản xuất ồ ạt, thấy gì làm nấy của mình sẽ dẫn đến hệ quả đó. Nếu các ngành chức năng có thể giúp họ định hướng được loại sản phẩm phù hợp với từng vùng, mùa và nhu cầu thị trường thì chuyện “được mùa rớt giá” khả năng ít xảy ra. Nếu như các loại rau củ quả được bảo hộ đầu ra thì chắc rằng người sản xuất ít khốn khổ như một số vụ đã qua.

May mắn hơn người làm rau, nông dân trồng mía không phải mang sản phẩm ra chợ bán lẻ, mà họ được doanh nghiệp (DN) là Nhà máy Đường Phổ Phong bao tiêu, rồi còn trợ sức bằng việc cho mượn giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất. Tuy nhiên, niềm vui và may mắn này chưa thực sự trọn vẹn. Lý do là, mối quan hệ giữa DN - nông dân dường như vẫn mong manh khi mà nhiều năm nay, người trồng mía liên tục than phiền rằng mình thiệt thòi vì cung cách thu mua và đánh giá chất lượng mía của Nhà máy chưa minh bạch, hay giá cả cứ... hạ xuống khiến họ thua lỗ triền miên!

Hàng nông sản đã thế, thủy sản cũng chẳng khá hơn một khi số phận của nó lại được định đoạt bởi một nhóm thương lái, đầu nậu. Và dù sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản biển và nội địa đạt gần 141 nghìn tấn/năm nhưng phần lớn lại được xuất bán thô. Nguyên nhân cũng vì Quảng Ngãi thiếu DN hoạt động trên lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản. Đó là chưa kể tình trạng cửa biển bồi lấp khiến tàu thuyền phải đi đậu nhờ, làm cho cả ngư dân lẫn chủ cơ sở phải bán, mua sản phẩm ở nơi khác với mức giá rẻ, đắt thất thường.

“Muốn tồn tại, phải liên kết”

Đó không chỉ là phương châm hành động của nhiều DN mà còn  của những nông dân “biết làm ăn”. Đó là những người nhạy bén, biết nắm bắt nhu cầu thị trường và chủ động đi tìm DN trợ sức. Đơn cử như người trồng mía. Dù phàn nàn, than phiền nhưng họ vẫn phải thừa nhận rằng, nếu không có sự giúp sức của Nhà máy đường, cuộc sống nhiều người vẫn sẽ luẩn quẩn với cái đói, cái nghèo, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi.

Bởi nếu không được Nhà máy cho mượn giống, phân bón (tổng giá trị trên 54 tỷ đồng trong niên vụ mía 2013-2014) và bao tiêu sản phẩm thì liệu, nông dân có còn mặn mà với cây mía? Nếu không được Nhà máy giúp đào đất bằng máy múc, rồi hỗ trợ kỹ thuật xử lý đất chua bằng vôi hay tăng độ phì cho đất bằng cách bón lót phân hữu cơ và vi sinh thay vì NPK như trước... thì liệu, năng suất mía của người dân miền núi có tăng từ 40 - 45 tấn/ha lên 70-100 tấn/ha, kéo theo lợi nhuận đạt 30- 45 triệu đồng/ha như hiện nay?

Tuy nhiên, điều khiến những DN như Nhà máy Đường Phổ Phong boăn khoăn chính là ý thức sản xuất của người dân và trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Tức là dù bắt tay hợp tác với DN, nhưng nhiều hộ vẫn không chịu tuân thủ quy trình sản xuất do DN đưa ra, còn chính quyền địa phương lại chậm, hoặc không giúp DN quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh. Đơn cử như tại đồng Dinh Điền, xã Sơn Cao (Sơn Hà), dù được chọn thí điểm xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn với diện tích 60 ha, nhưng bà con vẫn... cắm mì, khiến ruộng mía bị phân khúc. Việc sản xuất và thu hoạch vì thế cũng khó khăn, tốn kém  cả nhân công và chi phí.

Đây chính là lý do khiến nhiều DN bảo “rất ngần ngại” khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NNNT) dù nhận được sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước.  Chẳng trách “dù Nhà nước có trải thảm đỏ, chúng tôi cũng e dè khi rót vốn vào NNNT, trừ khi nông dân thay đổi được kiểu sản xuất nông hộ, mạnh ai nấy làm như hiện nay”, đại diện Công ty TNHH hạt giống CP Việt Nam khẳng định. Ngoài ra, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong giải quyết thủ tục hành chính, quy hoạch và bố trí quỹ đất, cùng DN định hướng sản phẩm cho nông dân… cũng là những lý do khiến nhiều DN nản ngay từ giai đoạn manh nha ý định đầu tư vào NNNT. Bởi, “cái chúng tôi cần là thiện chí hợp tác chứ không phải thái độ ban ơn. Nhất là kiểu rề rà, đủng đỉnh và yêu sách của một bộ phận cán bộ khi giải quyết thủ tục hành chính và vướng mắc cho DN”, đại diện một DN thủy sản nói thẳng. Điều này đáng để các ngành chức năng suy nghĩ, xem xét khi triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực NNNT.

*Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong Tạ Công Tường: “DN muốn tồn tại phải chia sẻ lợi ích với nông dân”.
Từ thành công của chính sách "Nhà máy và nông dân cùng làm, cùng chia sẻ lợi ích", hiện giờ, chúng tôi đang xúc tiến xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn. Đây là chiến lược phát triển và ổn định nguồn nguyên liệu của Nhà máy. Hướng đi này sẽ giúp nông dân dễ dàng tiếp cận với nhiều phương thức canh tác mới nhờ DN đưa khoa học kỹ thuật và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Từ đó tăng năng suất sản lượng trên cùng một diện tích. Lợi nhuận của cả DN lẫn người dân vì thế cũng tăng lên. Tuy nhiên, để mối quan hệ Nhà máy - nông dân bền vững, cần thiết phải có sự chia sẻ của Nhà nước với DN và nông dân khi gặp rủi ro, thiệt hại do thiên tai, bão lũ cũng như các chính sách ưu đãi về đất.

*Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Sở NN&PTNT Võ Văn Kỹ: “Phân vai rõ ràng các loại sản phẩm trên thị trường”.
Sức tiêu thụ và tiềm năng tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quyết định mức độ rót tiền của nhà đầu tư. Thế nên dù sản phẩm nông - lâm - thủy sản của tỉnh ta đa dạng, phong phú nhưng lại mờ nhạt trên thị trường vì thiếu DN đỡ đầu. Nguyên do cũng bởi, các sản phẩm này chưa được phân vai rõ ràng. Tức là loại kém chất lượng vẫn được "ở chung" và bán với giá ngang bằng, hàng đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này khiến người sản xuất sản phẩm an toàn thiệt thòi, DN thấy thế cũng nản và do dự khi muốn đầu tư trợ sức cho sản phẩm.

*Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Cao (Sơn Hà) Đinh Tấn Rã: “Doanh nghiệp cần sòng phẳng với người dân”.
Đất ở đây xấu, nên chỉ mía, mì, keo là có thể sống nổi. Thế nhưng giá cả của 3 loại cây này  lên xuống bất thường quá, rồi Nhà máy thu mua chậm khiến mía mì khô, hỏng nên nhiều lúc bà con phải bán rẻ cho thương lái. Thế nên bà con Sơn Cao chỉ mong DN nào đã hứa bao tiêu sản phẩm và bảo hộ giá thì phải giữ lời. Đừng thấy họ làm ra được nhiều hàng thì lại chèn ép rồi hạ giá. Điều này khiến họ không tin tưởng, chuyển sang trồng cây khác.

*Ông Đinh Mới, thôn Đèo Rơn, xã Sơn Ba (Sơn Hà): “Nhà nước “cho” bà con mình thêm cái kỹ thuật làm ăn”.
Từ ngày Nhà máy Đường mang máy lên đào múc đất, cán bộ Tân (Lê Tấn Tân - Phó trưởng phòng đầu tư, nguyên liệu Nhà máy đường Phổ Phong) chỉ cách bón vôi, lót phân cho đất thì mía của bà con mình tốt lắm, nhà nào cũng thu lợi được vài chục triệu đồng. Nhưng mà ngoài cây mía, bà con mình mong Nhà nước, Nhà máy “cho” thêm nhiều kỹ thuật làm ăn nữa, như trồng mì nhiều củ, nuôi heo mau lớn. Rồi khi bán sản phẩm, nhà máy mua giá cao hơn, để bà con có nhiều tiền hơn.

 


              Bài, ảnh: Mỹ Hoa    

 


.