Nâng cao chất lượng dân số vùng biển: Còn nhiều thách thức

02:10, 07/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù có nhiều chuyển biến, nhưng chất lượng dân số vùng biển ở tỉnh ta vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, đó là mức sinh và tỷ lệ chênh lệch giới tính còn cao...

TIN LIÊN QUAN

Mức sinh cao

Về xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi), chúng tôi có dịp trò chuyện cùng chị Đinh Thị Bé Yến, ở thôn Cổ Lũy Nam. Dù đã có hai con trai, vợ chồng chị Yến vẫn quyết tâm sinh thêm đứa thứ 3 để “dự phòng”. “Ở vùng biển này có con trai mới được nhờ, ở đây ai cũng sống dựa vào nghề biển. Không có con trai lấy ai đi biển”, chị Yến giải thích việc sinh con đông của mình. Cũng vì tư tưởng “khát” con trai đi biển mà nhiều năm nay, Nghĩa Phú chưa thể khắc phục được tình trạng mức sinh cao.

Cán bộ dân số xã Nghĩa Phú đến từng gia đình tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ cho người dân.
Cán bộ dân số xã Nghĩa Phú đến từng gia đình tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ cho người dân.


Theo thống kê của chính quyền địa phương, trong 9 tháng năm 2015, toàn xã có 13,2% tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Không những có mức sinh cao, Nghĩa Phú còn đối diện với mức chênh lệch giới tính khi sinh khá cao. Trong số 44 trẻ sinh ra thì đã có 32 nam, nữ chỉ có 12 cháu.   Chị Nguyễn Thị Thu Hoa- Cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết: “Do đặc thù vùng biển, người dân cần con trai theo nghề biển. Hơn nữa, đối tượng nam giới thường xuyên đi làm ăn xa, đánh bắt xa bờ dài ngày nên chúng tôi cũng khó tiếp cận, tuyên truyền”.

Còn tại xã biển Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi), việc kiểm soát tình trạng sinh con thứ 3 trở lên luôn là bài toán khó của địa phương. Với tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 26,5%, Nghĩa An là xã ven biển có mức sinh con thứ 3 cao nhất của tỉnh. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến Nghĩa An đứng trước thực trạng đất chật, người đông, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
 

Theo thống kê của Trung tâm dân số tỉnh, trong 9 tháng  năm 2015, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên gia tăng ở một số địa phương ven biển như: Mộ Đức (13%); Đức Phổ (14,3%); Lý Sơn (14,6%)…

Tăng cường kiểm soát quy mô dân số

Kiểm soát có hiệu quả quy mô dân số, chất lượng dân số các xã ven biển, bãi ngang được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng biển, đảo và ven biển tỉnh đến năm 2020. Chính vì vậy, từ năm 2009 đến nay,  ngành dân số đã tích cực triển khai đề án kiểm soát quy mô dân số vùng biển, đảo và ven biển (gọi tắt là Đề án 52) tại 26 xã đảo, ven biển thuộc 5 huyện, thành phố trong tỉnh. Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Văn Quang nhận định: “Sự vào cuộc của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tạo điều kiện cho việc triển khai đề án được thuận lợi. Qua đó, hành vi của người dân về vấn đề DS-KHHGĐ; việc cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; SKSS/KHHGĐ cho người dân vùng ngập mặn và ven biển của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực”.

Bên cạnh đó, việc triển khai Đề án 52 tại các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, do điều kiện địa lý, khí hậu và đặc thù nghề nghiệp, người dân làm việc trên biển dài ngày nên chưa có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Công tác chăm sóc SKSS, sức khỏe bà mẹ, trẻ em và KHHGD, cũng như nâng cao hiểu biết về công tác dân số cho ngư dân cũng gặp không ít trở ngại. Cùng với đó, đội ngũ cộng tác viên dân số việc nhiều, nhưng phụ cấp quá ít, khiến họ không mặn mà với công việc. Đặc biệt, kinh phí đầu tư cho đề án bị cắt giảm tới hơn 50% nên các hoạt động của dự án kém hiệu quả.

Thiết nghĩ, để đạt hiệu quả cao về công tác dân số của tỉnh ta nói chung, các xã ven biển, hải đảo nói riêng cần có sự huy động cả hệ thống chính trị, nhằm từng bước nâng cao nhận thức người dân, từng bước ổn định mức sinh, nâng cao chất lượng dân số, góp phần ổn định đời sống kinh tế-xã hội cho vùng biển, đảo.
        

Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.