Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất công nghiệp: Hiệu quả từ thực tiễn

04:03, 22/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ sản xuất công nghiệp ở Quảng Ngãi đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đột phá phát triển công nghiệp mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Công nghệ vuốt trắng dây hàn MAG...

Đề tài “Giảm tiêu hao điện năng và bảo vệ môi trường từ nghiên cứu công nghệ vuốt trắng dây hàn MAG phù hợp với điều kiện của Việt Nam” của Công ty TNHH Việt Quang (KCN Tịnh Phong) là một trong những sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực nhất trong thực tiễn sản xuất công nghiệp ở Quảng Ngãi. Đề tài này đã đạt giải nhì Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2014 của Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam.

NMLD Dung Quất, đơn vị đi đầu về ứng dụng Kaizen trong sản xuất ở Quảng Ngãi.
NMLD Dung Quất, đơn vị đi đầu về ứng dụng Kaizen trong sản xuất ở Quảng Ngãi.


Ông Nguyễn Bá Dũng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Quang, đồng chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện nay các loại dây hàn MIG/MAG chủ yếu là dây mạ đồng, trước khi mạ phải xử lý và làm sạch bề mặt bằng các loại hóa chất, mới có thể đảm bảo độ bền của lớp mạ. Thực hiện đề tài sáng kiến, Công ty TNHH Việt Quang đã sử dụng khuôn kéo có vật liệu phù hợp và cải tiến biên dạng bên trong của khuôn kết hợp với cải tiến thành phần bột kéo, để sau khi kéo bề mặt dây trắng sạch, không bị bám một lớp xỉ do bột kéo gây nên. Toàn bộ khuôn kéo đều sử dụng khuôn lõi kim cương và cải tiến gia công mài biên dạng bên trong phù hợp... Sau khi kéo, dây được phủ ngay một hợp chất phủ bề mặt phù hợp bảo quản đề chống gỉ lâu dài, đồng thời đảm bảo tính dẫn điện bề mặt dây hàn. Chất bảo quản này có thể giữ cho dây không bị gỉ đến 2 năm.

Lợi ích mang lại là tiết kiệm điện năng bình quân khoảng 307,2kWh cho một tấn sản phẩm dây hàn. Tiết kiệm được nhiều loại vật tư, hóa chất đắt tiền phục vụ cho việc xử lý bề mặt dây và mạ đồng, thân thiện với môi trường hơn. Ngoài ra, công nghệ vuốt trắng này còn ứng dụng được cho sản xuất dây thép trong một số lĩnh vực khác như dây để làm lồng quạt, làm móc áo, quần... để mạ hoặc sơn tĩnh điện.

“Đề tài là bước đột phá, tiên phong đi đầu kết hợp giữa những thiết bị hiện đại với kinh nghiệm thực tế nghiên cứu thay đổi công nghệ vuốt dây hàn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng hàn, năng suất sản xuất tăng và kịp thời phục vụ cho khách hàng”, ông Dũng nói.
 

Đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp

Sở KH&CN đã triển khai chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (giai đoạn 2011-2015), hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Đến nay, trong 146 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 21 doanh nghiệp với 34 hồ sơ được hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN như: ISO 9000, ISO 14.000, ISO 9001-2008, OHSAS-18001, SA 8000, HACCP, TQM. Bên cạnh đó, đã có 189 bằng và giấy chứng nhận về xác lập quyền sở hữu công nghiệp được cấp mới.

 Ứng dụng Kaizen tại Công ty BSR

Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là một điển hình về ứng dụng Kaizen (khái niệm quản lý Nhật Bản được quốc tế hóa, dịch ra tiếng Việt là cải tiến) trong quá trình sản xuất, với hàng trăm ý tưởng sáng kiến cải tiến Kaizen mỗi năm, đem lại lợi ích hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp cao trong công việc của các thành viên tham gia... góp phần to lớn trong việc vận hành an toàn, phát triển bền vững cho NMLD Dung Quất.

Điển hình là hai kỹ sư Huỳnh Công Khoa và Nguyễn Trọng Lý thuộc Phòng Bảo dưỡng Sửa chữa BSR, đã nhận thấy các ống mềm bằng thép không gỉ tại đầu hút và đẩy của bơm màng P-103, P-116, P-602 có khả năng bị vỡ tại vị trí kết nối ống mềm với đầu hút và đẩy của bơm do rung động trong quá trình vận hành. Giải pháp Kaizen mà hai kỹ sư này đưa ra là chế tạo và lắp đặt các giá đỡ để kẹp chặt vị trí kết nối giữa các ống mềm với đầu hút và đẩy của bơm. Qua đó hạn chế tối đa sự rung động tại ví trí các ống mềm có khả năng bị vỡ này, cho phép rung động dịch chuyển đến vị trí giữa ống mềm, hạn chế tối đa việc các ống mềm bị nứt trong quá trình vận hành bơm. Bằng cách tận dụng vật tư kết cấu thép thừa và que hàn, các kỹ sư đã thực hiện cải tiến giúp các ống mềm hoạt động ổn định, tăng độ tin cậy thiết bị, ổn định vận hành các bơm P-103, P-116, P-602.

Một ý tưởng Kaizen khác đến từ thực tế trong quá trình vận hành đường xả lỏng của mạng hơi siêu cao áp (HHP) luôn luôn có dòng hơi và nước ngưng thoát ra nhằm bảo vệ mạng hơi và đường ống hơi HHP. Tuy nhiên, đường xả lỏng này nằm ở vị trí rất nguy hiểm cho nhân viên vận hành và ảnh hưởng trực tiếp đến sàn thao tác khi vận hành. Thực tế bất cập này đã được nhóm kỹ sư Phạm Đình Ba và Trần Đình Vinh (Phòng Sản xuất) khắc phục bằng cách chế tạo và lắp đặt thiết bị ống thép dẫn đường xả lỏng (drain) siêu cao áp (105KG/cm2g và 500 độ C) của 4 lò hơi  ra khỏi sàn một cách an toàn, không gây nguy hại cho con người và thiết bị xung quanh tại khu vực này...

Bài, ảnh: P.DANH



 


.